Thông tư 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 103/2021/TT-BTC
Ngày ban hành 18/11/2021
Ngày có hiệu lực 02/01/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Tạ Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG THỨC TRÍCH LẬP, CHI SỬ DỤNG, QUẢN LÝ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi chung là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP).

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Điều 2. Lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu

1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Thông tư này và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản; thực hiện các nghiệp vụ trích lập, chi sử dụng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu; công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội. Trường hợp có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu lớn hơn ba trăm tỷ đồng (300 tỷ đồng), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được mở thêm tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng khác.

3. Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương và hướng dẫn tại Thông tư này; Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đúng mục đích theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư này; không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.

2. Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện một lần đối với một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra đầu tiên tính trên một lít, kg xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian thực hiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa theo quy định.

3. Tại kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, trường hợp tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng bảy nghìn tỷ đồng (≥ 7.000 tỷ đồng), Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Điều 4. Phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu

1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là ba trăm đồng/lít (300 đồng/lít) đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và ba trăm đồng/kg (300 đồng/kg) đối với các loại dầu madút ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.

2. Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại khoản 1 Điều này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu như sau:

a) Điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên năm phần trăm (>5%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Trường hợp cần thiết, điều chỉnh tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố giảm trên năm phần trăm (>5%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm công bố giá cơ sở xăng dầu.

b) Bộ Công Thương căn cứ số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu, diễn biến giá cơ sở xăng dầu và ý kiến của Bộ Tài chính để quyết định mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường; Trường hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương quyết định để áp dụng.

3. Tổng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được xác định bằng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhân (x) với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Điều 5. Phương thức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

1. Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá xăng dầu quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

[...]