BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2013/TT-BKHCN
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 02 năm 2013
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2007/TT-BKHCN NGÀY 14/02/2007
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/2006/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA
LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO THÔNG TƯ
SỐ 13/2010/TT-BKHCN NGÀY 30/7/2010 VÀ THÔNG TƯ SỐ 18/2011/TT-BKHCN NGÀY
22/7/2011
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP
ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày
29/11/2005 và Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005 (sau đây gọi là "Luật Sở hữu trí
tuệ”);
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP
ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Nghị định số 122/2010/NĐ-CP
ngày 31/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa
đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007
hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của
Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư
số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày
22/7/2011 (sau đây gọi là “Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN”) như sau:
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
1. Sửa đổi điểm
1.1 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“1.1 Các quyền sở
hữu công nghiệp phát sinh hoặc được xác lập dựa trên các căn cứ quy định tại
khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Nghị
định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa
đổi, bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP và theo quy định cụ thể tại điểm
này.”
2. Sửa đổi điểm 7.1.b (iii) và bổ sung điểm 7.1.b (iv) của Thông tư số
01/2007/TT-BKHCN như sau:
“(iii) Bản đồ khu vực địa lý (nếu
nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc
nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ
nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
(iv) Văn bản của Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu theo
quy định tại điểm 37.7.a của Thông tư này (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập
thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa
lý của đặc sản địa phương).”
3. Sửa đổi, bổ
sung điểm 13.8 của Thông tư số
01/2007/TT-BKHCN như sau:
“13.8 Thời hạn thẩm định hình thức
đơn
a) Thời hạn thẩm định hình thức đơn
là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều
119 của Luật Sở hữu trí tuệ.
b) Trong trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ
ra thông báo theo điểm 13.6.a của Thông tư này, thì khoảng thời gian để người nộp
đơn phản hồi thông báo không tính vào thời hạn thẩm định hình thức. Khoảng thời
gian này được hiểu là:
(i) Thời gian từ ngày ra thông báo đến
ngày người nộp đơn phản hồi thông báo; hoặc
(ii) Thời hạn ấn định trong thông báo
(kể cả được kéo dài theo quy định), trong trường hợp người nộp đơn không phản hồi
thông báo.
c) Trong trường hợp người nộp đơn chủ
động yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn, hoặc phản hồi thông báo của Cục Sở hữu trí
tuệ nêu tại điểm 13.6.a của Thông tư này, thời hạn thẩm định hình thức được kéo
dài thêm 10 ngày theo quy định tại khoản 4 Điều 119 của Luật Sở
hữu trí tuệ.
d) Trước ngày kết thúc thời hạn quy định
tại các điểm 13.8.a, 13.8.b hoặc 13.8.c trên đây, Cục Sở hữu trí tuệ phải thẩm
định xong về hình thức đơn và thông báo kết quả cho người nộp đơn theo quy định
tại điểm 13.6 hoặc điểm 13.7 của Thông tư này.”
4. Sửa đổi điểm 15.6.d, bổ sung các điểm 15.6.đ và 15.6.e của
Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“d) Trước khi ra thông báo dự định cấp
văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm 15.7.a (iii) của Thông tư này, Cục Sở hữu
trí tuệ kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại các điểm 25.7,
35.9 và 39.10 của Thông tư này.
đ) Thông báo quy định tại điểm 15.7.a
(iii) của Thông tư này được thực hiện đối với các đơn sau đây:
(i) Đơn không thuộc các trường hợp
quy định tại Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(ii) Đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên sớm nhất trong số các đơn đăng ký sáng chế thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(iii) Đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày
ưu tiên sớm nhất trong số các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(iv) Đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên sớm nhất trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(v) Đơn theo thỏa thuận quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ.
e) Đơn không thuộc các trường hợp quy
định tại điểm 15.6.đ của Thông tư này được xử lý như sau:
(i) Bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì
không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nếu đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên sớm nhất được cấp văn bằng bảo hộ; hoặc
(ii) Được coi là đơn có ngày nộp đơn
hoặc ngày ưu tiên sớm nhất và được xử lý theo quy định tại điểm 15.6.đ trên
đây, nếu tất cả các đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn bị từ chối cấp
văn bằng bảo hộ hoặc bị rút bỏ, bị coi như rút bỏ.”
