Thông tư 10-LĐ/TT-1972 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến kèm theo Nghi định 117-CP năm 1972 do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 10-LĐ/TT
Ngày ban hành 17/07/1972
Ngày có hiệu lực 01/08/1972
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Hữu Khiếu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 1972 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆNH VỀ NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG TRONG THỜI CHIẾN BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 117-CP NGÀY 13-6-1972 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngày 13-6-1972, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 117-CP ban hành Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến. Sau khi bàn bạc thống nhất với Tổng Công đoàn Việt Nam và các cơ quan có liên quan, Bộ Lao động ra thông tư giải thích và hướng dẫn thi hành như sau.

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi người công dân trong tuổi lao động và có sức lao động đều phải tham gia lao động có ích cho xã hội, để nuôi sống mình và xây dựng đất nước. Do đó, Hiến pháp nước ta đã quy định “Lao động là nghĩa vụ và vinh dự của người công dân”.

Trong tình hình cả nước có chiến tranh, hơn lúc nào hết mọi người công dân phải nêu cao lòng yêu nước, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng hưởng ứng và nghiêm chỉnh thực hiện mọi yêu cầu động viên lao động thời chiến của Nhà nước, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến, nhằm động viên mọi người công dân đem hết sức mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, bảo đảm phòng và chống địch họa, thiên tai trong mọi tình huống, thực hiện tốt hơn nữa chính sách huy động, sử dụng sức lao động dồi dào của nhân dân ta một cách công bằng, hợp lý, đạt hiệu quả thiết thực, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý lao động trong thời chiến, đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và cán bộ quản lý trong việc thực hiện chính sách huy động, sử dụng và bồi dưỡng sức lao động.

Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Trên cơ sở tiếp tục phát huy lòng yêu nước và truyền thống lao động cần cù, dũng cảm của nhân dân ta, kết hợp với việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong việc thực hiện nghĩa vụ lao động thời chiến đối với mọi người công dân, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, và nhiệm vụ chuyển hướng kinh tế thời chiến, tăng cường chi viện cho tiền tuyến, đẩy mạnh sản xuất, duy trì đời sống. Thông qua để bồi dưỡng ý thức làm chủ tập thể, quan điểm lao động mới, xây dựng con người mới tạo nên khí thế mới, lao động có tổ chức, có kỷ luật, đạt năng suất lao động và hiệu suất công tác cao.

II. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH

Điều lệnh đã quy định nghĩa vụ lao động của mỗi công dân; trách nhiệm của mọi cơ quan Nhà nước và cán bộ quản lý; chỉ rõ những điều cần nghiêm cấm, đồng thời quy định chế độ thưởng, phạt, đảm bảo cho việc chấp hành được chặt chẽ và nghiêm chỉnh.

Dưới đây là những nội dung chính cần nhận thức thống nhất để vận dụng đúng đắn.

A. NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG TRONG THỜI CHIẾN CỦA CÔNG DÂN

Tất cả mọi công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nam từ 18 đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi, có sức lao động, đều phải được động viên làm nghĩa vụ lao động trong thời chiến để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Cụ thể là mọi công dân phải đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, làm tròn nghĩa vụ lao động, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải nghiêm chỉnh tuân theo lệnh động viên thời chiến của Nhà nước, phải đem hết sức mình thực hiện tốt mọi nhiệm vụ phục vụ chiến đấu sản xuất và công tác.

Như vậy trong tình hình hiện nay, mọi người công dân không phải chỉ làm việc được giao với chế độ lao động, kỷ luật lao động và đi phục vụ cho Nhà nước theo các chế độ huy động lao động hiện hành một cách bình thường mà phải cao hơn nhiều. Mọi người phải làm việc hết sức mình với tinh thần khẩn trương của thời chiến, nỗ lực phấn đấu đạt năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, đi phục vụ bất cứ khi nào và bất cứ công việc nào của Nhà nước giao cho, đặc biệt là những công việc khẩn cấp như phòng và chống địch họa, thiên tai.

1. Nghĩa vụ lao động của công nhân, viên chức.

Công nhân, viên chức là lực lượng quan trọng của nền sản xuất xã hội và là những người trực tiếp làm việc trong hệ thống các cơ quan Nhà nước. Do đó, chẳng những phải nghiêm chỉnh thực hiện 5 điều kỷ luật lao động, hoàn thành tốt chức trách được giao, đạt năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, mà còn phải chấp hành nghiêm túc những điều sau đây:

a) Tuyệt đối phục tùng lệnh điều động công tác của cấp trên, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất và công tác của Nhà nước. Tuyệt đối phục tùng nghĩa và khi được lệnh điều động thì điều trước tiên của công nhân, viên chức là phải nhanh chóng thu xếp để sẵn sàng nhận công tác. Về phía lãnh đạo mỗi khi điều động công nhân, viên chức, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng và bàn bạc với công đoàn cơ sở để việc điều động được hợp lý. Công nhân, viên chức cũng có quyền đề đạt nguyện vọng của mình với thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, nhưng nếu vì lợi ích chung vẫn phải điều động, thì công nhân, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành, đừng vì việc trình bày nguyện vọng mà chậm trễ công việc chung.

