Thông tư 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành

Số hiệu 07/2007/TT-BVHTT
Ngày ban hành 20/03/2007
Ngày có hiệu lực 29/04/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Đỗ Quý Doãn
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
*****

Số: 07/2007/TT-BVHTT

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CẤP, ĐỔI VÀ THU HỒI THẺ NHÀ BÁO

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 06 năm 1999;
Căn cứ Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Nghị định 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa - Thông tin;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn việc cấp, đổi và thu hồi Thẻ nhà báo như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thẻ nhà báo

Thẻ nhà báo do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp cho những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để được hành nghề báo chí.

2. Sử dụng Thẻ nhà báo

2.1. Người được cấp Thẻ nhà báo chỉ được sử dụng Thẻ nhà báo khi hoạt động nghiệp vụ báo chí; không được sử dụng Thẻ nhà báo để làm việc trái pháp luật; không được cho người khác mượn Thẻ nhà báo.

2.2. Người được cấp Thẻ nhà báo được hưởng các quyền và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về báo chí; chỉ những người có Thẻ nhà báo do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp mới được hưởng những quyền theo quy định của pháp luật về báo chí khi hoạt động nghiệp vụ.

2.3. Thời gian sử dụng Thẻ nhà báo được ghi trên Thẻ. Việc gia hạn, do Bộ Văn hóa - Thông tin quy định.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng được cấp Thẻ nhà báo

Đối tượng được xét cấp Thẻ nhà báo gồm:

1.1. Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc các cơ quan báo chí, thông tấn.

1.2. Trưởng phòng (ban), Phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí.

1.3. Phóng viên các cấp, biên tập viên các cấp.

1.4. Người bình luận, quay phim, đạo diễn chương trình thời sự, phim tài liệu thời sự của Đài Truyền hình Trung ương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương.

1.5. Những người đã được cấp Thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác nhưng vẫn cộng tác với cơ quan báo chí, được cơ quan báo chí xác nhận có tác phẩm báo chí được sử dụng thì vẫn được xép cấp Thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau:

a) Được điều động công tác tại các phòng (ban) không phải nghiệp vụ báo chí như Ban trị sự, Ban quảng cáo … của cơ quan báo chí;

b) Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các trường bậc đại học;

c) Được điều chuyển sang các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí;

d) Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại các Hội nhà báo các cấp.

1.6. Giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường bậc đại học có thời gian giảng dạy từ năm (5) năm trở lên.

1.7. Những người làm công tác nghiệp vụ phóng viên, biên tập hoặc phụ trách công tác phóng viên, biên tập của các Đài Phát thanh cấp quận, huyện và tương đương là cộng tác viên thường xuyên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp Thẻ nhà báo.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp Thẻ nhà báo

2.1. Người được xét cấp Thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;

b) Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba (3) năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp Thẻ;

[...]