Thông tư 116/1999/TT-BTC hướng dẫn cơ cấu bộ máy Chi cục thuế và Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 116/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 24/09/1999
Ngày có hiệu lực 09/10/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 116/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 116/1999/TT/BTC NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VỀ CƠ CẤU BỘ MÁY CHI CỤC THUẾ VÀ HỘI ĐỒNG TƯ VẤN THUẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý thu thuế của Chi cục Thuế, Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ cấu bộ máy Chi cục Thuế và hướng dẫn bổ sung về Hội đồng tư vấn thuế phường, xã, thị trấn qui định tại Thông tư số 26 TC/TCT ngày 27/3/1995 của Bộ Tài chính như sau:

I/ CƠ CẤU BỘ MÁY CHI CỤC THUẾ:

1/ Đối với Chi cục Thuế thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận, huyện đồng bằng, trung du và các Chi cục Thuế không thuộc điểm 2 dưới đây, cơ cấu bộ máy gồm có:

- Tổ Nghiệp vụ.

- Tổ Kế hoạch, tính thuế, lập bộ thuế và kế toán thu.

- Tổ Thanh tra, kiểm tra.

- Tổ Quản lý ấn chỉ.

- Tổ Nhân sự - Hành chính - Tài vụ.

- Các Đội thuế xã, phường, thị trấn hoặc liên xã.

- Các Đội thuế ở đầu mối giao thông.

Việc quản lý và thu các khoản thu ngân sách phát sinh không thường xuyên ở Chi cục Thuế giao cho Tổ Nghiệp vụ thực hiện.

Riêng Chi cục Thuế các quận thuộc thành phố, Chi cục Thuế thành phố thuộc tỉnh có thể thành lập Đội Quản lý thu lệ phí trước bạ và thu khác; Tại Chi cục Thuế thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể thành lập Đội Quản lý thu thuế chợ.

2/ Đối với các Chi cục Thuế huyện miền núi, tây nguyên, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, có số thu ít, biên chế dưới 30 người, cơ cấu bộ máy Chi cục Thuế gồm có:

- Tổ Kế hoạch, nghiệp vụ, tính thuế, kế toán thu và quản lý ấn chỉ.

- Tổ Thanh tra, kiểm tra.

- Tổ Nhân sự - Hành chính - Tài vụ.

- Các Đội thuế xã, thị trấn hoặc liên xã.

- Đội thuế đầu mối giao thông (ở một số địa bàn, nếu cần thiết).

Các khoản thu khác nếu có phát sinh, sẽ giao cho Tổ Kế hoạch, nghiệp vụ, tính thuế, kế toán thu và quản lý ấn chỉ thực hiện.

3/ Đối với các Chi cục Thuế có biên chế dưới 15 người thì không nhất thiết phải tổ chức đầy đủ các Tổ, Đội như trên, mà tuỳ tình hình cụ thể, Cục trưởng Cục Thuế quyết định việc tổ chức một số Tổ, Đội phù hợp với biên chế hiện có, hoặc có thể bố trí mỗi cán bộ đảm nhiệm từng phần hành công việc tại cơ quan Chi cục Thuế và tổ chức một số Đội thuế liên xã, đảm bảo sự kiểm tra giám sát lẫn nhau trong quá trình quản lý thu thuế.

4/ Đội thuế đầu mối giao thông được khắc con dấu để sử dụng trong khi làm nhiệm vụ theo qui định tại Nghị định số 62/CP ngày 22/9/1993 của Chính phủ qui định việc quản lý và sử dụng con dấu.

5/ Tổ chức Đội thuế xã, phường, thị trấn:

- Đối với các phường, thị trấn, xã thuộc đồng bằng có số thu lớn và địa bàn rộng, tổ chức ở mỗi phường, xã, thị trấn một Đội thuế.

- Đối với các phường, thị trấn và các xã còn lại, tuỳ theo số thu và đặc điểm hành chính, địa lý để tổ chức Đội thuế liên xã hoặc Đội thuế khu vực (từ 2 xã trở lên một Đội thuế). Việc thành lập Đội thuế theo các mô hình trên do Cục trưởng Cục Thuế quyết định.

II/ MỐI QUAN HỆ GIỮA CƠ QUAN THUẾ VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP:

1/ Trong phạm vi quyền hạn theo qui định của pháp luật, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo công tác thuế trên địa bàn; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đội thuế trong việc thực hiện các qui định của Nhà nước về thuế và thu khác; chỉ đạo các cơ quan của địa phương phối hợp hoạt động với cơ quan thuế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý thu thuế.

[...]