Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 133/2015/TT-BTC
Ngày ban hành 31/08/2015
Ngày có hiệu lực 20/10/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2015

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 310-TTg ngày 29 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về quan hệ công tác của các cơ quan chính quyền với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 601/TTg ngày 01 tháng 8 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Uỷ ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan;

Căn cứ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính đặc thù;

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại văn bản số 1703/PTM-TC ngày 23 tháng 7 năm 2015;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về cơ chế quản lý tài chính áp dụng đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (sau đây gọi tắt là VCCI).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị sự nghiệp thuộc VCCI.

2. Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan (sau đây gọi tắt là UBĐL).

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với VCCI

1. VCCI hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính đặc thù.

2. Quản lý tài chính đối với VCCI được phân định và hạch toán rõ theo hai loại hoạt động:

a) Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để thực hiện chủ trương mở rộng và phát triển kinh tế của đất nước; các hoạt động theo nhiệm vụ được Nhà nước giao; các hoạt động triển khai các chương trình, dự án, đề tài theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là các hoạt động xúc tiến).

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

b) Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ: VCCI phải tự đảm bảo kinh phí và tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

3. Ban Thường trực VCCI có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý tài chính của VCCI căn cứ quy định tại Thông tư này và các văn bản chế độ quản lý tài chính hiện hành có liên quan.

Chương II

[...]