Thông tư 132/2008/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý vốn vay cho chương trình tín dụng chuyên ngành của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 132/2008/TT-BTC
Ngày ban hành 29/12/2008
Ngày có hiệu lực 10/02/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 132/2008/TT-BTC

Hà Nội ngày 29 tháng 12 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN VAY CHO CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CƠ QUAN HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JICA)

Căn cứ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 1/11/2005 của Chính phủ ban hành Qui chế vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành qui chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA;
Căn cứ vào các Hiệp định tín dụng đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, nay là Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (sau đây gọi tắt là JICA) tài trợ cho Chương trình Phát triển hạ tầng nông thôn và nâng cao mức sống của dân cư;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ qui định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn vay của JICA cho Chương trình Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao mức sống dân cư như sau:

Phần I

QUI ĐỊNH CHUNG

1. Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao mức sống của dân cư (gọi tắt là Chương trình Tín dụng chuyên ngành) là chương trình sử dụng nguồn vốn vay JICA để tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương trong phạm vi cả nước, bao gồm các lĩnh vực theo quy định tại các Hiệp định.

2. Nguồn vốn vay thuộc Chương trình Tín dụng chuyên ngành là khoản vay của Chính phủ. Nguồn vốn này được quản lý theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, các chế độ chi tiêu hiện hành. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả gốc và lãi). Nguồn vốn này được cân đối vào Ngân sách Nhà nước để chi cấp phát cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo hình thức ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Các lĩnh vực, dự án thuộc Chương trình Tín dụng chuyên ngành nhưng được xác định cơ chế cho vay lại sẽ thực hiện theo Qui chế Cho vay lại ban hành theo Quyết định số 181/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Cho vay lại từ nguồn vốn vay, viện trợ nước ngoài của Chính phủ.

3. Tổ chức triển khai chương trình: Chương trình tín dụng chuyên ngành bao gồm nhiều dự án thành phần trong các lĩnh vực giao thông nông thôn, điện nông thôn, cấp nước sinh hoạt, thuỷ lợi. Các dự án thành phần ở địa phương được giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Chủ Chương trình thành lập Ban Quản lý chương trình Trung ương để điều hành và giám sát việc thực hiện chương trình. Mỗi tỉnh có dự án thành lập Ban quản lý dự án, (sau đây gọi là Ban quản lý Dự án JICA tỉnh) theo hướng dẫn của Chủ Chương trình để điều hành và giám sát việc thực hiện các dự án JICA tại địa phương.

a. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ Chương trình có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch sử dụng vốn Chương trình Tín dụng Chuyên ngành cho các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Ban quản lý chương trình Trung ương để điều hành và giám sát việc thực hiện chương trình, hướng dẫn các địa phương trong việc điều hành thực hiện các dự án và bố trí vốn đối ứng theo qui định.  

b. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được Bộ Tài chính uỷ nhiệm thực hiện các nghiệp vụ thanh toán đối ngoại, có trách nhiệm ký thoả ước Ngân hàng với phía nước ngoài trên cơ sở của Hiệp định vay vốn JICA.

c. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả theo hướng dẫn của Chủ chương trình và Bộ Tài chính, phù hợp với các qui định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong nước và cam kết trong Hiệp định tín dụng đã ký với JICA.

4. Thông tư này áp dụng cho tất cả các chương trình tín dụng chuyên ngành do JICA tài trợ. Riêng lĩnh vực trồng rừng áp dụng theo Thông tư số 104/2002/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý vốn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho chuyên ngành trồng rừng thuộc Chương trình Tín dụng chuyên ngành.

Phần II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn vốn vay của JICA:

1.1. Nguồn vốn của JICA chiếm từ 75% đến 85% giá trị công trình,  được sử dụng chi cho các nội dung sau:

a. Thuê tư vấn nước ngoài;

b. Nhập vật tư hàng hoá, thiết bị trong và ngoài nước cho các  công trình;

c. Thanh toán cho khối lượng thi công xây dựng công trình, thực hiện chương trình dự án trong nước;

d. Phí rút vốn vay JICA (theo tỷ lệ 0,1% trên số tiền rút vốn do JICA ghi nợ khoản vay ngay khi rút vốn);

đ. Thanh toán tiền giữ lại chờ thanh quyết toán sau bảo hành; hoàn trả thanh toán ứng trước từ vốn ngân sách địa phương chỉ được thực hiện trong thời hạn rút vốn JICA của Hiệp định;

1.2. Vốn vay JICA không được sử dụng để thanh toán các hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng, thăm dò khảo sát thiết kế xây dựng dự án, thuế, chi phí quản lý, phí dịch vụ ngân hàng trong nước, phí bảo hiểm công trình.

2. Vốn đối ứng trong nước:

2.1. Vốn đối ứng trong nước do ngân sách địa phương tự đảm bảo; thực hiện  theo cơ chế hiện hành về quản lý vốn đối ứng cho các công trình, dự án sử dụng vốn ODA: được đưa vào cân đối Ngân sách hàng năm, hoặc huy động từ các nguồn khác, bảo đảm cân đối tiến độ thực hiện vốn nước ngoài trong mỗi thời kỳ kế hoạch của dự án. Mức vốn này cần được bố trí khoảng 15-25% giá trị công trình để thanh toán cho:

a. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, thăm dò khảo sát thiết kế xây dựng dự án và phí quản lý (đối với quá trình thi công dự án);

b. Phí dịch vụ ngân hàng trong nước (đối với các khoản thanh toán cho nhà thầu);

c. Các loại thuế gián thu đối với hàng hoá, dịch vụ áp dụng cho chương trình dự án ODA vay để cấp phát cho các dự án tại địa phương;

d. Chi phí trong nước cho Người nhập khẩu: phí uỷ thác nhập khẩu, thuế nhập khẩu hàng hoá, thuế giá trị gia tăng (nếu có), chi phí tiếp nhận, cung ứng, vận chuyển hàng hoá từ cảng đến công trình (đối với dự án cần nhập khẩu hàng hoá) phân bổ cho các dự án sử dụng thiết bị nhập khẩu của Chương trình;

[...]