Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành

Số hiệu 13/NV
Ngày ban hành 04/09/1972
Ngày có hiệu lực 19/09/1972
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 1972

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 13/NV NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM 1972 HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Ngày 27-12-1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Một trong những nguyên tắc của chính sách bảo hiểm xã hội là "mức đãi ngộ về bảo hiểm xã hội được quy định căn cứ vào sự cống hiến, thời gian công tác", do đó mà vấn đề quy định việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức có một ý nghĩa quan trọng.

Liên Bộ Nội vụ - Lao động đã ban hành Thông tư số 9-TT/LB ngày 17-2-1962 hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức. Sau đó, Bộ Nội vụ lại ra những văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư số 9-TT/LB và những văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể việc thi hành các chế độ bảo hiểm xã hội trong đó có những phần quy định và hướng dẫn về cách tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Nay Bộ Nội vụ tổng hợp trong Thông tư này những điểm hướng dẫn và những quy định cụ thể còn có hiệu lực thi hành cho phù hợp với thực tế, để tiện cho các ngành, các cấp nghiên cứu, áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ QUY ĐỊNH CHUNG

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đã định nghĩa rõ: tất cả những danh từ đã dùng để chỉ tuổi nghề, tuổi ngành, thâm niên công tác, thâm niên cách mạng v.v... nay gọi thống nhất là thời gian công tác. Có 2 loại thời gian công tác: thời gian công tác nói chung và thời gian công tác liên tục.

1. Thời gian công tác nói chung

Tất cả những thời gian người công nhân, viên chức thoát ly kinh tế gia đình, làm việc lấy lương hay sinh hoạt phí làm nguồn sống chính ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, ở các tổ chức của Đảng hay đoàn thể cách mạng, ở trong quân đội cách mạng theo chế độ tình nguyện hoặc theo chế độ nghĩa vụ đều được tính là thời gian công tác nói chung. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp làm việc không có lương hay sinh hoạt phí như thời gian hoạt động bí mật hay thời kỳ ta mới giành được chính quyền, cán bộ chưa có chế độ sinh hoạt phí, khi ở cơ quan thì do cơ quan, đoàn thể cung cấp ăn uống, khi xuống cơ sở thì sống dựa vào nhân dân; những thời gian đó vẫn được tính là thời gian công tác.

Đối với những công nhân, viên chức có thời gian làm công ăn lương dưới chế độ cũ, trước cách mạng tháng 8-1945 hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nếu công việc họ làm không có tính chất chống phá cách mạng hoặc đàn áp nhân dân thì thời gian đó cũng được tính là thời gian công tác nói chung.

Quy định thời gian công tác nói chung là để xét xem người công nhân, viên chức đã lao động cho xã hội nhiều hay ít để được hưởng quyền nghỉ ngơi khi tuổi già (chế độ hưu trí).

2. THời gian công tác liên tục

Thời gian công tác liên tục là thời gian người công nhân, viên chức làm việc liên tục không đứt quãng, ở một ngành, một cơ quan, một xí nghiệp dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà; nếu làm việc ở dưới chế độ cũ thì không được tính là thời gian công tác liên tục. Trường hợp người công nhân, viên chức được tổ chức điều động từ ngành, cơ quan, xí nghiệp này đến ngành, cơ quan, xí nghiệp khác thì cũng được xem là liên tục công tác.

Thời gian người cán bộ thực sự hoạt động cho cách mạng trước ngày 19-8-1945 được tính là thời gian công tác liên tục.

Quy định thời gian công tác liên tục là để có cơ sở đãi ngộ người công nhân, viên chức trong các chế độ bảo hiểm xã hội, đồng thời còn có tác dụng khuyến khích người công nhân, viên chức yên tâm đi sâu vào ngành, nghề của mình, góp phần củng cố kỷ luật lao động, ổn định lực lượng lao động trong các ngành kinh tế quốc dân.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC

Căn cứ vào định nghĩa và quy định chung trên đây, vào đặc điểm của quá trình hình thành đội ngũ công nhân, viên chức của Nhà nước ta, nay quy định cụ thể cách tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước như sau:

