Thông tư 10-NH5 năm 1992 thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn trong kinh doanh tiền tệ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 10-NH5
Ngày ban hành 06/07/1992
Ngày có hiệu lực 21/07/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Chu Văn Nguyễn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng,Chứng khoán

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-NH5

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1992

 

THÔNG TƯ

SỐ 10-NH5 NGÀY 6-7-1992 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUI CHẾ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG KINH DOANH TIỀN TỆ

Ngày 09 tháng 6 năm 1992 , Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định số 107/QĐ-NH5 ban hành "Qui chế bảo đảm an toàn trong kinh doanh tiền tệ - tín dụng đối với các tổ chức tín dụng".

Ngân hàng Trung ương hướng dẫn một số điểm cụ thể về thực hiện như sau:

A. ĐỐI TƯỢNG:

Đối tượng thực hiện qui chế này gồm tất cả các Ngân hàng thương mại quốc doanh, cổ phần, Ngân hàng đầu tư và phát triển, đã được cấp giấy phép hoạt động mới hoặc đang trong thời gian điều chỉnh về tổ chức và hoạt động để được cấp giấy phép mới (gồm cả chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam).

B. CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ:

I. VỀ AN TOÀN, TĂNG, GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ VÀ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN CỔ PHẦN:

1. Tổ chức tín dụng phải duy trì vốn điều lệ thực có không nhỏ hơn mức vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước công bố hoặc chấp thuận, thuộc năm tài chính đó. Nếu trong năm tài chính Ngân hàng Nhà nước không công bố mức vốn điều lệ mới thì lấy mức do Ngân hàng Nhà nước công bố lần trước làm cơ sở.

1.1. Mức vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước công bố là mức vốn qui định cho từng loại hình tổ chức tín dụng, theo từng thời kỳ hoặc năm tài chính để thành lập tổ chức tín dụng hoặc bắt buộc tổ chức tín dụng đã được cấp giấy phép hoạt động phải điều chỉnh.

1.2. Mức vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là mức vốn ghi tại giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp, hoặc mức vốn đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho tổ chức tín dụng tăng hoặc giảm. Mức vốn này tối thiểu bằng mức vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước đã công bố.

1.3. Vốn điều lệ thực có là giá trị thực có của vốn điều lệ được chấp thuận, còn lại, sau khi đã trừ khoản lỗ mà không có nguồn bù đắp.

2. Về việc tăng, giảm vốn điều lệ khi cần mở rộng hoặc thu hẹp qui mô, địa bàn hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh hoặc sáp nhập, tách ra:

2.1. Tăng vốn điều lệ bằng cách:

- Chuyển từ quỹ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ.

- Phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc tăng mệnh giá cổ phiếu đã phát hành.

2.2. Giảm vốn điều lệ bằng cách:

- Định giá lại mệnh giá cổ phiếu.

- Lấy vốn điều lệ để bù đắp lỗ kéo dài, khi không còn nguồn vốn nào khác.

3. Về chuyển nhượng cổ phần

Tổ chức tín dụng được phép cho cổ đông của mình chuyển nhượng cổ phần theo qui định của điều lệ. Nếu lần đầu hoặc tổng số các lần chuyển nhượng cổ phần tính đến thời điểm đó, có mức lớn hơn 15% vốn điều lệ thực có, thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

II. VỀ TỶ LỆ TỐI THIỂU GIỮA VỐN TỰ CÓ VỚI TỔNG GIÁ TRỊ TÀI SẢN CÓ Ở MỨC 5%

1. Vốn tự có của tổ chức tín dụng phải tính theo số thực có, bao gồm các khoản kể dưới đây, sau khi loại trừ lỗ kinh doanh và số giảm giá tài sản cố định (nếu có).

1.1. Số dư có của các tài khoản:

- Nguồn vốn điều lệ;

- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ;

- Quỹ dự trữ đặc biệt (để bù đắp rủi ro);

- Nguồn vốn tự bổ sung để xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định.

[...]