Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết số 187-HĐBT về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 187-HĐBT
Ngày ban hành 22/11/1982
Ngày có hiệu lực 07/12/1982
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187-HĐBT

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 187-HĐBT NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1982 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU

I

Từ năm 1987, sau khi ban hành bản quy định tạm thời của Hội đồng Chính phủ về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều (số 65-CP ngày 23 tháng 3 năm 1978), nhiều địa phương đã tích cực thực hiện và đã thu được kết quả rõ rệt. Các địa phương khác mới triển khai ở một số khu vực lương thực, cây công nghiệp, muối, cá, v.v...

Từ giữa năm 1980 lại đây, việc thực hiện hợp đồng hai chiều có phần lơi lỏng. Tình hình này do nhiều nguyên nhân:

1. Lực lượng vật tư, hàng hoá của Nhà nước giảm sút, việc phân phối lại không bảo đảm cung ứng đến tay người sản xuất theo đúng hợp đồng đã ký, còn để lọt không ít vào tay bọn đầu cơ, lợi dụng. Vì vậy, trong cán bộ và quần chúng nảy sinh thái độ chần chừ, không muốn ký hợp đồng hai chiều.

2. Kế hoạch Nhà nước thường là chưa được xây dựng từ cơ sở lên, nhiều chỉ tiêu kế hoạch về cung ứng vật tư và thu mua giao cho địa phương và cơ sở không đồng bộ, không hiện thực. Chính sách thu mua, giá cả cũng còn một số điểm chưa thật phù hợp.

3. Một số ngành và địa phương chưa nhận thức đúng ý nghĩa của chế độ hợp đồng hai chiều, chưa quyết tâm thực hiện. Một số địa phương thiên về cách chỉ đạo mua bán theo cơ thế thị trường (mua cao bán cao), cho hợp đồng hai chiều là gò bó, không thích hợp. Một số địa phương khác thì ỷ lại vào chế độ nghĩa vụ về lương thực, thực phẩm.

4. Tổ chức bảo đảm thực hiện từ trên xuống dưới chưa chuyển biến kịp với yêu cầu của hợp đồng hai chiều. Sự hiệp đồng giữa các ngành thu mua với các ngành cung ứng vật tư hàng hoá còn nhiều vướng mắc. Việc tranh mua, tranh bán giữa các tổ chức kinh tế, các ngành, các địa phương, đã làm rối loạn và thu hẹp thị trường có tổ chức. Bộ máy của huyện chưa được tăng cường để đủ sức chỉ đạo, tổ chức sự hiệp đồng giữa các tổ chức cung ứng và các tổ chức thu mua trên địa bàn huyện.

5. Công tác quản lý thị trường bị buông lỏng, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và đối với công thương nghiệp ở miền Nam tiến hành chậm đã ảnh hưởng không ít đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng hai chiều.

Các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp cần liên hệ kiểm điểm trong ngành và địa phương mình, có biện pháp khắc phục khuyết điểm, nhược điểm, đẩy mạnh việc thực hiện chế độ hợp đồng hai chiều.

Đặc biệt, cần làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ và quần chúng, làm cho mọi người thông suốt về quan điểm để có quyết tâm thực hiện.

Cần làm cho mọi người nhận rõ trong tình hình kinh tế nước ta hiện nay, hợp đồng hai chiều:

1. Là hình thức vận dụng có hiệu quả các đòn bẩy kinh tế nhằm làm cho Nhà nước nắm được sản phẩm hàng hoá của kinh tế tập thể và cá thể, đồng thời phục vụ tốt sản xuất.

2. Là phương thức thu mua có lợi nhất đối với người sản xuất cũng như đối với Nhà nước.

3. Là biện pháp có hiệu lực nhằm ổn định thị trường và giá cả.

4. Và là phương thức kế hoạch hoá thích hợp nhất đối với các thành phần kinh tế tập thể và cá thể.

Kinh nghiệm nhiều năm cung ứng vật tư theo lối bao cấp cho mỗi đơn vị diện tích gieo trồng (và cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu cũng theo lối bao cấp - theo đầu dân cư) chẳng những không làm cho Nhà nước nắm chắc được nguồn hàng mà cũng không thúc đẩy người sản xuất cân nhắc hiệu quả đầu tư, quan tâm đến thâm canh và áp dụng kỹ thuật mới. Mấy năm qua, áp dụng phương thức thu mua gắn với cung ứng vật tư hàng hoá đã làm chuyển biến tình hình một cách rõ rệt.