Để bảo đảm kỷ luật lao động thời chiến, công nhân, viên chức phải giữ vững vị trí, nhiệm vụ sản xuất, công tác được giao không được tự ý bỏ việc hoặc thôi việc.

Nếu công nhân, viên chức không chấp hành lệnh điều động, tự ý bỏ việc hoặc thôi việc thì cần phải đưa ra hội đồng kỷ luật của cơ quan, xí nghiệp xử lý nghiêm khắc. Trường hợp hành động sai trái có tính chất nghiêm trọng, sẽ bị truy tố trước tòa án.

b) Sẵn sàng làm thêm giờ khi cần thiết là để đảm bảo duy trì sản xuất và công tác trong những lúc khẩn trương. Trước khi động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải có biện pháp tích cực tận dụng ngày công, giờ công theo chế độ Nhà nước đã quy định. Tránh tình trạng một số người không có việc làm lại huy động những người khác làm thêm giờ.

Ngoài chế độ làm thêm giờ đã được quy định tại thông tư số 05 ngày 09-3-1955 của Bộ Lao động, trong những trường hợp cơ quan, xí nghiệp có những việc cấp thiết phòng, chống và giải quyết hậu quả của địch họa và thiên tai, nhằm duy trì hoặc khôi phục tại sản xuất và công tác hoặc phải tranh thủ hoàn thành nhiệm vụ đột xuất trong thời chiến, thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp có quyền động viên công nhân, viên chức làm việc không kể giờ giấc. Tuy vậy thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải có biện pháp tổ chức hợp lý công việc, để rút ngắn, hạ thấp dần thì giờ làm thêm và cố gắng tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, viên chức. Không được lạm dụng, động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ quá mức cần thiết hoặc liên miên. Động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ trong những trường hợp trên không được quá 5 ngày liền mỗi đợt, nếu công việc chưa hoàn thành cần động viên công nhân, viên chức làm thêm, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương (thông qua cơ quan lao động), đồng thời báo cáo ngay lên Bộ, ngành chủ quản biết để nếu cần thì điều động công nhân, viên chức ở nơi khác tới hỗ trợ.

Mỗi khi cần động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải bàn bạc với công đoàn cơ sở về mức độ, thời gian, đối tượng động viên và cùng công đoàn làm tốt công tác tư tưởng động viên công nhân, viên chức chấp hành.

Sau mỗi đợt làm thêm giờ, cơ quan, xí nghiệp cần sắp xếp công việc hợp lý, giảm bớt hội họp, tạo điều kiện cho công nhân viên chức nghỉ ngơi, để khôi phục lại sức khỏe.

Công nhân, viên chức làm thêm giờ, làm đêm được hưởng chế độ phụ cấp hoặc chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định tại Chỉ thị số 75-TTg ngày 30-6-1965 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 08-LĐ-TT ngày 23-7-1965 hướng dẫn thi hành của Bộ Lao động.

c) Công nhân, viên chức đã về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động, nếu còn có khả năng phục vụ, thì khi cần thiết có thể được Nhà nước gọi trở lại làm việc.

Công nhân viên chức đã về hưu được gọi trở lại làm việc phải là những người có trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật giỏi, còn tương đối đủ sức khỏe. Đây là động viên anh chị em tiếp tục phục vụ cho Tổ quốc trong lúc có chiến tranh, chứ không phải trở lại biên chế Nhà nước. Trong thời gian làm việc vẫn hưởng nguyên các chế độ hưu trí và tùy theo khả năng cống hiến mà đơn vị sử dụng trả thêm khoản tiền bồi dưỡng, cộng chung lại không quá mức lương và các khoản phụ cấp (nếu có) trước khi về hưu. Nếu có những thành tích xuất sắc, làm việc vượt mức năng suất được hưởng chế độ khen thưởng hiện hành. Thời gian trở lại làm việc được tính vào thời gian công tác liên tục để hưởng thêm chế độ hưu trí.

Công nhân, viên chức, nghỉ việc vì mất sức lao động được gọi trở lại làm việc (kể cả những người nghỉ vì mất sức hưởng chế độ hưu trí) trước hết cũng phải là những người có trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật khá, không nhất thiết đã nghỉ đủ 2 năm và chỉ đặt ra đối với những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế. Trước khi gọi trở lại làm việc phải khám lại sức khỏe và phải được chứng nhận có đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục làm việc. Khi trở lại làm việc sẽ thôi không hưởng các chế độ phụ cấp mất sức lao động hoặc chế độ hưu trí, mà được xếp lương theo công việc được giao và được hưởng các quyền lợi khác như công nhân, viên chức cùng làm ngành, nghề.

[...]