Thông tư 08-BYT-TT năm 1963 hướng dẫn Quyết định 315-BYT-QĐ về chế độ quản lý sử dụng thuốc độc dùng trong công tác phòng chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 08-BYT-TT
Ngày ban hành 04/04/1963
Ngày có hiệu lực 19/04/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Đức Thắng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
*******

Số: 08-BYT-TT

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 1963

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 315-BYT-QĐ NGÀY 04 THÁNG 4 NĂM 1963

Kính gửi:

 Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
- Sở, Ty Y tế
- Viện, Bệnh viện, điều dưỡng Trung ương và địa phương
- Trường Đại học Y Dược và Bổ túc cán bộ y tế.
- Xí nghiệp Dược phẩm trung ương và địa phương
- Xí nghiệp Y cụ và chân tay giả
- Xí nghiệp Hóa dược thủy tinh
- Quốc doanh Dược phẩm và dược liệu cấp I và địa phương

 

Trước đây Bộ đã có một số văn bản quy định chế độ bảo quản, sử dụng, cấp phát, bào chế, chế biến, buôn bán thuốc độc đông dược và tân dược. Tháng 8/1960, Bộ đã ban hành quy chế thuốc độc lần thứ nhất, hệ thống hóa các văn bản quy định đã có từ trước đồng thời nâng cao một bước các chế độ quản lý sử dụng thuốc độc dùng trong công tác phòng chữa bệnh.

Hơn hai năm qua, các địa phương, các đơn vị đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, chấp hành các điều quy định trong quy chế, nâng cao lên được một bước ý thức coi trọng tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Song cũng còn một số đơn vị chưa nhận thức được rõ ràng trách nhiệm của cán bộ y tế trước tính mạng và sức khoẻ của nhân dân, do đó còn rất xem nhẹ công tác quản lý thuốc độc, chưa nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, chưa tạo cơ sở vật chất cho công tác bảo quản như tủ khóa, nhãn, trách nhiệm quản lý không rõ ràng, ở đâu cũng có thuốc độc và bất cứ ai cũng có thể giữ được thuốc độc. Việc kê đơn và quản lý đơn thuốc còn lỏng lẻo. Những thiếu sót trên đây đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc, hạn chế một phần thành tích của chúng ta.

Mặt khác qua hơn hai năm thực hiện quy chế thuốc độc chúng ra đã rút ra được một số kinh nghiệm bổ sung cho các quy định trước đây còn thiếu sót, hoặc điều chỉnh một số quy định trước đây chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở nâng cao dần dần trách nhiệm của ngành ta trước công tác phục vụ sức khỏe nhân dân. Do đó, Bộ ban hành quy chế thuốc độc, sửa đổi này nhằm mục đích:

1. Ban hành một quy chế đầy đủ hơn và thích hợp với hoàn cảnh thực tế, tạo điều kiện cho việc quản lý thuốc độc được nghiêm chỉnh.

2. Xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cán bộ Y, Dược trong việc quản lý thuốc độc, nâng cao ý thức thận trọng, tác phong chính xác chống lối làm việc đại khái, lề lối làm việc gia đình chủ nghĩa trong cán bộ y tế để nâng cao tinh thần trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng của nhân dân.

3. Nâng cao hơn nữa các chế độ công tác, ý thức tổ chức và kỷ luật của cán bộ y tế trong việc chấp hành pháp chế của Nhà nước.

Bộ lưu ý các địa phương các đơn vị một số điểm trọng yếu thuộc về nội dung quy chế.

I. VẤN ĐỀ SẮP XẾP PHÂN LOẠI THUỐC ĐỘC.

Các thuốc men độc dùng trong công tác y tế chia làm hai bảng A và B và gọi là “thuốc độc bảng A” và “thuốc độc bảng B”. Việc sắp xếp này đã áp dụng quen thuộc ở các địa phương, các đơn vị từ trước tới nay, vừa đơn giản vừa phù hợp với cách sắp xếp ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa.