Vật tư hàng hoá của Nhà nước có hạn thì càng cần phải phân phối một cách có trọng điểm, gắn chặt cung ứng với thu mua.

Trước đây, khi chưa gắn mua với bán xem như một thể chế thì một bộ phận khá lớn vật tư hàng hoá của Nhà nước lọt vào tay những phần tử đầu cơ, lợi dụng. Ngay trong số nông dân mua được vật tư hàng hoá của Nhà nước cũng có tình trạng không công bằng, người mua được nhiều không nhất định là người đã bán nhiều cho Nhà nước và ngược lại. Do chỗ nguyên tắc phân phối theo lao động bị vi phạm, cho nên đã không kích thích được nông dân bán sản phẩm cho Nhà nước ngày càng nhiều. Những người vì ý thức nghĩa vụ mà bán nhiều cho Nhà nước thì không phấn khởi sản xuất vì không được Nhà nước đầu tư trở lại một cách thích đáng.

Nhà nước mua tuyệt đại bộ phận sản phẩm hàng hoá của nông, lâm, ngư nghiệp theo giá chỉ đạo và bán vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu cho người sản xuất cũng theo giá chỉ đạo là nhân tố quyết định để ổn định thị trường và giá cả, và là một bảo đảm vững chắc cho lợi ích của người sản xuất tập thể và cá thể cũng như lợi ích của Nhà nước, tránh cho cả hai bên những thiệt hại do sự biến động của giá cả thị trường gây ra. Kinh nghiệm của nước ta cũng như của nhiều nước Xã hội chủ nghĩa đều chứng minh rằng đi theo con đường của thị trường tự do thì nông dân sẽ ngày càng phân hoá, thế lực tự phát Tư bản chủ nghĩa sẽ ngày càng lấn tới. Gắn việc cung ứng vật tư hàng hoá với việc thu mua sản phẩm là một biện pháp có hiệu lực nhằm thu hút nông dân đi vào thị trường có tổ chức, thắt chặt liên minh công nông, thúc đẩy việc xây dựng quan hệ sản xuất mới Xã hội chủ nghĩa.

Hợp đồng hai chiều một khi được thực hiện thành nề nếp thường xuyên, bao quát mọi quan hệ trao đổi chủ yếu giữa Nhà nước và nông dân, giữa công nghiệp và nông nghiệp, thì điều đó cũng có nghĩa là kế hoạch hoá từ cơ sở (cả sản xuất lẫn lưu thông) được thực hiện.

Một mặt, chúng ta phải thông qua hợp đồng hai chiều để bảo đảm cả lợi ích của nông dân, cả lợi ích của Nhà nước, mặt khác, phải không ngừng chăm lo bồi dưỡng cho nông dân ý chí cách mạng, tinh thần làm chủ tập thể, mà biểu hiện quan trọng là ý thức nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá Xã hội chủ nghĩa, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Đối với khuynh hướng tự phát Tư bản chủ nghĩa trong một bộ phân nông dân, phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, bằng giáo dục thuyết phục, và nếu cần thì bằng những biện pháp hành chính thích hợp. Các biện pháp này phải được tiến hành kết hợp với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó, biện pháp kinh tế (hợp đồng hai chiều) là biện pháp cơ bản.

Với những ý nghĩa như trên, cần triển khai phương thức thu mua theo hợp đồng hai chiều trên địa bàn cả nước, đối với tất cả các sản phẩm chủ yếu của kinh tế tập thể và cá thể, nhanh chóng làm cho phương thức thu mua này trở thành phương thức chủ yếu để thu mua đồng thời phục vụ sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển. Dù cho công việc này đòi hỏi phải khắc phục khá nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là về mặt tổ chức thực hiện, cũng phải quyết tâm làm, không vì những khó khăn đó mà trở lại những cách làm dễ dãi như buông trôi theo cơ chế thị trường hoặc giao chỉ tiêu nghĩa vụ theo lối hành chính, mệnh lệnh.

II

Dưới đây là những chủ trương, biện pháp cụ thể.

A. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG, THỂ THỨC KÝ VÀ THANH TOÁN HỢP ĐỒNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM HỢP ĐỒNG

1. Những loại hàng đưa vào hợp đồng hai chiều.

[...]