Thông tư 113-TC/KTKT năm 1958 quy định tạm thời việc trích tiền để thưởng sáng kiến phát minh do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 113-TC/KTKT
Ngày ban hành 13/11/1958
Ngày có hiệu lực 28/11/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 113-TC/KTKT

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC TRÍCH TIỀN ĐỂ THƯỞNG SÁNG KIẾN PHÁT MINH

Thông tư số 04-LĐTT ngày 08-03-1958 của Bộ Lao động đã ban hành chế độ thưởng sáng kiến phát minh, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nhưng đến nay chưa có văn kiện nào quy định cụ thể là các ngành, các địa phương được trích tiền ở đâu để làm tiền thưởng.

Vì thế cho nên việc khen thưởng giải quyết không được kịp thời, do đó mà chưa phát huy được tác dụng khuyến khích sản xuất của chế độ thưởng.

Tiền thưởng sáng kiến phát minh không phải lấy ở qũy tiền thưởng xí nghiệp để trả. Khi tính tiền thưởng sáng kiến, phát minh cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế (nhiều hay ít) thu được do áp dụng những sáng kiến phát minh ấy. Cho nên nguồn tiền để trích làm tiền thưởng này lấy ở kết quả tiết kiệm được sau khi đã áp dụng những sáng kiến phát minh đó.

Căn cứ theo tinh thần trên, sau khi được Thủ tướng phủ đồng ý, tại công văn số 5083/TN ngày 03-11-1958, Bộ Tài chính tạm thời quy định:

1. – Đối với các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh, bao thầu, nói chung tiền thưởng sáng kiến phát minh đều lấy ở vốn lưu động ra để chi và sẽ phân bổ dần vào giá thành của sản phẩm hoặc giá thành công trình.

2. - Riêng đối với các đơn vị kiến thiết cơ bản tự làm, để đơn giản thủ tục hạch toán, tiền thưởng này có thể trích ở vốn kiến thiết cơ bản để trả, không hạch toán vào giá thành mà sẽ ghi vào khoản trích trước và được duyệt bổ khác.

3. – Nói “phân bổ vào giá thành của sản phẩm ” tại điểm 1 ở trên là nói giá thành công xưởng của sản phẩm, nhưng cần phân biệt như sau:

a) Nếu kết quả của sáng kiến phát minh, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất chỉ có tác dụng trong phạm vi một phân xưởng thì hạch toán khoản chi về tiền thưởng vào kinh phí phân xưởng.

b) Nếu kết quả đó có tác dụng rộng hơn, tức là trong phạm vi toàn xí nghiệp, thì hạch toán khoản chi đó vào quản lý phí xí nghiệp.

Quy định cách hạch toán như trên là vì bản chất tiền thưởng sáng kiến phát minh không phải là một hình thức tiền lương. Cách hạch toán này có khác với cách hạch toán các loại tiền thưởng mà bản chất là một hình thức tiền lương như tiền thưởng tăng năng suất, tiền thưởng tiết kiệm, tiền thưởng an toàn lao động; các loại tiền thưởng này đều hạch toán vào tiền lương của công nhân sản xuất.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh văn Bính