Hai bảng này là cơ sở đầu mối cho tất cả các quy định, chế độ và cũng là cơ sở cho việc thực hiện các chế độ bảo quản, phân phối, pha chế, kê đơn, sử dụng... do đó mỗi một cán bộ y tế tùy phạm vi công tác cần tìm mọi biện pháp để nắm vững được hai bảng đó và liên hệ hai bảng đó với tất cả thuốc men có ở đơn vị, địa phương mình để sử dụng vào công tác hàng ngày. Về y thì vận dụng trong lúc kê đơn, định liều lượng hướng dẫn cách dùng. Về Dược thì vận đụng vào công tác bảo quản, cấp phát, pha chế, đóng gói, hướng dẫn sử dụng, v.v...

II. VẤN ĐỀ NHÃN THUỐC

Nhãn thuốc là vấn đề mấu chốt trong việc định rõ, phân loại thuốc men, trong việc chống nhầm lẫn, do đó lần này Bộ tách chế độ nhãn thuốc thành một chế độ riêng áp dụng chung cho tất cả các khâu pha chế, sản xuất, đóng gói, thống nhất mẫu nhãn từ trung ương đến địa phương. Từng loại nhãn thuốc có một màu sắc riêng giúp phân biệt thuốc nguyên chất, thành phẩm, thuốc dùng ngoài, thuốc tra mắt v.v...

Trước đây việc chấp hành các quy định về nhãn chưa được nghiêm chỉnh còn nhiều thiếu sót, chưa phát huy được tác dụng của nhãn trong việc chống nhầm lẫn phân biệt thuốc men. Các địa phương cần chấp hành nghiêm chỉnh chế độ nhãn thuốc, cần tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ nhãn thuốc hiện đang lưu hành trong bệnh viện, bệnh xá cũng như trên thị trường để có biện pháp đối với các nhãn có nhiều sai sót có thể gây tác hại trong lúc sử dụng và từ nay về sau cần quy định chế độ duyệt nhãn, lưu hành nhãn thuốc nhằm mục đích nâng cao thêm chất lượng phục vụ nhân dân. Chúng ta cần luôn luôn chú ý đến tính chất quan trọng của nhãn thuốc, bất cứ một trường hợp nào thuốc cũng phải có nhãn đúng các quy định trong chế độ để dần dần gây được thành tập quán đối với cán bộ trong ngành cũng như đối với nhân dân lúc sử dụng để tránh dùng nhầm thuốc.

III.VẤN ĐỀ BẢO QUẢN

Do tính chất độc của thuốc, tác hại do thuốc gây ra, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo quản, nhiều đơn vị đã khắc phục hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành tốt công tác này như đã chỉ định dược sĩ trực tiếp làm công tác này, có tủ đựng đúng quy định, sổ sách xuất nhập rõ ràng, rành mạch, số liệu sổ sách khớp với số liệu tồn kho, v.v… nhưng cũng còn nhiều đơn vị chưa coi trọng đúng mức như dược sĩ còn giao phó cho dược tá, tủ thuốc độc ai cũng có quyền mở ra đóng vào, thuốc độc để ở nhiều nơi, sổ sách không cập nhật, số liệu không ăn khớp, một số nơi còn chấp hành một cách hình thức, một số đơn vị còn ỷ lại vào hoàn cảnh không khắc phục khó khăn nhất là đối với Đông dược. Các cơ sở nghiên cứu thí nghiệm còn chưa coi trọng công tác này, do đó để nâng cao ý thức trách nhiệm từ nay cần coi trọng công tác bảo quản, những đơn vị chưa chấp hành đúng các điều khoản quy định cần khắc phục khó khăn, các thuốc độc cần phải có buồng riêng hoặc tủ riêng để đựng, tủ phải có hai lần khóa chắc chắn, không dùng tủ kính, việc quản lý nhất thiết phải do dược sĩ trực tiếp trong tất cả các khâu xuất, nhập, pha chế, cân đong, sổ sách v.v… Việc giao cho dược tá chỉ nên hạn chế trong một số khâu ít quan trọng và cũng phải dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của dược sĩ và dược sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm. Trường hợp chưa có dược sĩ thì thủ trưởng đơn vị cử một dược tá có khả năng đảm nhiệm nhưng dưới sự chỉ dẫn của thủ trưởng.