5. Sửa đổi, bổ
sung điểm 15.7.a (iii) của Thông
tư số 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“(iii) Nếu đối tượng
nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót
đạt yêu cầu hoặc có ý kiến giải trình xác đáng trong thời hạn quy định tại các
điểm 15.7.a (i) và (ii) trên đây, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm
định nội dung đơn, trong đó:
- Đối với đơn thuộc các trường hợp
quy định tại điểm 15.6.đ của Thông tư này: Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ
và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ
phí cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí
đăng bạ và lệ phí duy trì hiệu lực năm thứ nhất đối với sáng chế. Người nộp đơn
có thể yêu cầu gia hạn thời hạn trên theo quy định tại điểm 9.2 của Thông tư
này.
- Đối với đơn không thuộc các trường hợp
quy định tại điểm 15.6.đ của Thông tư này: Thông báo tiếp tục xử lý đơn theo điểm
15.6.e của Thông tư này.”
6. Sửa đổi, bổ
sung điểm 15.8 của Thông tư số
01/2007/TT-BKHCN như sau:
“15.8 Thời hạn thẩm định nội dung
đơn
a) Thời hạn thẩm định nội dung đơn được
thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật Sở hữu
trí tuệ.
b) Trong trường hợp
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo theo điểm 15.7.a (i) và (ii) Thông tư này, thì
khoảng thời gian để người nộp đơn phản hồi thông báo không tính vào thời hạn thẩm
định hình thức. Khoảng thời gian này được hiểu là:
(i) Thời gian từ ngày ra thông báo đến
ngày người nộp đơn phản hồi thông báo; hoặc
(ii) Thời hạn ấn định trong thông báo
(kể cả được kéo dài theo quy định), trong trường hợp người nộp đơn không phản hồi
thông báo.
c) Trong trường hợp người nộp đơn chủ
động yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn, hoặc phản hồi thông báo của Cục Sở hữu trí
tuệ nêu tại điểm 15.7.a (i) và (ii) của Thông tư này, thì thời hạn thẩm định nội
dung được kéo dài thêm tương ứng với thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung
đơn hoặc giải trình của người nộp đơn theo quy định tại khoản 4
Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
(i) Đối với sáng chế, không quá 06
tháng;
(ii) Đối với nhãn hiệu, không quá 03
tháng;
(iii) Đối với kiểu dáng công nghiệp,
không quá 02 tháng và 10 ngày;
(iv) Đối với chỉ dẫn địa lý, không
quá 02 tháng.”
7. Sửa đổi, bổ
sung điểm 25.7 của Thông tư số
01/2007/TT-BKHCN như sau:
“25.7 Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn
đầu tiên đối với sáng chế
Đối với những đơn đăng ký sáng chế đã
được kết luận là đáp ứng các điều kiện bảo hộ, trước khi ra thông báo dự định cấp
Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích theo quy định tại
điểm 15.7.a (iii) của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra để bảo đảm
nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều
90 của Luật Sở hữu trí tuệ theo các quy định sau đây:
a) Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu
tiên, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong các nguồn bắt buộc sau đây
(nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó): Tất cả các đơn
đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận (tính đến thời điểm kiểm
tra) có cùng Chỉ số phân loại với Chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn
đang được thẩm định - tính đến Chỉ số phân lớp (Chỉ số hạng thứ ba) và có ngày
nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang
được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) mà chưa được công bố hoặc có
ngày công bố muộn hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền
ưu tiên) của đơn đang được thẩm định.
b) Việc tra cứu là để tìm ra trường hợp
có nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) đăng ký các sáng chế trùng hoặc
tương đương với nhau và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất.
c) Nếu có nhiều đơn thuộc trường hợp
nêu tại điểm 25.1.b trên đây thì Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải
pháp hữu ích chỉ có thể được cấp cho sáng chế trong đơn hợp lệ có ngày nộp đơn
hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp
văn bằng bảo hộ.
d) Trong số các
đơn thuộc trường hợp nêu tại điểm 25.7.b trên đây, nếu có nhiều đơn cùng có
ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất thì Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc
quyền giải pháp hữu ích chỉ có thể được cấp cho sáng chế của một đơn duy nhất
trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không
thỏa thuận được thì tất cả đối tượng tương ứng của các đơn đó đều bị từ chối cấp
văn bằng bảo hộ.”
