Thông tư 10/2006/TT-BTNMT hướng dẫn xây dựng dự án Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 10/2006/TT-BTNMT
Ngày ban hành 12/12/2006
Ngày có hiệu lực 14/01/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Công Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

*******

Số: 10/2006/TT-BTNMT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ ÁN CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH TRONG KHUÔN KHỔ NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc chuẩn bị, xây dựng, xác nhận và phê duyệt dự án Cơ chế phát triển sạch như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khái quát về Cơ chế phát triển sạch và dự án Cơ chế phát triển sạch

Cơ chế phát triển sạch (CDM) là cơ chế hợp tác quy định tại Điều 12 của Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Cơ chế phát triển sạch cho phép các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư vào các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển, gọi là dự án Cơ chế phát triển sạch (dự án CDM) để nhận được tín dụng dưới dạng các "Giảm phát thải được chứng nhận". Khoản tín dụng này được dùng để tính vào chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các nước công nghiệp phát triển, giúp họ tuân thủ những cam kết về giảm phát thải định lượng nêu trong Nghị định thư Kyoto.

Thực hiện dự án CDM, nước đang phát triển sẽ nhận được nguồn đầu tư mới từ nước ngoài và tiếp nhận các công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống khí hậu.

Dự án CDM thuộc loại dự án đầu tư, chủ yếu là đầu tư từ nước ngoài, vì vậy các dự án CDM tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có Luật Đầu tư được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

2. Đối tượng được quyền xây dựng và thực hiện dự án CDM

2.1. Mọi tổ chức nhà nước và tổ chức tư nhân của Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đều có quyền xây dựng và thực hiện dự án CDM.

2.2. Các tổ chức, doanh nghiệp Chính phủ hoặc tư nhân của các nước đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, được Chính phủ nước đó cho phép và các tổ chức quốc tế khác, đều có quyền tham gia các hoạt động dự án CDM tại Việt Nam.

3. Những lĩnh vực có thể xây dựng dự án CDM

3.1. Theo quy định chung của quốc tế, dự án CDM được xây dựng trong 15 lĩnh vực sau đây:

a) Sản xuất năng lượng;

b) Chuyển tải năng lượng;

c) Tiêu thụ năng lượng;

d) Nông nghiệp;

đ) Xử lý, loại bỏ rác thải;

e) Trồng rừng và tái trồng rừng;

g) Công nghiệp hóa chất;

h) Công nghiệp chế tạo;

i) Xây dựng;

k) Giao thông;

l) Khai mỏ hoặc khai khoáng;

m) Sản xuất kim loại;

n) Phát thải từ nhiên liệu (nhiên liệu rắn, dầu và khí);

o) Phát thải từ sản xuất và tiêu thụ Halocarbons và Sulphur hexafluoride;

[...]