Thông tư 1191-NT/LT năm 1962 hướng dẫn thi hành chế độ trả lương theo sản phẩm cho công nhân sản xuất trong các nông trường quốc doanh các đơn vị trực thuộc Bộ Nông trường do Bộ Nông trường ban hành

Số hiệu 1191-NT/LT
Ngày ban hành 17/05/1962
Ngày có hiệu lực 17/05/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông trường
Người ký Đặng Kim Giang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NÔNG TRƯỜNG
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 1191-NT/LT

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1962

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM CHO CÔNG NHÂN SẢN XUẤT TRONG CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ NÔNG TRƯỜNG

Thi hành Chỉ thị số 1190 ngày 17/05/1962 của Bộ về việc mở rộng thực hiện chế độ trả lương theo sản phẩm trong các nông trường quốc doanh, thông tư này hướng dẫn cụ thể thực hiện chỉ thị nói trên.

Để quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bộ, giám đốc các nông trường cần nắm vững các vấn đề then chốt dưới đây:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA VIỆC MỞ RỘNG CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNGTHEO SẢN PHẨM

Việc chấp hành chế độ tiền lương trong nông trường quốc doanh phải theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nông trường quốc doanh bao gồm nhiều loại sản xuất khác nhau với quy mô, thiết bị điều kiện và tính chất sản xuất khác nhau, theo mùa, theo vụ. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên, vào hoàn cảnh đất đai từng nơi. Công nhân sản xuất có nhiều loại nhiều nghề.

Thực hiện kế hoạch năm 1961, các nông trường quốc doanh đều thu được thành tích to lớn, tuy nhiên khả năng tiềm tàng về sức người, sức của, sức máy trong nông trường còn nhiều, năng suất lao động đang còn thấp, giá thành cao và do đó điều kiện để cải thiện đời sống cán bộ công nhân cũng có phần bị hạn chế. Việc thi hành hình thức lương ngày theo việc định mức có thưởng vừa qua ở số đông nông trường, tuy có một số tác dụng nhất định, nhưng vẫn có nhiều nhược điểm, còn nhiều bất hợp lý, nó chưa khuyến khích công nhân vì lợi ích vật chất mà quan tâm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản xuất. Nó chưa khuyến khích công nhân hăng hái thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sử dụng tốt các thiết bị máy móc. Cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, việc thực hiện lương sản phẩm ở một số nông trường chỉ mới bước đầu phát huy lực lượng tiềm tàng đó, khả năng tăng năng suất lao động ở các nông trường còn nhiều…

Để khắc phục tình trạng nói trên, các nông trường quốc doanh cần khẩn trương tiến hành mở rộng từng bước có lãnh đạo chặt chẽ chế độ trả lương theo sản phẩm. Trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa hình thức phân phối hợp lý nhất là chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng, nó thể hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Nếu thực hiện được tốt, chế độ lương sản phẩm sẽ góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa phát triển rộng rãi và góp phần nâng cao hơn nữa năng suất lao động.

Chế độ trả lương theo sản phẩm có rất nhiều tác dụng:

1. Thực hiện chế độ trả lương theo sản phẩm sẽ góp phần quan trọng làm cho năng suất lao động ở các nông trường không ngừng nâng cao, sản xuất không ngừng phát triển giá thành dần dần hạ thấp, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt, vừa tăng phần tích lũy cho Nhà nước, vừa tăng thu nhập cho công nhân trong nông trường quốc doanh.

2. Chế độ trả lương theo sản phẩm đãi ngộ thỏa đáng cho người công nhân theo kết quả lao động của mình. Người công nhân thấy rõ yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, của công nhân là chính đáng. Nhưng yêu cầu ấy chỉ có thể thỏa mãn trên cơ sở tăng nhanh năng suất lao động, không ngừng nâng cao tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân. Lương sản phẩm sẽ có tác dụng khuyến khích người công nhân phát huy được mọi khả năng sáng tạo của mình, cố gắng trau dồi kỹ thuật, nghiệp vụ, đi sâu cải tiến phương pháp làm việc, phương pháp canh tác, cải tiến công cụ và lợi dụng được đầy đủ nhất công suất máy móc, thiết bị, thời gian làm việc.

3. Chế độ trả lương theo sản phẩm có tác dụng thúc đẩy việc cải tiến tổ chức quản lý, cải tiến tổ chức lao động, sử dụng hợp lý lực lượng lao động. Vì mọi nguyên nhân làm ảnh hưởng, đình trệ sản xuất, như bố trí giây chuyền sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, dụng cụ máy móc đều trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, đến năng suất lao động và thu nhập của công nhân. Do đó mà mỗi cán bộ, công nhân đều cố gắng đóng góp với lãnh đạo làm cho việc tổ chức, quản lý sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn, tinh thần làm chủ tập thể được nâng cao hơn.

4. Chế độ trả lương theo sản phẩm thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu rộng. Mọi người cùng cố gắng thi đua sản xuất nhiều của cải vật chất nhằm thỏa mãn lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của mình. Bản thân chế độ đó đã mang tính chất thi đua vì tất cả mọi công tác đều có định mức tương đối tiên tiến làm mục tiêu phấn đấu cho người công nhân. Kết quả lao động được ghi chép và phân tích đầy đủ là những căn cứ rất chính xác để đánh giá kết quả thi đua.

