Thông tư 1153-KHKT/TT-1974 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý đo lường kèm theo Nghị định 216-CP-1974 do Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ban hành

Số hiệu 1153-KHKT/TT
Ngày ban hành 05/11/1974
Ngày có hiệu lực 20/11/1974
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
Người ký Lê Khắc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 1153-KHKT/TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1974 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 216-CP NGÀY 25-9-1974 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Ngày 25 tháng 9 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 216-CP ban hành Điều lệ quản lý đo lường. Căn cứ vào điều 2 của nghị định, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước ra thông tư này nhằm giải thích thêm một số điểm và hướng dẫn các Bộ, các ngành và các địa phương trong việc thi hành bản Điều lệ đó.

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ

Đo lường là cơ sở quan trọng của quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật nhưng để phát huy đầy đủ tác dụng của đo lường thì cần phải quản lý chặt chẽ các hoạt động đo lường mọi lĩnh vực.

Từ năm 1945 đến gần đây, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp chế mà nội dung có liên quan ít nhiều đến công tác quản lý đo lường. Tuy nhiên các văn bản đó chưa đề cập đến một cách toàn diện nhiều mặt quan trọng của quản lý đo lường như kiểm định, giám sát, tổ chức hệ thống cơ quan quản lý đo lường và trách nhiệm các ngành các cấp…

Nay, khi Đảng và Chính phủ chủ trương tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế và kỹ thuật, thì việc đưa công tác quản lý đo lường vào nề nếp qua việc ban hành một số điều lệ gốc về quản lý đo lường là rất cần thiết. Hơn nữa quản lý đo lường tốt sẽ có tác dụng thúc đẩy đo lường phát triển, đáp ứng kịp thời những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

II. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH ĐIỀU LỆ

Điều lệ này dùng để quản lý tất cả các hoạt động đo lường trong nước. Mọi người từ thủ trưởng đến cán bộ, công nhân viên, trong mọi hoạt động đo lường, ở các ngành, các cấp, đều có trách nhiệm, ở cương vị của mình, thi hành điều lệ.

Đó là: - những người dùng thiết bị dụng cụ đo để đo trong sản xuất, giao nhận, buôn bán…

- những người sản xuất, sửa chữa, nhập, kinh doanh thiết bị, dụng cụ đo.

- những người kiểm tra, kiểm định thiết bị, dụng cụ đo;

- những người quản lý các cơ quan, các tổ chức có những hoạt động trên.

III. NHỮNG NGUYÊN TẮC

Khi nghiên cứu và thi hành điều lệ, cần quán triệt hai nguyên tắc chính:

1. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước: Nhà nước ta quản lý chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế. Để quản lý thống nhất đo lường trong cả nước và thúc đẩy đo lường tiến lên nhịp nhàng và cân đối với các lĩnh vực khác, Nhà nước phải ban hành các pháp chế về đo lường, danh mục các thiết bị và dụng cụ đo phải qua kiểm định Nhà nước và quy trình kiểm định, các cơ quan quản lý đo lường Nhà nước phải thanh tra, giám sát, kiểm định các chuẩn và các thiết bị chuẩn, duyệt thiết kế và mẫu các thiết bị, dụng cụ đo…

2. Đề cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng; thủ trưởng các ngành, các cấp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng đo lường trong phạm vi mình phụ trách. Muốn quản lý tốt, sản xuất tốt, thủ trưởng phải chăm lo đến tình trạng đo lường trong đơn vị mình, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tận dụng và phát huy khả nặng của đơn vị, giảm nhẹ phần giúp đỡ của Nhà nước và của cấp trên.

Cần vận dụng đúng đắn và sáng tạo hai nguyên tắc này, tranh thủ tối đa sự chỉ đạo và giúp đỡ của các cơ quan quản lý đo lường Nhà nước, đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm và tự lực cánh sinh cao nhất của thủ trưởng.

IV. HỆ THỐNG CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG

Hệ thống cơ quan quản lý đo lường gồm có:

- Các cơ quan quản lý đo lường Nhà nước từ trung ương đến các địa phương;

- Các cơ quan quản lý đo lường thuộc các ngành, các cơ sở.

Trực thuộc Cục đo lường Nhà nước trung ương có những cơ sở đặt ở một số địa bàn quan trọng, phụ trách quản lý đo lường trong một số lĩnh vực đặc biệt, thường là phức tạp, hoặc trong một địa bàn rộng lớn, mà phòng đo lường địa phương chưa thể đảm nhiệm được. Tuỳ quy mô mà gọi cơ sở đó là trạm, phòng hay chi cục…

Cơ sở thuộc các ngành thì phân ra hai loại: loại 1, mà thiết bị, dụng cụ phải qua kiểm định Nhà nước, không cần tổ chức một bộ phận quản lý đo lường có chuẩn để kiểm định, nhưng ít nhất có 1, 2 cán bộ để hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra thực hiện điều lệ và đăng ký xin kiểm định.

Loại 2, mà thiết bị, dụng cụ đo do cơ sở tự kiểm định hoặc nhờ một số cơ sở khác hay một cơ quan đo lường Nhà nước kiểm định nhưng không có tính chất kiểm định Nhà nước, cần tổ chức bộ phận quản lý đo lường theo điều lệ này và điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

Sau khi xem xét điều kiện và khả năng vật chất và kỹ thuật của một số xí nghiệp lớn hoặc ngành đặc biệt và sau khi bàn bạc thoả thuận, cục đo lường Nhà nước trung ương công nhận và uỷ quyền kiểm định Nhà nước cho những tổ chức đó mà điều lệ gọi là tổ chức quản lý đo lường đặc biệt (tiết 6 điều 31).

Nói chung các tổ chức quản lý đo lường ở cấp bộ, ngành không phụ trách kiểm định và  không có chuẩn để kiểm định. Trường hợp đặc biệt nếu cần trang bị chuẩn và phụ trách kiểm định thì phải xem xét tính toán kỹ lợi hại các mặt và phải được sự thoả thuận của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

V. KIỂM ĐỊNH THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐO

[...]