Thông tư 18/2011/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi theo Thông tư 13/2010/TT-BKHCN và Thông tư 01/2008/TT-BKHCN, được sửa đổi theo Thông tư 04/2009/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 18/2011/TT-BKHCN
Ngày ban hành 22/07/2011
Ngày có hiệu lực 05/09/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2011/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2011

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2007/TT-BKHCN NGÀY 14/02/2007, ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2010/TT-BKHCN NGÀY 31/7/2010 VÀ THÔNG TƯ SỐ 01/2008/TT-BKHCN NGÀY 25/02/2008, ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO THÔNG TƯ SỐ 04/2009/TT-BKHCN NGÀY 27/3/2009

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ);

Căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN (sau đây gọi là “Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010”) và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 (sau đây gọi là “Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN sửa đổi năm 2009”) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 7.2.e như sau:

“e. Đối tượng nêu trong đơn phải được phân nhóm, phân loại chính xác theo quy định. Nếu người nộp đơn không tự phân nhóm, phân loại hoặc phân nhóm, phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện việc này và người nộp đơn phải nộp phí dịch vụ phân nhóm, phân loại theo quy định”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm 7.3.c như sau:

“c) Các tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên (bản sao đơn (các đơn) đầu tiên, có xác nhận của cơ quan nhận đơn, trừ đơn PCT); danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên; giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm 20.3 như sau:

“20.3. Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế

a) Để được duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong vòng 06 tháng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Lệ phí duy trì hiệu lực có thể được nộp muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí cho mỗi tháng nộp muộn.

b) Cục Sở hữu trí tuệ xem xét yêu cầu duy trì hiệu lực trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và lệ phí duy trì hiệu lực. Trường hợp yêu cầu hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ  ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế.

Trường hợp yêu cầu duy trì hiệu lực có thiếu sót hoặc không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu trong thời hạn đã ấn định, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối duy trì hiệu lực”.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm 20.4.a như sau:

“a) Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí không được gia hạn.

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có nhiều phương án thì Bằng độc quyền có thể được gia hạn đối với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải có phương án cơ bản.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm 33.5.e như sau:

“e. Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Sở hữu trí tuệ, và nên được mô tả chi tiết như sau:

(i) Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất nêu tại điểm 33.5.c trên đây, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ;

(ii) Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có);

(iii) Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ: sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được …) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau;

(iv) Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì chỉ rõ các đặc điểm khác biệt của những phương án còn lại so với phương án cơ bản (phương án đầu tiên nêu trong đơn);

(v) Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó”.

6. Sửa đổi, bổ sung điểm 33.6 như sau:

[...]