Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 08/2000/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 08/2000/TT-TCHQ
Ngày ban hành 20/11/2000
Ngày có hiệu lực 05/12/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Ngọc Túc
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2000/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 08/2000/TT-TCQH NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN

Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 16/CP ngày 20 tháng 3 năm 1996, Điều 7 Nghị định 54/1998/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 1998 và Điều 2 Nghị định số 58/2000/NĐ-CP ngày 24/10/2000 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các Nghị định số 16/CP ngày 20/3/1996, Nghị định 54/1998/NĐ-CP ngày 21/7/1998 và Nghị định số 58/2000/NĐ-CP ngày 24/10/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 16/CP và 54/CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan (dưới đây gọi chung là Nghị định XPVPHC về HQ).

2. Nguyên tắc áp dụng Nghị định XPVPHC về HQ:

a. Nghị định XPVPHC về HQ được áp dụng với hành vi xảy ra tại thời điểm các Nghị định có hiệu lực.

b. Trong trường hợp Nghị định XPVPHVC về HQ và văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

c. Trong trường hợp Nghị định XPVPHC về HQ và văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về cùng một vấn đề, do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau cùng.

d. Trong trường hợp Nghị định XPVPHC về HQ và văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan khác không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới.

3. Những từ ngữ tại Nghị định XPVPHC về hải quan dưới đây được hiểu như sau:

a. "Hàng hoá, vật phẩm": là hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, ngoại hối, vàng, tiền Việt Nam và những vật phẩm khác.

b. "Mã hàng": là mã số thuế của hàng hoá theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

c. "Hàng hoá khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu": là hàng hoá không thuộc loại hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; không quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép, kế hoạch định hướng.

d. "Mức trung bình của khung phạt tiền": là mức trung bình cộng của mức phạt tiền cao nhất và mức phạt tiền thấp nhất của khung phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính.

e. "Không đúng với khai báo hải quan": là sự khác nhau giữa hàng hoá, vật phẩm khai báo hải quan với hàng hoá, vật phẩm thực xuất khẩu, thực nhập khẩu.

g. "Tái phạm": là trường hợp đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hiệu được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, lại thực hiện tiếp vi phạm hành chính trong cùng lĩnh vực đó.

h. "Vi phạm nhiều lần": là trường hợp thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực mà trước đó đã vi phạm nhưng chưa bị xử phạt.

i. "Đưa hàng hoá trái phép vào Việt Nam": là hành vi đưa hàng hoá vào Việt Nam trái với các quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định XPVPHC về HQ (sau đây gọi tắt là Nghị định) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

5. Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định được hiểu như sau:

a. Tổ chức gồm: cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

b. Cá nhân gồm: người Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c. Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan, đều phải chịu trách nhiệm hành chính về hải quan theo quy định tại Nghị định này và các Nghị định khác của Chính phủ có quy định thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế.

6. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan bao gồm: người vận chuyển, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người kinh doanh kho ngoại quan, khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hải quan; người mua, người bán, chứa chấp, vận chuyển hàng hoá, vật phẩm có nguồn gốc nhập khẩu trái phép; người mua, người bán không đúng quy định hàng hoá thuộc đối tượng ưu đãi về thuế, người có hành vi cản trở, xúc phạm nhân viên hải quan thi hành công vụ.

7. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Khi quyết định xử phạt bằng tiền đối với một người trong cùng thời điểm thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì được cộng lại thành mức phạt chung, nhưng phải ghi rõ mức phạt đối với từng hành vi. Nếu một trong các hành vi vi phạm nêu trên không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

8. Đối với các vi phạm phức tạp, khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự thì người có thẩm quyền xử phạt thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan tỉnh) trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và chỉ ra quyết định xử phạt hành chính khi đã có ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân.

9. Hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu là tang vật vi phạm hành chính thuộc đối tượng chịu thuế thì ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp đủ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các loại thuế khác và lệ phí theo quy định của pháp luật.

[...]