Chỉ thị 417-TTg năm 1995 về việc tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, tăng cường quản lý, lập lại trật tự, đẩy mạnh sản xuất trong khai thác và kinh doanh than do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 417-TTg |
Ngày ban hành | 17/07/1995 |
Ngày có hiệu lực | 01/08/1995 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 417-TTg |
Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 1995 |
Than mỏ là nguồn tài nguyên lớn, nguồn năng lượng quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với nhiều ngành kinh tế và tiêu dùng của nhân dân. Cũng như các khoáng sản khác, nguồn tài nguyên này không tái sinh, vì vậy Tổng công ty Than Việt Nam cũng như các đơn vị khai thác kinh doanh than ở các địa phương phải cùng các cấp , các ngành có quy hoạch, kế hoạch thật cụ thể, đồng bộ để tổ chức khai thác đúng quy trình quy phạm, sử dụng tài nguyên và sản phẩm than một cách tiết kiệm, có hiệu quả, nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng nhanh trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Do nhiều nguyên nhân mà trên thực tế trong nhiều năm qua tình hình bảo vệ tài nguyên có xu hướng bị buông lỏng, sản lượng khai thức than thấp, hệ số chuẩn bị tài nguyên bị giảm sút do không bóc hết đất đá, mở ít đường lò chuẩn bị; xe, máy, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu về kỹ thuật, thiếu phụ tùng thay thế; nan khai thác và kinh doanh than trái phép đã diễn ra ở nhiều nơi mà nghiêm trọng nhất là ở các vùng mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 381-TTg ngày 27-7-1994 và Chỉ thị số 382-TTg ngày 28-7-1994 nhằm sắp xếp tổ chức và lập lại trật tự trong khai thác kinh doanh than. Qua một năm thực hiện, tình hình sản xuất và kinh doanh than ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng mỏ Quảng Ninh đã có những chuyển biến rõ rệt. So với cùng kỳ năm ngoái và nhiều năm trước đó, sản lượng than khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, khối lượng bóc đất đá, đào lò chuẩn bị cũng như thu nhập bình quân tính theo đầu người đều tăng. Bên cạnh đó, các quy trình sản xuất đang dần dần đi vào nề nếp, trật tự trong khai thác và kinh doanh than đã có tiến bộ.
Các công ty trong ngành Than và các cấp chính quyền ở các địa phương nói chung và ở Quảng Ninh nói riêng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện đổi mới quản lý, tăng cường mối quan hệ giữa các ngành với địa phương, làm cho ngành Than dần dần ổn định và hoạt động có nề nếp hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn còn có một số tồn tại trong việc kiện toàn tổ chức của Tổng công ty và việc lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh than tuy có tiến bộ những chưa đủ vững chắc thiếu những giải pháp cơ bản, triệt để và đồng bộ v.v...
Để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần các Quyết định, Chỉ thị nói trên của Thủ tướng Chính phủ, trong cuộc họp ngày 2-7-1995 tại thành phố Hạ Long, sau khi nghe các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan, của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, của Tổng Giám đốc và một số Giám đốc, thành viên của Tổng công ty Than, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
Tổng công ty Than, các đơn vị khai thác, kinh doanh than của Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh, gấp rút quy hoạch, phân định rành mạch phạm vị, ranh giới quản lý, theo nguyên tắc mỏ nào cũng phải có chủ; chủ mỏ phải chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ khu vực mình phụ trách.
Tổng công ty Than Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng như Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có liên quan bàn bạc kỹ, đề ra các biện pháp và hình thức thích hợp nhằm tổ chức, sắp xếp lại số lao động, thiết bị khai thác kinh doanh than trái phép theo hướng như sau:
- Đối với số lao động có nghề nghiệp phù hợp, thiết bị bảo đảm an toàn thì cần có tổ chức thu hồi, tận dụng than trôi nổi trên các bãi, khe, rãnh, sông, suối; khai nhận tận thu ở một số vỉa nhỏ nhưng phải cam kết thực hiện đúng các quy trình quy phạm của ngành Than và mua lại sản phẩm của họ.