1. Thời gian công tác của công nhân, viên chức có hoạt động cách mạng, trước ngày 19-8-1845 hay hoạt động ở vùng địch hậu trong thời kỳ kháng chiến.

a. Những cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 hay hoạt động ở vùng địch hậu trong thời kỳ kháng chiến, nếu có thời gian bị đế quốc bắt giam giữ, cầm tù, thì nói chung những thời gian bị giam giữ đó đều được tính là thời gian công tác liên tục. Riêng trường hợp bị đế quốc bắt mà phản bội (làm tay sai cho chúng) thì thời gian công tác liên tục hay thời gian công tác nói chung đều chỉ được tính từ khi trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp.

b. Nếu vì đế quốc vây bắt, khủng bố mà bị mất liên lạc với đoàn thể, phải nằm im, sau đó lại tiếp tục hoạt động, nếu đã được tổ chức xác minh, thì thời gian nằm im không được tính nhưng vẫn được cộng thời gian đã hoạt động cách mạng trước đó với thời gian hoạt động trở lại để tính là thời gian công tác liên tục. Nhưng nếu có trường hợp trong một thời gian ngắn không hoạt động thì sẽ được xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

2. Thời gian công tác của công nhân, viên chức có tham gia kháng chiến chống Pháp

a. Những cán bộ đã hoạt động cách mạng lâu năm và những công nhân, viên chức đã tham gia kháng chiến chống Pháp, được tặng thưởng Huân chương hay Huy chương kháng chiến, Huân chương, hay Huy chương chiến thắng trong dịp khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ, nếu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có thời gian bị gián đoạn công tác vì yêu cầu của tổ chức (giảm nhẹ biên chế, giải ngũ, phục viên...) hoặc vì hoạt cảnh riêng (ốm đau, sinh đẻ, gia đình có khó khăn được nghỉ dài hạn không lương) sau lại trở lại công tác, thì những thời gian đã thực sự cộng tác trước đây (là cán bộ thoát ly hoặc cán bộ chủ chốt ở xã nói ở điểm 15, đoạn a dưới đây), nay đều được cộng lại để tính là thời gian công tác liên tục, trừ thời gian gián đoạn công tác thì không được tính.

Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức đã có thời gian tối thiểu tham gia kháng chiến hay tham gia các lực lượng vũ trang và đủ điều kiện quy định trong bản thể lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến mà chưa được tặng thưởng Huân chương hay Huy chương thì khi xét để cho được áp dụng điểm này phải được sự đồng ý của Bộ, ngành chủ quản (nếu công tác ở Trung ương) hay uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh (nếu công tác ở địa phương).

b. Những người trong thời kỳ kháng chiến chưa phải là cán bộ thoát ly, chỉ là cơ sở kháng chiến, ủng hộ cách mạng giúp đỡ cán bộ, mãi sau này mới tham gia công tác thì mặc dù có được khen thưởng Huân chưởng, Huy chương cũng không thuộc diện nói trên.

c. Những công nhân, viên chức có tham gia kháng chiến một thời gian rồi vì lý do riêng biệt nào đó, được tổ chức cho phép trở về vùng địch tạm chiếm, nếu trong thời gian ở vùng địch tạm chiến vẫn tiếp tục ủng hộ kháng chiến có thành tích giúp đỡ, nuôi dưỡng cán bộ, cất dấu tài liệu, được khen thưởng Huân chương, Huy chương, bằng "gia đình có công với nước"... sau ngày hoà bình lập lại, lại được tuyển dụng là công nhân, viên chức Nhà nước thì được xét từng trường hợp cụ thể để cho cộng thời gian đã tham gia kháng chiến trước khi vào vùng địch tạm chiếm với thời gian được trở lại làm việc để tính thời gian công tác liên tục.

3. Thời gian làm việc dưới chế độ cũ

a. Thời gian công nhân, viên chức làm việc dưới chế độ cũ, trước cách mạng tháng 8-1945 hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà không có hành động chống phá cách mạng hoặc đàn áp nhân dân thì được tính là thời gian công tác nói chung, cụ thể quy định như sau:

[...]