Thông tư 13/2022/TT-BNV hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 13/2022/TT-BNV
Ngày ban hành 31/12/2022
Ngày có hiệu lực 15/02/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2022/TT-BNV

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC

Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương).

Điều 2. Căn cứ xác định cơ cấu ngạch công chức

1. Việc xác định cơ cấu ngạch công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành, địa phương được căn cứ vào:

a) Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung do Bộ Nội vụ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;

b) Mức độ phức tạp của công việc và số lượng biên chế công chức cần bố trí theo từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức chuyên ngành tương ứng với vị trí việc làm.

2. Khi xác định cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thì không tính công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Điều 3. Trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức

1. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư này và căn cứ danh mục vị trí việc làm và số lượng biên chế công chức bố trí theo từng vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức mình để xác định tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch công chức theo từng chuyên ngành tại cơ quan, tổ chức, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phê duyệt cơ cấu ngạch công chức phù hợp với mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động của cơ quan sử dụng công chức.

3. Bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tham mưu, giúp người đứng đầu thực hiện việc xác định số lượng ngạch công chức và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Thông tư này thực hiện việc xác định cơ cấu ngạch công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý, làm căn cứ thực hiện việc chuyển ngạch, nâng ngạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức.

2. Các bộ, ngành, địa phương tổng hợp và báo cáo kết quả xác định cơ cấu ngạch công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý theo Phụ lục số 01, Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về Bộ Nội vụ để quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương kịp thời báo cáo Bộ Nội vụ để có ý kiến thống nhất trước khi tổ chức thực hiện.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Tổng kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Website Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; Website Bộ Nội vụ;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Lưu: VT, CCVC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Thanh Trà

 

[...]