Thông tư 09-NHNN/TT năm 1991 thực hiện Quy chế cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 09-NHNN/TT
Ngày ban hành 17/01/1991
Ngày có hiệu lực 31/01/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Chu Văn Nguyễn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-NHNN/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1991

 

THÔNG TƯ

SỐ 9- NHNN/TT NGÀY 17-1-1991 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM

Ngày 07-01-1991 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định số 05/NH-QĐ ban hành "Quy chế cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức tín dụng Việt Nam", Ngân hàng nhà nước Trung ương hướng dẫn một số điểm như sau :

I. THỦ TỤC VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÉT CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

1. Ngân hàng Nhà nước chỉ tiếp nhận đơn xin cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng Việt Nam, dưới đây gọi chung là tổ chức tín dụng, khi đã có đủ những văn bản kèm theo sau đây ;

a. Phương án hoạt động của tổ chức tín dụng, xác định rõ các nội dung chủ yếu : luận cứ về sự cần thiết thành lập tổ chức và triển vọng phát triển hoạt động kinh doanh ; mục tiêu và địa bàn hoạt động ; nội dung kinh doanh ; mức vốn điều lệ và vốn tự có tăng trưởng hàng năm ; đồng thời, tổ chức tín dụng phải xác định được phương án cụ thể và lập được "Bảng kế hoạch cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn" 3 năm đầu, chia ra từng năm (theo mẫu đính kèm).

b. Điều lệ của tổ chức tín dụng được xây dựng thành các điều khoản cụ thể, không trái với mẫu điều lệ do Ngân hàng Nhà nước ban hành, đã được đại hội cổ đông hoặc đại hội xã viên thông qua.

c. Biên bản đại hội cổ đông (hoặc đại hội xã viên) bầu Hội đồng quản trị và quyết định của Hội đồng quản trị bổ nhiệm người điều hành, kèm theo các lý lịch tóm tắt của những người trong danh sách.

Người điều hành tổ chức tín dụng (trừ hợp tác xã tín dụng ở nông thôn) phải có văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương về ngân hàng, tài chính hoặc kinh tế.

d. Lý lịch tóm tắt của Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc điều hành, Chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng, phải có các mục sau đây :

- Họ và tên (đang dùng, theo giấy khai sinh và các bí danh)

- Nam nữ

- Ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh

- Quốc tịch

- Quê quán

- Số giấy chứng minh, ngày và cơ quan cấp

- Địa chỉ thường trú (trong giấy chứng minh)

- Địa chỉ cư trú hiện nay

- Trình độ (các văn bằng cao nhất, số, ngày và cơ quan cấp văn bằng)

- Nghề nghiệp và chức vụ đã qua

- Chức vụ được bầu hoặc bổ nhiệm tại tổ chức tín dụng

- Chức vụ hiện nay tại các tổ chức khác

Cuối bản lý lịch, người khai phải ghi rõ cam kết không phạm một trong 4 khoản tại Điều 16 Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, ký tên và có xác nhận của chính quyền cấp phương, xã nơi đang cư trú hoặc của cơ quan đang quản lý mình.

e. Bản kê khai vốn điềulệ đã góp vào tài sản hiện có của tổ chức tín dụng.

f. Giấy chứng nhận đã mở tài khoản phong toả và số vốn góp cổ phần đã gửi vào tài khoản đó đến thời điểm gần nhất, của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính hoặc của ngân hàng được Ngân hàng nhà nước uỷ quyền.

g. Đối với tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh phải có giấy chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt chi nhánh.

- Tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn một tỉnh, một thành phố, một đặc khu (hoặc liên tỉnh, liên thành phố) phải có giấy chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố, đặc khu nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính. Nếu muốn đặt chi nhánh ở các tỉnh, thành phố, đặc khu khác, phải có giấy chấp thuận của UBND tỉnh thành phố nơi đặt chi nhánh.

- Tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn một phường, một xã phải có giấy chấp thuận của UBND phường, xã nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở.

[...]