Nghị định 122/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp

Số hiệu 122/2010/NĐ-CP
Ngày ban hành 31/12/2010
Ngày có hiệu lực 20/02/2011
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 122/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/2006/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp

1. Sửa đổi điểm h khoản 2 Điều 3 như sau:

“h) Quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc địa phương, kể cả địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc đặc sản địa phương;”

2. Sửa đổi khoản 3, khoản 4 và bổ sung khoản 5 Điều 19 như sau:

“3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định các loại đặc sản, các đặc tính của sản phẩm, quy trình sản xuất các các đặc sản mang chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành nộp đơn đăng ký và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của địa phương và cấp phép để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm.”

3. Bổ sung Chương IIIa như sau:

“Chương IIIa. SÁNG CHẾ MẬT

Điều 23a. Sáng chế mật; văn bằng bảo hộ sáng chế mật; nội dung và giới hạn quyền đối với sáng chế mật

1. Sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gọi là sáng chế mật.

2. Sáng chế mật chỉ có thể được cấp Bằng độc quyền sáng chế mật hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật.

3. Đơn đăng ký sáng chế mật, Bằng độc quyền sáng chế mật, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật không được công bố và phải được bảo mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mật, chuyển giao quyền nộp đơn, quyền sở hữu sáng chế mật phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể sử dụng, giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng sáng chế mật nhằm mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định tại các điều 145, 146 và 147 của Luật Sở hữu trí tuệ.

6. Kể cả ngày sáng chế mật được cơ quan có thẩm quyền giải mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế mật được xử lý như sau:

a) Đơn sáng chế mật tiếp tục được xử lý như đơn sáng chế;

b) Bằng độc quyền sáng chế mật, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật được chuyển đổi thành Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế.

Điều 23b. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài.

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được đăng ký sáng chế mật ở những nước có quy định về bảo hộ sáng chế mật và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 23c của Nghị định này.

2. Sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và sáng chế được tạo ra tại Việt Nam không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ nếu đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài trái với quy định về kiểm soát an ninh sau đây:

a) Chỉ được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Không được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài khi sáng chế được xác định là sáng chế mật theo pháp luật về bảo hộ bí mật nhà nước và đã có thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

[...]