Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 105-TT/PC 1987 hướng dẫn công tác thanh tra chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, công tác giám sát xét xử và xét xử kháng cáo do Trọng tài Kinh tế Nhà nước ban hành

Số hiệu 105-TT/PC
Ngày ban hành 31/12/1987
Ngày có hiệu lực 31/12/1987
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Tô Duy
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Thủ tục Tố tụng

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 105-TT/PC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1987

 

THÔNG TƯ

CỦA CHỦ TỊCH TRỌNG TÀI KINH TẾ SỐ 105-TT/PC NGÀY 31-12-1987 HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THANH TRA CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ, CÔNG TÁC GIÁM SÁT XÉT XỬ VÀ XÉT XỬ KHÁNG CÁO

Bản quy định về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh ban hành kèm theo Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 đã quy định ở điều 44: "...Trọng tài kinh tế Nhà nước xây dựng và ban hành các quy chế về thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và hợp đồng kinh tế, xét xử và giám sát xét xử về hợp đồng kinh tế nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật..."

Để thi hành các quy định trên đây của Hội đồng Bộ trưởng, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư hướng dẫn công tác thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, công tác giám sát xét xử và kháng cáo như sau:

I- CÔNG TÁC THANH TRA CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

1. Nhiệm vụ thanh tra hợp đồng kinh tế.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ Nhà nước quy định, Trọng tài kinh tế tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế một cách có kế hoạch, hướng trọng tâm vào những cơ sở sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, của ngành hoặc của địa phương để hướng dẫn việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo đúng các quy định của pháp luật, tích cực phòng ngừa vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan; khi có dấu hiệu vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và đề ra biện pháp xử lý cần thiết, tăng cường kỷ luật Nhà nước, bảo đảm chế độ hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan được chấp hành nghiêm chỉnh.

2. Thẩm quyền thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành.

a) Trọng tài kinh tế Nhà nước tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở của nền kinh tế quốc dân thuộc các cấp, các ngành không phân biệt đơn vị kinh tế cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của các ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các huyện, quận và cấp tương đương bao gồm các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể.

b) Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi chung là Trọng tài kinh tế tỉnh) tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở nằm trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, bao gồm các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc tỉnh, trực thuộc huyện, các đơn vị kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tư nhân có quan hệ hợp đồng với kinh tế quốc doanh ở trong tỉnh và cả các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc các ngành Trung ương đóng tại địa phương theo thẩm quyền quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trên vùng lãnh thổ.

c) Trọng tài kinh tế huyện, quận và cấp tương đương (gọi chung là Trọng tài kinh tế huyện) tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc quyền quản lý của cấp huyện bao gồm các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc huyện, các đơn vị kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tư nhân có quan hệ hợp đồng kinh tế với kinh tế quốc doanh ở trong huyện.

d) Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc Bộ, Tổng cục quản lý.

Trọng tài viên là người phụ trách cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế. Trong những trường hợp cần thiết, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành trực tiếp hoặc cử nhiều trọng tài viên cùng tiến hành một cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế. Tham gia cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế còn có một số cán bộ pháp lý giúp việc và tuỳ theo tính chất, yêu cầu của cuộc thanh tra có thể mời đại diện của ngành liên quan như kế hoạch, vật giá, thanh tra cùng tham gia.

3. Thủ tục thanh tra hợp đồng kinh tế.

a) Khi tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế cơ sở, Trọng tài kinh tế phải thông báo cho đơn vị kinh tế được thanh tra biết trước ít nhất là 10 ngày trước ngày tiến hành thanh tra, để sắp xếp công việc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế.