- Đối với số lao động không có nghề nghiệp thì cần hướng dẫn, tạo điều kiện để họ có thể chuyển sang ngành nghề khác, có công ăn việc làm và có chính sách hỗ trợ vốn vay và giúp cho việc đào tạo nghề nghiệp thích hợp và tạo cơ sở vật chất cần thiết ban đầu. Các phương tiện như ô-tô, máy ủi... của các đối tượng này cần được tổ chức lại để hợp đồng làm thuê cho ngành Than và các ngành khác hoặc mua lại nếu có nhu cầu.
Các cấp chính quyền địa phương phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phối hợp với Tổng công ty Than giải quyết triệt để và cơ bản việc khai thác và tiêu thu than trái phép; chấm dứt tình trạng "cai than", "đầu nậu", xử lý kiên quyết đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, gây rối trật tự xã hội.
Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng than đầu phải có hợp đồng mua bán than (ngắn hạn hoặc dài hạn) với Tổng công ty hoặc các Công ty than của Nhà nước; doanh nghiệp nào có hành vi mua bán, vận chuyển than trái phép thì Giám đốc doanh nghiệp đó phải bị xử lý nghiêm về hành chính và pháp luật.
Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản than trong phạm vi toàn quốc; Tổng công ty Than Việt Nam và các công ty, xí nghiệp than địa phương có trách nhiệm quản lý trực tiếp các khu mỏ được giao.
Uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ khu vực mỏ chưa khai thác, giám sát việc chấp hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản; ngăn ngừa, đình chỉ và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường; nắm chắc số người khai thác, kinh doanh than trái phép ở địa phương khác đến, buộc họ phải trở về nơi cư trú.
Việc thực hiện nghiêm túc các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, ổn định trật tự trong khai thác là yêu cầu chung đối với các địa phương có than, đặc biệt là các địa phương có sản lượng khai thác lớn là Quảng Ninh, Bắc Thái, Lạng Sơn, Nghệ An v.v...
6. Về một số vấn đề cụ thể do Tổng công ty Than Việt Nam đề nghị:
a. Việc thực hiện quy chế thành viên của Tổng công ty đối với Công ty Đông Bắc và Công ty than Quảng Ninh, giao cho Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp chủ trì, bàn bạc kỹ với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu, quy định rõ ràng, theo đúng pháp luật trong Điều lệ sửa đổi của Tổng công ty để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thành viên thực hiện.
b. Việc tổ chức, sắp xếp lại Công ty Cơ khí mỏ giao cho Ban Cơ khí Chính phủ phối hợp với Bộ Năng lượng và Tổng công ty Than Việt Nam nghiên cứu, phân tích rõ hiệu quả và năng lực hoạt động của các đơn vị trong Công ty này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
c. Về gỗ trụ mỏ, trước mắt Tổng công ty Than Việt Nam phải căn cứ vào nhu cầu, xác định các vùng nguyên liệu và có kế hoạch thật cụ thể để chủ động ký hợp đồng với các cơ sở nguyên liệu gỗ trụ mỏ, bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chất lượng và đúng thời gian yêu cầu. Việc chuyển giao Liên hiệp gỗ trụ mỏ cho Tổng công ty cần được cân nhắc kỹ. Tổng công ty Than Việt Nam bàn bạc, thống nhất với Bộ Lâm nghiêp và báo cáo việc này với Thủ tướng Chính phủ.
d. Việc chuyển trụ sở chính của Tổng công ty Than Việt Nam về Hà Nội, trước mắt chưa nên thực hiện mà vẫn đặt ở thành phố Hạ Long để tập trung chỉ đạo cho mỏ vùng Quảng Ninh. Để thuận lợi cho công tác giao dịch, tiếp thị, Tổng công ty Than Việt Nam có Văn phòng giao dịch ở Hà Nội.
đ. Việc thực hiện chức năng Giám đốc điều hành cần phải được nghiên cứu kỹ vì có liên quan đến các doanh nghiệp khác. Giao cho Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp nghiên cứu vấn đề này để có kiến nghị cụ thể với Thủ tướng Chính phủ.