IV. VẤN ĐỀ KÊ ĐƠN

Đơn thuốc là một mệnh lệnh điều trị, một văn bản chính thức để cán bộ Dược căn cứ vào đó để pha chế cấp phát. Cán bộ Y căn cứ để sử dụng cho bệnh nhân, do đó đơn thuốc cần phải được chú ý thận trọng trong khi viết từ tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân đến tên thuốc, liều lượng, cách dùng và các hướng dẫn khác thật rõ ràng, chân phương để dễ đọc, dễ hiểu tránh những hiện tượng không ghi đầy đủ hoặc viết tắt, viết cẩu thả, viết công thức hóa học, viết bằng danh từ nước ngoài trong những trường hợp đã có danh từ tiếng Việt phổ biến. Các đơn vị cần gây được cho các y, bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc hoặc ghi phiếu lĩnh phải đặc biệt chú ý để thành được một tác phong cẩn thận chính xác. Mặt khác cũng cần chú ý quản lý chặt chẽ đơn thuốc tránh để lọt ra ngoài, để một số người có dịp lợi dụng làm các việc không chính đáng (người nghiện thuốc phiện dùng để mua mocphin hoặc mua thuốc độc để đầu độc, tự tử v.v…). Cán bộ y, dược cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc kê đơn cũng quản lý đơn thuốc.

V. VẤN ĐỀ DỰ TRÙ - CẤP PHÁT – GIAO NHẬN

Việc dự trù thuốc độc cũng cần được chú ý để đảm bảo nhu cầu công tác phòng bệnh, chữa bệnh, do đó cần thì mới dự trù và cần bao nhiêu thì dự trù bấy nhiêu và cần đến đâu thì dự trù đến đó tránh tình trạng ở cơ sở đơn vị giữ nhiều thuốc độc, tích trữ lại sợ thiếu. Khi làm dự trù cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu tránh ước lượng đại khái mà phải thận trọng xem xét lại trước khi gửi nhu cầu đi. Các thủ trưởng đơn vị cần hết sức chú ý khi ký duyệt các dự trù về thuốc độc để hạn chế bớt được các thiếu sót do khâu dự trù và duyệt dự trù có thể gây ra. Khi duyệt dự trù thủ trưởng cơ quan cần sử dụng các cán bộ chuyên môn giúp đỡ mình trong công tác.

Khâu cấp phát giao nhận là khâu dễ xảy ra những nhầm lẫn thừa thiếu và là khâu trực tiếp giữa thuốc với người sử dụng, nhưng đồng thời cũng là khâu kiểm tra phát hiện cuối cùng các thiếu sót nhầm lẫn của các khâu pha chế, đóng gói, cân, đong v.v... do đó cần phải đặc biệt chú trọng. Do tính chất quan trọng của khâu này cán bộ dược cần phải nắm vững tất cả các điều khoản và phụ bản của quy chế, phải xây dựng một số chế độ công tác của khâu này và phải nghiêm chỉnh thực hiện. Phải chú ý kiểm tra đối chiếu từ đơn thuốc, liều lượng, cách dùng đến tên thuốc, tên bệnh nhân, tuổi, địa chỉ, đến chai lọ thuốc, số thứ tự của đơn và đặc biệt phải chú ý đến hướng dẫn sử dụng. Chỉ giao thuốc độc ra ngoài khi không còn có vấn đề gì nghi ngờ hoặc chưa rõ ràng phải đúng nguyên tắc tránh cảm tình nể nang, tránh lề lối làm việc gia đình.

VI. VẤN ĐỀ ĐÔNG DƯỢC

Việc quản lý Đông dược hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như một số mọc hoang dại, lưu hành tự do trên thị trường, lương y chưa được học tập chu đáo, trình độ chênh lệch.

Số lượng, khối lượng lớn, cồng kềnh, liều lượng dùng không thống nhất do chưa quy định được thật tỷ mỉ đầy đủ.

[...]