II. CÁC CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM CÓ THỂ ÁP DỤNG TRONG NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Hình thức trả lương theo từng công việc một hoặc trả theo từng dây chuyền công tác (khoán bộ phận công trình)

Trong các loại cây công nghiệp, hoa màu, lương thực có thể phân chia thành 2 loại. Một loại công việc có thể chia ra từng động tác để định được kết quả cụ thể như: đào hố, phát hoang, trục gốc, gặt lúa, cày bừa, gieo tỉa v.v…; một loại công việc tuy có thể tách ra từng động tác một để định mức nhưng có liên quan nhau từ động tác này sang động tác khác để đảm bảo số lượng và chất lượng trong hệ dây chuyền như: làm phân chuồng, phân lá, trồng mới, vườn ươm v.v… Sau một thời gian nhất định mới kiểm tra được chất lượng công việc.

a. Đối với loại công việc có thể định mức và kiểm tra được số lượng, chất lượng cụ thể, cần tiến hành trả lương theo kết quả của công việc đó.

Nông trường nghiên cứu định mức cụ thể cho từng loại công việc để giao khoán cho tổ sản xuất. Tổ sản xuất ký hợp đồng với đội và nông trường rồi phân công lại cho từng cá nhân thực hiện. Tổ sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt kết quả chất lượng và số lượng của công việc đã giao, theo dõi kiểm tra, nghiệm thu, thống kê và tính toán lương cho cá nhân. Nếu cá nhân, tổ rút ngắn được thời gian hoặc làm tăng thêm số lượng thì được hưởng toàn bộ kết quả công việc đó theo đơn giá quy định. Trường hợp do thiên tai bất ngờ tổ phản ảnh nông trường điều chỉnh lại định mức xét thấy có thiệt hại.

Ví dụ: Tổ anh A nhận đào hố với diện tích 10ha loại cà phê chè. Mỗi cá nhân đảm bảo 50 hố bình quân, kích thước hố 0m80x0,60x0,60, thời gian 10 ngày rưỡi. Toàn tổ anh 15 công nhân. Đơn giá mỗi hố 1,04 (cả phụ cấp khu vực 10%). Tổng số tiền nhận khoán là 335đ20. Do tăng năng suất lao động, toàn tổ hoàn thành công trình giao chỉ trong 9 ngày, mỗi cá nhân bình quân 60 hố. Toàn tổ được hưởng tất cả số tiền lương trên.

Những loại công việc chỉ định được mức chung vẫn giao cho toàn tổ thực hiện. Sau một ngày công tác tổ tiến hành bình công cho từng cá nhân, dựa theo những điều kiện cụ thể sau:

- Tinh thần trách nhiệm và thái độ công tác.

- Khối lượng ước tính nhiều hay ít và sự thực hiện các biện pháp kỹ thuật của chuyên môn.

Cá nhân nào công tác hăng và đảm bảo được kỹ thuật thì bình điểm cao hơn.

b. Đối với loại công việc có thể liên kết lại thành những dây chuyền động tác thì tiến hành giao khoán trong một khoảng thời gian dài hơn, mục đích để kiểm tra được số lượng, chất lượng chính xác như:

- Làm phân chuồng, phân lá: từ cắt lá bỏ chuồng, ra phân, đào, ủ, tưới, chăm sóc với khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng mới hoàn thành được một khối lượng phân tốt. Tuy rằng mỗi công việc cụ thể có thể định được mức nhưng cần liên kết lại để khoán chung. Nông trường nghiên cứu định giá 1 tấn phân là bao nhiêu, thời gian hoàn thành và giao cho tổ thực hiện.

- Loại trồng mới: Từ bứng bầu, bó bầu, vận chuyển và trồng cây con có thể kết hợp lại giao cho tổ thực hiện. Mức định 1 cây con trồng sống là bao nhiêu tiền. Với 1 diện tích là bao nhiêu; thời gian giao việc và thời gian nhận xét kết quả.

Ngoài ra rất nhiều công tác trong nông nghiệp có thể kết hợp lại để giao khoán chung được để vừa đảm bảo đẩy mạnh năng suất, đảm bảo được chất lượng phát huy được tinh thần tập thể tương trợ và quản lý lẫn nhau khi công tác. Các nông trường định mức cụ thể, tổng hợp tính thành giá thành thực tế định đơn giá cụ thể và giao cho đội công tác, tổ công tác thi hành. Thời gian dài hay ngắn do nội dung công việc đó quyết định. Cách trả lương này đòi hỏi một công trình định mức và tính toán tương đối cụ thể hơn.

Các tổ, đội công tác nhận khoán phải giao mức cụ thể và kiểm tra kết quả hàng ngày, cuối đợt tính toán lương cho công nhân. Nếu tổ đảm bảo tốt đúng tỷ lệ quy định thì hưởng 100% mức khoán, vượt lên bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, hụt bao nhiêu trừ bấy nhiêu. Trường hợp bị thiên tai hạn hán xét có ảnh hưởng nặng thì được xét miễn giảm tuỳ theo mức độ hư hại của loại công việc đó.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