Việc thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế tỉnh đối với các đơn vị kinh tế cơ sở của các ngành Trung ương đóng tại địa phương cần nhằm chủ yếu vào những hợp đồng kinh tế có quan hệ với các đơn vị kinh tế cơ sở của địa phương. Khi tiến hành thanh tra, cần thông báo cho Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục chủ quản biết, để có sự phối hợp nếu cần.

b) Khi tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế, người phụ trách cuộc thanh tra phải làm việc trực tiếp với thủ trưởng đơn vị kinh tế được thanh tra; trường hợp thủ trưởng đi vắng, người thay mặt phải là cấp phó hoặc người được thủ trưởng uỷ quyền.

Căn cứ yêu cầu của cuộc thanh tra, người phụ trách cuộc thanh tra yêu cầu thủ trưởng đơn vị kinh tế được thanh tra báo cáo về tình hình chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ở đơn vị nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm vướng mắc, khó khăn trong ký kết và thực hiện hợp đồng cùng những kiến nghị cần giải quyết, cung cấp các bản hợp đồng kinh tế đã ký và các tài liệu, số liệu cần thiết có liên quan phục vụ cho công tác thanh tra hợp đồng kinh tế ở đơn vị. Nếu phát hiện những sai sót trong ký kết và thực hiện hợp đồng thì cần giúp đỡ, hướng dẫn cho đơn vị sửa chữa kịp thời. Nếu có dấu hiệu vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, thì phải tìm rõ nguyên nhân, rút ra kết luận, có các biện pháp xử lý đúng đắn, bảo đảm chế độ hợp đồng kinh tế được chấp hành nghiêm chỉnh.

c) Trong quá trình tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế, nếu phát hiện có vấn đề cần yêu cầu, kiến nghị với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp, trọng tài viên phải báo cáo với Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp mình xem xét và ra văn bản chính thức.

Kết thúc cuộc thanh tra phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.

Trường hợp đơn vị kinh tế được thanh tra không nhất trí với điểm nào ghi trong biên bản thì được ghi ý kiến của mình cùng với các tài liệu chứng minh, giải thích cần thiết kèm theo và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền biết.

Biên bản phải có chữ ký của người phụ trách cuộc thanh tra, của thủ trưởng đơn vị kinh tế được thanh tra hoặc người được thủ trưởng đơn vị uỷ quyền.

d) Sau cuộc thanh tra, người phụ trách cuộc thanh tra phải báo cáo Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp mình về kết quả thanh tra kèm theo biên bản thanh tra để giám sát, và nếu xét thấy cần thiết có văn bản chính thức gửi các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những kiến nghị ghi trong biên bản; tiếp tục theo dõi, yêu cầu đơn vị kinh tế được thanh tra và các đơn vị kinh tế có liên quan báo cáo kết quả khắc phục những sai sót, vi phạm theo những biện pháp và thời hạn do mình đề ra (nếu có). Quá thời hạn quy định, nếu những sai sót, vi phạm không được khắc phục thì coi như cố tình vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế phải đưa ra Trọng tài kinh tế có thẩm quyền xét xử.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT XÉT XỬ VÀ XÉT XỬ KHÁNG CÁO

1. Công tác giám sát xét xử.

a) Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố và của trọng tài viên cấp mình; Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình; Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế huyện, quận và của trọng tài viên cấp mình. Chủ tịch Trọng tài kinh tế huyện, quận giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình.

Chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày ký quyết định xét xử, Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố phải gửi quyết định xét xử kèm theo biên bản xét xử đến Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước; Trọng tài kinh tế huyện, quận phải gửi quyết định xét xử kèm theo biên bản xét xử đến Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố, để tiến hành giám sát.

b) Khi giám sát các quyết định xét xử, Chủ tịch Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành cần xem xét kỹ việc xét xử có đúng thẩm quyền Nhà nước quy định không? Nội dung giải quyết vụ, việc quy lỗi gây ra tranh chấp và vi phạm, mức tiền phạt và tiền bồi thường có phù hợp với các quy định của pháp luật không? Nếu phát hiện nội dung quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình, kể cả quyết định xét xử của Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế (nếu có) có những sai phạm về các vấn đề trên, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế cùng cấp có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định cũ và ra quyết định mới.

[...]