8. Sửa đổi, bổ
sung điểm 35.9 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“35.9 Kiểm tra
nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với kiểu dáng công nghiệp
Đối với những đơn đăng ký kiểu dáng
công nghiệp đã được kết luận là đáp ứng các điều kiện bảo hộ, trước khi ra
thông báo dự định cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại điểm
15.7.a (iii) của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra để bảo đảm nguyên tắc
nộp đơn đầu tiên quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 90 của Luật
Sở hữu trí tuệ theo các quy định sau đây:
a) Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu
tiên, phải tiến hành tra cứu thông tin trong nguồn bắt buộc quy định tại điểm
35.4.b (iv) của Thông tư này.
b) Việc tra cứu là để tìm ra trường hợp
có nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) đăng ký các kiểu dáng công nghiệp
của bộ phận sản phẩm và/hoặc sản phẩm trùng hoặc không khác biệt đáng kể với
nhau và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất.
c) Nếu có nhiều đơn thuộc trường hợp
nêu tại điểm 35.9.b trên đây thì Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể
được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày nộp đơn hoặc ngày
ưu tiên sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng
bảo hộ.
d) Trong số các đơn thuộc trường hợp
nêu tại điểm 35.9.b, nếu có nhiều đơn cùng có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm
nhất thì Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được cấp cho kiểu dáng
công nghiệp của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả
những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì tất cả đối tượng tương ứng của
các đơn đó đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.”
9. Sửa đổi, bổ
sung điểm 37.7 của Thông tư số
01/2007/TT-BKHCN như sau:
“37.7 Yêu cầu về văn bản cho phép
đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu
khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam
a) Văn bản cho
phép đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu
hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương do cơ quan có thẩm quyền
sau đây cấp:
(i) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc dấu hiệu
khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp khu vực
địa lý thuộc một địa phương);
(ii) Tất cả các Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với địa danh hoặc
dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương (trong trường hợp
khu vực địa lý thuộc nhiều địa phương).
b) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với
địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương phải
thể hiện đầy đủ thông tin tới mức có thể xác định chính xác vùng địa lý đó và
phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm 37.7.a trên đây.”
10. Bổ sung
điểm 37.8 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“37.8 Tiêu chí xác định địa danh,
dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm
a) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của
sản phẩm là dấu hiệu dùng cho sản phẩm của địa phương và có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn
gốc địa lý của sản phẩm (chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương đó).
Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản
phẩm thường là địa danh, nhưng cũng có thể là dấu hiệu biểu trưng của địa
phương (hình ảnh các sự vật tiêu biểu của địa phương, như biểu tượng, bản đồ, cờ,
huy hiệu, thắng cảnh, công trình đặc biệt của địa phương...), hoặc cũng có thể
là bất kỳ dấu hiệu nào khác.
Địa danh có thể là tên gọi hiện hành
hay tên gọi trong lịch sử, tên gọi chính thức hoặc tên gọi dân gian của một khu
vực địa lý (xác định theo địa giới hành chính hay các phương thức địa lý học).
b) Một địa danh, dấu hiệu biểu trưng
của địa phương sử dụng cho sản phẩm thông thường (không phải là đặc sản) có thể
có hoặc không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm, tùy thuộc vào sản
phẩm và thực tế sử dụng địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương.
c) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của
địa phương có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm trong các trường hợp
sau đây:
(i) Dùng cho đặc sản của địa phương
(sản phẩm đặc biệt, có danh tiếng nhờ những đặc trưng nhất định, được sản xuất
tại địa phương);
(ii) Dùng cho cây trồng, vật nuôi và
các sản phẩm chế biến từ cây trồng, vật nuôi của địa phương;
(iii) Dùng cho sản phẩm khai thác
nguyên liệu thiên nhiên (than, sắt, thép, nhôm, xi măng, đá, muối, gỗ...) ở địa
phương;
(iv) Dùng cho những sản phẩm thuộc
các ngành công nghiệp phát triển ở địa phương;
(v) Các trường hợp khác được xác định
theo sản phẩm và thực tế sử dụng địa danh, dấu hiệu biểu trưng của địa phương
cho sản phẩm.
d) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của
địa phương không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm trong các trường
hợp sau đây:
(i) Đã được sử dụng với chức năng
nhãn hiệu thông thường và được thừa nhận rộng rãi, tức là đạt được ý nghĩa chỉ
dẫn nguồn gốc thương mại (khả năng phân biệt) và mất ý nghĩa mô tả nguồn gốc địa
lý, ví dụ: bia Hà Nội, bia Sài Gòn;
(ii) Địa phương tương ứng không thể
là nơi sản phẩm được sản xuất, ví dụ: thuốc lá Bắc Cực...
Những địa danh, dấu hiệu biểu trưng của
địa phương mà không có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm có thể được
bảo hộ như nhãn hiệu thông thường, không cần sự cho phép của chính quyền địa
phương.
đ) Địa danh, dấu hiệu biểu trưng của
địa phương thuộc kiến thức địa lý phổ thông được nhiều người biết đến (ví dụ:
tên các tỉnh, thành phố, các danh lam, thắng cảnh) dùng cho sản phẩm thông thường
của địa phương (kể cả sản phẩm mà địa phương có lợi thế kinh doanh nhưng chưa
có danh tiếng, đặc trưng về chất lượng), được nhiều chủ thể kinh doanh ở địa
phương sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ của mình có ý nghĩa mô tả địa điểm sản xuất
(nhưng không có đủ căn cứ để xếp vào loại (c) và (d) trên đây), sẽ là đối tượng
không được bảo hộ.
Tuy nhiên, những địa danh, dấu hiệu
biểu trưng của địa phương như vậy vẫn có thể được sử dụng làm một yếu tố phụ cấu
thành nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân ở địa phương tương ứng, với
điều kiện địa danh đó bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ (không bảo hộ riêng) và
không phải xin phép chính quyền địa phương.”
11. Sửa đổi,
bổ sung điểm 39.10 của Thông tư
số 01/2007/TT-BKHCN như sau:
“39.10 Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn
đầu tiên đối với nhãn hiệu
Đối với những đơn đăng ký nhãn hiệu
đã được kết luận là đáp ứng điều kiện bảo hộ, trước khi ra thông báo dự định cấp
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại điểm 15.7.a (iii) của Thông
tư này, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra để bảo đảm nguyên tắc nộp đơn đầu
tiên quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu
trí tuệ theo quy định sau đây:
a) Để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu
tiên, phải tiến hành tra cứu tất cả các đơn đăng ký nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu
trí tuệ tiếp nhận (tính đến thời điểm kiểm tra) có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên
(nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) của đơn đang được thẩm định.
b) Việc tra cứu là để tìm ra trường hợp
có nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) của nhiều người khác nhau đăng ký
các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản
phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau, hoặc có nhiều đơn của cùng một người
đăng ký các nhãn hiệu trùng nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau; và
xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất.
c) Nếu có nhiều đơn thuộc trường hợp
nêu tại điểm 39.10.b trên đây thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được cấp
cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất trong
số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
d) Trong số các đơn thuộc trường hợp
nêu tại điểm 39.10.b trên đây, nếu có nhiều đơn cùng có ngày nộp đơn hoặc ngày
ưu tiên sớm nhất thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được cấp cho nhãn hiệu
của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người
nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì tất cả đối tượng tương ứng của các đơn
đó đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.”
Điều 2. Hiệu Iực
thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày,
kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng CP (để
báo cáo);
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, PC, SHTT
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quân
|