Thông tư 1-TS/TT-1987 hướng dẫn việc mua, bán hàng thuỷ sản tiêu dùng trong nước và công tác tổ chức hậu cần dịch vụ nghề cá do Bộ Thuỷ sản ban hành

Số hiệu 1-TS/TT
Ngày ban hành 27/02/1987
Ngày có hiệu lực 14/03/1987
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Tấn Trịnh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-TS/TT

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1987

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 1-TS/TT NGÀY 27-2-1987 HƯỚNG DẪN VIỆC MUA, BÁN HÀNG THUỶ SẢN TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC VÀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC HẬU CẦN DỊCH VỤ NGHỀ CÁ

Thực hiện bản quy định tạm thời về việc bảo đảm quyền tự chủ sản xuất,

kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng. Căn cứ vào tinh thần Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới tư duy kinh tế, để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc thu mua giao nộp thuỷ sản chuyển hẳn sang việc mua và bán hàng thuỷ sản theo cơ chế hạch toán kinh tế kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Bộ hướng dẫn việc mua, bán hàng thuỷ sản tiêu dùng trong nước và công tác tổ chức hậu cần dịch vụ nghề cá như sau:

I. KẾ HOẠCH MUA, BÁN THUỶ SẢN VÀ VẬT TƯ

1. Kế hoạch mua, bán thuỷ sản và vật tư hàng hoá phải thực sự được xây dựng từ cơ sở theo hướng dẫn của cấp trên để bảo đảm tính hiện thực, tính tích cực vững chắc; bảo đảm sự thống nhất giữa kế hoạch của Nhà nước với kế hoạch của Bộ và của địa phương.

2. Kế hoạch mua, bán hàng thuỷ sản giữa các tổ chức kinh doanh thuỷ sản của Nhà nước, giữa Nhà nước với người sản xuất phải được bảo đảm bằng quỹ vật tư, hàng hoá tiền mặt một cách chủ động và thống nhất phản ánh thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều.

3. Có kế hoạch đầu tư thích đáng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị kinh doanh thuỷ sản để làm tốt việc sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển trong quá trình lưu thông hàng hoá.

4. Nhà nước cũng như địa phương giao toàn bộ quỹ vật tư, hàng hoá phát tiển nghề cá cho ngành Thuỷ sản trực tiếp quản lý, phân phối, sử dụng,

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cũng như kế hoạch của Bộ chỉ phân phối trên kế hoạch còn giao cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp quản lý, phân phối, sử dụng vào sản xuất và mua, bán.

5. Các tổ chức kinh doanh mua bán thuỷ sản thực sự chủ động quản lý, phân phối vật tư, hàng hoá, tiền vốn... và đòi hỏi cơ quan quản lý điều hành kế hoạch phải chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đã giao.

6. Kế hoạch điều hàng thuỷ sản về tỉnh và Trung ương gắn liền với kế hoạch vật tư, hàng hoá. Công ty thuỷ sản Trung ương và Công ty thuỷ sản các tỉnh được quyền quản lý những loại vật tư, hàng hoá thiết yếu để ký hợp đồng kinh tế điều hàng thuỷ sản từ dưới lên.

7. Định mức vật tư hàng hoá mua thuỷ sản của người sản xuất do Sở Thuỷ sản quy định dựa trên nguyên tắc định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất phải bảo đảm định mức về số lượng và chủng loại vật tư hàng hoá chủ yếu để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm theo từng loại nghề. Trong trường hợp người sản xuất không có nhu cầu vật tư theo định mức, có thể tính chuyển đổi tương ứng với vật tư, hàng hoá khác nếu Nhà nước có và phải thể hiện trong hợp đồng kinh tế.

8. Trước mắt vật tư, hàng hoá còn ít, vì vậy căn cứ vào định mức và khả năng vật tư, hàng hoá có bao nhiêu thì điều hàng về Trung ương và mua của người sản xuất bấy nhiêu sản phẩm theo giá chỉ đạo, số thuỷ sản còn lại trong kế hoạch được cân đối bằng quỹ tiền mặt để mua bằng giá thoả thuận.

Định mức đối lưu vật tư, hàng hoá điều về Trung ương do Bộ quy định.

II. GIÁ MUA, BÁN THUỶ SẢN VÀ VẬT TƯ

Để thúc đẩy sản xuất phát triển và kinh doanh nắm được nguồn hàng thuỷ sản, việc mua bán thuỷ sản phải theo cơ chế giá linh hoạt, phải tính đến mức độ trượt giá, và được điều chỉnh kịp thời theo mùa vụ.

Về lâu dài thực hiện chính sách một giá đối với một mặt hàng trên cùng một địa bàn, trong một thời điểm thì mua, bán theo một giá, giá này là giá kinh doanh thương nghiệp, gần sát thị trường. Nhà nước không bù lỗ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, trước mắt thực hiện chính sách hai giá là giá mua thuỷ sản có đối lưu vật tư, hàng hoá trong hợp đồng kinh tế và giá thoả thuận không đối lưu vật tư, hàng hoá.

1. Giá trong hợp đồng kinh tế hai chiều:

- Giá mua thuỷ sản phải bù đắp đủ chi phí sản xuất, có lãi thoả đáng để tái sản xuất, phải sát giá với giá trị được người sản xuất, người tiêu dùng chấp nhận. Giá này do Nhà nước quy định.

- Giá bán các loại vật tư nhập khẩu dù ở nguồn Nhà nước cấp hoặc do ngành tự nhập đều bán thống nhất một giá, giá trị được xác định trên cơ sở giá nhập (FOB) nhân với tỉ giá hàng xuất khẩu thuỷ sản, không ăn lãi mà cũng không bù lỗ. Các loại vật tư trong nước sản xuất thì bán theo giá Nhà nước quy định.

2. Giá thoả thuận:

Về nguyên tắc, mua được phải bán được, không lỗ, không đội giá thị trường tự do.

Những sản phẩm mua theo giá thoả thuận tiêu thụ tại địa phương và tiêu thụ ngoài tỉnh hoặc điều về Trung ương thì do bên mua và bên bán thống nhất về giá cụ thể.

3. Giá bán buôn (giá giao) và giá bán lẻ:

- ở những nơi có điều kiện thì cố gắng thực hiện một giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp do cấp có thẩm quyền quy định (giá này phải bù đắp đủ chi phí sản xuất, chi phí lưu thông và có lãi định mức). Giá giao cho các hộ tiêu thụ là giá bán lẻ trên trừ lùi chiết khấu thương nghiệp.

- ở những nơi có tình hình cung cầu còn căng thẳng giá cả còn biến động mạnh thì tạm thời áp dụng hai giá:

Các mặt hàng trong hợp đồng kinh tế hai chiều thì giao theo giá bảo đảm kinh doanh.

[...]