Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 08/2000/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 08/2000/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 29/03/2000
Ngày có hiệu lực 13/04/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Duy Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2000/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 08/2000/TT-BLĐTB&XH NGÀY 29 THÁNG 03 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC Ở VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 58/CP ngày 03-10-1996 của Chính phủ về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam và Nghị định số 169/1999/NĐ-CP ngày 03-12-1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/CP ngày 03-10-1996 của Chính phủ về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam; Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng cấp giấy phép lao động là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là người lao động nước ngoài) làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam (gọi chung là người sử dụng lao động) sau đây:

1. Doanh nghiệp Nhà nước;

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

a. Doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài;

b. Doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài;

c. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh (trường hợp này doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài).

d. Doanh nghiệp BOT (thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), doanh nghiệp BTO (thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) và doanh nghiệp BT (thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

3. Doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp;

4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác (bao gồm cả các cơ sở sản xuất - kinh doanh và hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh nếu được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép tuyển lao động nước ngoài);

5. Đơn vị sự nghiệp hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế;

6. Tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội khác;

7. Nhà thầu (thầu chính, thầu phụ) là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài nhận thầu. Trong trường hợp đấu thầu tuyển chọn tư vấn, nhà thầu có thể là cá nhân;

8. Cơ sở y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục và đào tạo;

9. Văn phòng đại diện công ty nước ngoài, chi nhánh các công ty nước ngoài, văn phòng đại diện các tổ chức: kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hoá giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật.

10. Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, chi nhánh ngân hàng liên doanh với nước ngoài, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, công ty liên doanh bảo hiểm hoặc công ty liên doanh môi giới bảo hiểm, chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

11. Hợp tác xã.

Trong các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên (từ điểm 1 đến điểm 11) các đối tượng sau đây không thuộc diện cấp giấy phép lao động:

- Người nước ngoài được người sử dụng lao động thuê để xử lý khó khăn trong trường hợp khẩn cấp (trường hợp khẩn cấp được quy định là những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không thể xử lý được); nếu thời gian để xử lý khó khăn trong trường hợp khẩn cấp từ 6 tháng trở lên, thì trong 2 tháng đầu vào Việt Nam làm việc người nước ngoài được thuê vẫn phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động theo quy định tại Thông tư này;

- Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

- Người nước ngoài là trưởng văn phòng đại diện, trưởng chi nhánh.

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG, GIA HẠN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG VÀ CẤP LẠI GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

1. Cấp giấy phép lao động.

a) Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động

Người sử dụng lao động phải gửi 01 (một) bộ hồ sơ tới cơ quan Nhà nước được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội uỷ quyền (theo quy định tại Mục IV của Thông tư này) để xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, bộ hồ sơ gồm có:

[...]