Thông tư liên tịch 104/2002/TTLT-BQP-BTC hướng dẫn Quyết định 47/2002/QĐ-TTg về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 trở về trước do Bộ Quốc Phòng - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 104/2002/TTLT-BQP-BTC
Ngày ban hành 01/08/2002
Ngày có hiệu lực 01/05/2002
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân,Nguyễn Văn Rinh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 104/2002/TTLT-BQP-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2002

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 104/2002/TTLT-BQP-BTC NGÀY 01 THÁNG 8 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 47/2002/QĐ-TTG NGÀY 11/4/2002 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN,CÔNG NHÂN VIÊN QUỐC PHÒNG THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP ĐÃ PHỤC VIÊN (GIẢI NGŨ, THÔI VIỆC) TỪ NGÀY 31/12/1960 TRỞ VỀ TRƯỚC

Thi hành Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân (QN), công nhân viên quốc phòng (CNVQP) tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 trở về trước; sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương tại Công văn số 1337 CV/TCTW ngày 05 tháng 6 năm 2002, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội tại Công văn số 2373/LĐTBXH-TL ngày 19/7/2002, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tại Công văn số 79/BTCCBCP-TL ngày 04 tháng 7 năm 2002 và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Công văn số 202/CV-CCB ngày 21 tháng 6 năm 2002, Liên Bộ Quốc phòng - Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN

1. Đối tượng và điều kiện áp dụng:

Quân nhân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương), công nhân viên quốc phòng thuộc các cơ quan, đơn vị quân đội có thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp nhập ngũ, tuyển dụng vào quân đội từ ngày 22/12/1944 đến trước ngày 20/7/1954, đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 về trước, không thuộc diện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hoặc hưởng chế độ bệnh binh theo Nghị định số 500/NĐ-LB ngày 12/11/1958 của Liên Bộ Cứu tế Xã hội - Tài chính - Quốc phòng và Nghị định số 523/TTg ngày 06/12/1958 của Thủ tướng Chính phủ, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Quân nhân, CNVQP do bị thương, hoặc sức khoẻ yếu, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc do không có nhu cầu sử dụng được đơn vị cho về gia đình trước ngày 20/7/1954;

b) Quân nhân, CNVQP thuộc diện giảm quân số sau ngày 20/7/1954 (kể cả số bị địch bắt, trao trả sau đó được giải quyết xuất ngũ);

c) Quân nhân, CNVQP chuyển ngành sang làm kinh tế hoặc công tác khác thôi việc từ ngày 31/12/1960 về trước;

d) Quân nhân, CNVQP ở miền Nam, được đơn vị cho về gia đình trước khi đơn vị tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-Ne-Vơ (1954), sau đó không tiếp tục hoạt động hoặc tiếp tục thoát li hoạt động nhưng đã giải ngũ hoặc thôi việc tại miền Nam trước ngày 30/4/1975 mà không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động, bệnh binh hàng tháng (thời gian được tính hưởng là thời gian thực tế phục vụ quân đội từ ngày 20/7/1954 về trước).

Các đối tượng quy định tại Điểm a, b, c, d nêu trên đã hưởng hoặc đang hưởng phụ cấp, trợ cấp một lần hoặc hàng tháng như: Trợ cấp thương tật của thương binh, trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ; phụ cấp ưu đãi đối với anh hùng; phụ cấp, trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng tám năm 1945; trợ cấp tù đày; trợ cấp người có công giúp đỡ cách mạng; trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng; trợ cấp tham gia kháng chiến; chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn khi đang làm việc hoặc đã nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư này.

Các đối tượng nêu trên, nếu đã từ trần thì vợ hoặc chồng của người từ trần được hưởng trợ cấp. Nếu vợ hoặc chồng của người từ trần đã chết thì người thừa kế theo pháp luật được hưởng trợ cấp, theo thứ tự sau:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật của người từ trần (thuộc hàng thừa kế thứ nhất);

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người từ trần (thuộc hàng thừa kế thứ hai);

- Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người từ trần; cháu ruột của người từ trần mà người từ trần đó là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột (thuộc hàng thừa kế thứ ba).

(Mỗi hàng thừa kế do một người đại diện được những người trong hàng thừa kế uỷ quyền đứng khai. Người đại diện ở hàng thừa kế sau chỉ đứng khai hưởng chế độ nếu không còn ai đại diện ở hàng thừa kế trước).

2. Đối tượng và điều kiện không áp dụng:

a) Đối tượng quy định tại Khoản 1, Mục I nêu trên, sau khi phục viên (giải ngũ, thôi việc) mà tái ngũ, tuyển dụng vào quân đội hoặc tiếp tục thoát ly công tác và đã xuất ngũ, thôi việc tại miền Bắc sau ngày 31/12/1960 và tại miền Nam từ ngày 30/4/1975 về sau;

b) Những người đào ngũ, bỏ ngũ đã ghi trong lý lịch cá nhân hoặc có văn bản thông báo đào ngũ của cấp trung đoàn trở lên hoặc có tên trong danh sách đào ngũ lưu trữ tại cơ quan quân sự huyện (quận);

c) Đối tượng sau khi xuất ngũ, thôi việc có tham gia nguỵ quân hoặc chính quyền nguỵ ở miền Nam tại địa phương từ thôn, bản, ấp, tổ dân phố... (sau đây gọi tắt là thôn) trở lên; hoặc không tham gia nguỵ quân hoặc chính quyền nguỵ tại đại phương nêu trên nhưng có hành động cộng tác với địch, gây thiệt hại cho cách mạng;

d) Đối tượng đang trong thời gian thi hành án tù giam;

đ) Người bị địch bắt mà đầu hàng, phản bội, xưng khai đã ghi trong lý lịch cá nhân hoặc có danh sách lưu trữ trong hồ sơ quản lý của cơ quan có thẩm quyền trong quân đội;

e) Đối tượng đã từ trần nhưng không còn người thừa kế theo pháp luật.

Những người hưởng chế độ hưu trí, bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng; dân quân du kích, tự vệ; thanh niên xung phong; dân công hoả tuyến và dân công thời chiến không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư này.

II. CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG

1. Nguyên tắc tính hưởng:

a) Thời gian để tính hưởng chế độ là thời gian thực tế phục vụ trong quân đội từ ngày 22/12/1944 đến ngày 31/12/1960, trong đó thời điểm nhập ngũ, tuyển dụng của QN, CNVQP phải trước ngày 20/7/1954 và phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 về trước.

b) Trong khoảng thời gian từ ngày 22/12/1944 đến ngày 31/12/1960, nếu QN, CNVQP có thời gian phục vụ quân đội bị gián đoạn thì được cộng dồn các khoảng thời gian thực tế phục vụ trong quân đội để tính hưởng chế độ.

[...]