Thông tư số 130/2004/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 161/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 130/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 29/12/2004
Ngày có hiệu lực 21/01/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Chứng khoán,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 130/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 130/2004/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 161/2004/NĐ-CP NGÀY 07/9/2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 161/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 161/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

1.1. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức), có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

1.2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm:

a) Vi phạm các quy định về hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng;

b) Vi phạm các quy định về niêm yết chứng khoán trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán;

c) Vi phạm các quy định về giao dịch chứng khoán;

d) Vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh, đăng ký, lưu ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán;

đ) Vi phạm các quy định về chế độ báo cáo, công bố thông tin;

e) Vi phạm các quy định làm cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoặc không thực hiện kiến nghị của tổ chức thanh tra, kiểm tra.

2. Áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính

2.1. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 161/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sau đây gọi chung là Nghị định 161/2004/NĐ-CP).

2.2. Người ra quyết định xử phạt phải căn cứ vào hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hình thức và mức xử phạt quy định tại Chương II Nghị định 161/2004/ NĐ-CP và các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 6 Nghị định 161/2004/NĐ-CP để quyết định áp dụng hình thức xử phạt, mức phạt, kể cả hình thức xử phạt bổ sung hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi vi phạm đó.

2.3. Việc áp dụng mức phạt tiền, kể cả khi vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, đều không được thấp hơn hoặc vượt quá khung phạt tiền đã quy định. Việc xác định mức trung bình của khung tiền phạt được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2.4. Đối với một hành vi vi phạm, chỉ được áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Các hình thức xử phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

3. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

3.1. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 6 Nghị định 161/2004/NĐ-CP.

3.2. Một số tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với một số tình tiết giảm nhẹ, như: chủ động ngăn chặn vi phạm tiếp diễn, làm giảm bớt thiệt hại; tự nguyện khắc phục hậu quả; tự nguyện bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính của mình gây ra sẽ do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định; vi phạm do thiếu hiểu biết; do bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần, do bị xúi giục, lôi kéo, ép buộc thì phải có cơ sở, bằng chứng để chứng minh.

b) Đối với một số tình tiết tăng nặng, như: vi phạm nhiều lần là trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng trước đó chưa bị xử phạt hành chính; tái phạm là trường hợp trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa đến "thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính", mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong cùng một lĩnh vực đó.

II. HÀNH VI VI PHẠM

Một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 161/2004/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Điểm a - Khoản 1 - Điều 8: "Hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thực", là việc tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành cung cấp những thông tin không chính xác hoặc có sự che dấu sự thật trong hồ sơ đăng ký phát hành về những nội dung liên quan đến báo cáo tài chính, mức vốn điều lệ đã góp, quyết định của đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành, bản cáo bạch, cam kết bảo lãnh phát hành.

2. Điểm b - Khoản 1 - Điều 8: "Sử dụng các thông tin ngoài bản cáo bạch để thăm dò thị trường trước khi được phép phát hành chứng khoán ra công chúng", là việc tổ chức phát hành và các đối tượng liên quan, sử dụng thông tin ngoài bản cáo bạch hoặc những thông tin không chính xác với nội dung bản cáo bạch để quảng cáo, chào mời về chứng khoán phát hành trước khi được phép phát hành chứng khoán ra công chúng.

3. Khoản 2 - Điều 8: "Tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức kiểm toán tham gia soạn thảo hồ sơ phát hành chứng khoán ra công chúng có sự giả tạo trong hồ sơ đăng ký phát hành", là việc cố ý tạo ra những số liệu không đúng về mức vốn điều lệ đã góp, tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức đăng ký phát hành. Những số liệu này gây ảnh hưởng đến quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký phát hành chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và sự đánh giá, quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư.

[...]