Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 07/2016/TT-BQP quy định phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 07/2016/TT-BQP
Ngày ban hành 26/01/2016
Ngày có hiệu lực 12/03/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Đỗ Bá Tỵ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2016/TT-BQP

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHONG, THĂNG, GIÁNG CẤP BẬC QUÂN HÀM; BỔ NHIỆM CHỨC VỤ, GIÁNG CHỨC, CÁCH CHỨC; CHỨC VỤ TƯƠNG ĐƯƠNG VÀ CẤP BẬC QUÂN HÀM CAO NHẤT ĐỐI VỚI CHỨC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Điều 8 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam quy định tại Khoản 4 Điều 8 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ trong lực lượng dự bị động viên.

2. Việc phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời chiến được thực hiện theo quy định riêng.

Điều 3. Nguyên tắc thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Cấp có thẩm quyền quyết định thăng cấp bậc quân hàm, bổ nhiệm đến chức vụ nào thì có quyền giáng cấp bậc quân hàm; giáng chức, cách chức đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đến cấp bậc, chức vụ đó.

2. Mỗi lần thăng hoặc giáng cấp bậc quân hàm chỉ cao hơn hoặc thấp hơn một bậc; trường hợp đặc biệt được thăng hoặc giáng nhiều bậc quân hàm, nhưng không vượt quá thẩm quyền quy định tại Thông tư này.

Chương II

QUY ĐỊNH PHONG, THĂNG, GIÁNG CẤP BẬC QUÂN HÀM; BỔ NHIỆM CHỨC VỤ, GIÁNG CHỨC, CÁCH CHỨC; CHỨC VỤ TƯƠNG ĐƯƠNG CẤP BẬC QUÂN HÀM CAO NHẤT ĐỐI VỚI CHỨC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ

Mục 1. PHONG, THĂNG, GIÁNG CẤP BẬC QUÂN HÀM ĐỐI VỚI HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ

Điều 4. Cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Hạ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có ba bậc quân hàm: Thượng sĩ, Trung sĩ, Hạ sĩ.

2. Binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có hai bậc quân hàm: Binh nhất, Binh nhì.

Điều 5. Thẩm quyền phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Phong cấp bậc Binh nhì

a) Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng và các chức vụ tương đương quyết định phong cấp bậc Binh nhì đối với quân nhân thuộc quyền;

b) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) quyết định phong quân hàm Binh nhì đối với công dân đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân đã được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên.

2. Thăng, giáng cấp bậc quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

[...]