Thông tư 06/2003/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 87/2003/NĐ-CP về hành nghề của Tổ chức luật sư nước ngoài, Luật sư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 06/2003/TT-BTP
Ngày ban hành 29/10/2003
Ngày có hiệu lực 25/11/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2003/TT-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 06/2003/TT-BTP NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 87/2003/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HÀNH NGHỀ CỦA TỔ CHỨC LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ quy định tại Điều 47 và Điều 58 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 87/2003/NĐ-CP) như sau:

1. Về Tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài

1.1. Tổ chức luật sư nước ngoài nói tại Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hành nghề hợp pháp ở nước ngoài.

1.2. Giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức luật sư nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 12, Khoản 2 Điều 14 và Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là một trong các loại giấy tờ sau đây:

a) Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

b) Hợp đồng hợp danh, điều lệ công ty;

c) Giấy tờ xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài về việc thành lập và hoạt động hợp pháp.

1.3. Luật sư nước ngoài nói tại Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có giấy phép hành nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Trong trường hợp công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có giấy phép hành nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp muốn hành nghề với tư cách là luật sư nước ngoài tại Việt Nam, thì phải tuân theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.

2. Về Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư Việt Nam

2.1. Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh Việt Nam nói tại Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh được thành lập hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001.

2.2. Luật sư Việt Nam là người đã gia nhập một Đoàn luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001.

3. Về hồ sơ xin thành lập Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (sau đây gọi chung là Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam)

3.1. Tổ chức luật sư nước ngoài muốn thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải làm một bộ hồ sơ theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.

3.2. Trong trường hợp hai hoặc nhiều tổ chức luật sư nước ngoài xin phép thành lập chung một Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, thì đơn xin phép thành lập Công ty luật nước ngoài phải do người đứng đầu của các tổ chức luật sư nước ngoài hoặc người được đứng đầu của các tổ chức luật sư nước ngoài đó uỷ quyền ký.

3.3. Trong trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài muốn thành lập nhiều Chi nhánh tại Việt Nam, thì phải làm thủ tục xin phép riêng đối với mỗi Chi nhánh.

Mỗi Chi nhánh chỉ được có một trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi được phép đặt Chi nhánh.

3.4. Tên gọi của Chi nhánh phải bao gồm cụm từ "Chi nhánh", tên tổ chức luật sư nước ngoài và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi được phép đặt Chi nhánh.

Tên gọi của Công ty luật nước ngoài phải bao gồm cụm từ "Công ty luật" và tên của tổ chức luật sư nước ngoài.

Tên gọi của Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam do tổ chức luật sư nước ngoài và Công ty luật hợp danh Việt Nam lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ "Công ty luật hợp danh".

4. Về thủ tục cấp Giấy phép thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

4.1. Hồ sơ xin thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp có thể yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ những thông tin trong hồ sơ. Thời hạn xem xét hồ sơ và cấp Giấy phép quy định tại Điều 20 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP được tính từ ngày hoàn thiện hồ sơ.

4.2. Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp nhận và thẩm tra hồ sơ xin thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

5. Về thủ tục thay đổi nội dung Giấy phép thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

5.1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam thay đổi tên gọi trong những trường hợp sau đây:

a) Tên gọi của tổ chức luật sư nước ngoài thay đổi theo quy định của pháp luật nước ngoài;

[...]