Thông tư 06/2006/TT-NHNN hướng dẫn Khoản 3 Điều 6 Quyết định 270/2005/QĐ-TTg về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm Bưu điện do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 06/2006/TT-NHNN
Ngày ban hành 25/08/2006
Ngày có hiệu lực 28/09/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đặng Thanh Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

**********

Số: 06/2006/TT-NHNN

Hà Nội, ngày  25  tháng  8  năm 2006

 

THÔNG TƯ 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN KHOẢN 3 ĐIỀU 6 QUYẾT ĐỊNH SỐ 270/2005/QĐ-TTG NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TIỀN GỬI TIẾT KIỆM BƯU ĐIỆN.

Thi hành Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm bưu điện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) hướng dẫn Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực hiện một số nội dung hoạt động ngân hàng như sau:

1. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện nhằm :

a) Huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chủ trương của Chính phủ.

b) Cung ứng một số dịch vụ ngân hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15/6/2004.

2. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và dịch vụ ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/6/2003 đối với hoạt động của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam quy định tại Thông tư này.

1. Huy động vốn:

1.1. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện được huy động vốn của dân cư như sau:

a) Nhận tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn theo quy định tại Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác theo các quy định  riêng của Ngân hàng Nhà nước.

1.2. Lãi suất huy động tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện phải đảm bảo phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường tại từng thời điểm huy động.  

2. Đảm bảo chi trả thường xuyên:

Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện giữ lại tối thiểu 8% tổng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện để đảm bảo chi trả thường xuyên cho người gửi tiền khi đến hạn hoặc có nhu cầu rút tiền trước hạn. 

3. Bảo quản, vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá:

Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện bảo quản, vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá, chế độ quản lý kho tiền, phương tiện vận chuyển chuyên dùng  theo các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

4. Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện được cung ứng các dịch vụ sau đây cho khách hàng cá nhân có mở tài khoản tại Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép:

4.1. Mở tài khoản cá nhân.

4.2. Cung ứng séc rút tiền mặt.

Séc rút tiền mặt chỉ được sử dụng để chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền rút tiền mặt. Việc cung ứng, sử dụng, thanh toán séc rút tiền mặt của khách hàng thực hiện theo các quy định tại Quy chế cung ứng và sử dụng séc ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/7/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4.3. Phát hành, thanh toán thẻ rút tiền mặt, thẻ thanh toán ghi nợ.

Thẻ rút tiền mặt, thẻ thanh toán ghi nợ được chủ tài khoản sử dụng để rút tiền mặt, thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ trong phạm vi số dư trên tài khoản của chủ thẻ mở tại Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Việc phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ rút tiền mặt, thẻ thanh toán ghi nợ thực hiện theo các quy định tại Quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng ban hành theo Quyết định số 371/1999/QĐ-NHNN1 ngày 19/10/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4.4. Thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ theo quy định tại Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26/3/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4.5. Điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ nêu tại các điểm 4.1, 4.2 và 4.4 Khoản 4 Mục II Thông tư này thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ban hành theo Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26/3/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4.6 Hồ sơ xin cấp giấy phép cung ứng các dịch vụ nêu tại các điểm 4.1, 4.2 và 4.4 Khoản 4 Mục II Thông tư này gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Điều lệ của Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện;

c) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề hiện tại;

[...]