Thông tư 04/2009/TT-BNN hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 04/2009/TT-BNN
Ngày ban hành 21/01/2009
Ngày có hiệu lực 07/03/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 04/2009/TT-BNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN, KỸ THUẬT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CÔNG TÁC TRÊN ĐỊA BÀN CẤP XÃ

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Trên cơ sở Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Liên Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Để các tổ chức chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ sở tuyển chọn, hợp đồng hoặc điều động, hướng dẫn hoạt động đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật về công tác trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã như sau:

Phần I

NHỮNG NHIỆM VỤ CHUNG

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã có nhiệm vụ chính sau đây:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, phát triển rừng hàng năm; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

4. Xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng và tổ chức thực hiện phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; Tổ chức thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, đê bao, bờ vùng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành, bảo vệ rừng; Phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng và khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán, bão, lũ, úng, lụt, sạt, lở, cháy rừng; Biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành tại địa phương.

5. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã giám sát việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ, công trình nước sạch nông thôn và mạng lưới thuỷ nông; Việc sử dụng nước trong công trình thuỷ lợi và nước sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thống kê diễn biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất diêm nghiệp, thống kê rừng, kiểm kê rừng, diễn biến tài nguyên rừng, diễn biến số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn cấp xã theo quy định. Tổng hợp tình hình thực hiện tiến độ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

7. Hướng dẫn việc triển khai và phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống nông thôn; Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và phát triển các ngành, nghề mới nhằm giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương.

8. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo quy định.

9. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn; Củng cố các tổ chức dân lập, tự quản của cộng đồng dân cư theo quy định.

10. Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, công tác thuỷ lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp xã theo quy định.

Phần II

CƠ CẤU VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. CƠ CẤU ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP XÃ

1. Cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, bao gồm:

a) Nhân viên bảo vệ thực vật (đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành trồng trọt);

b) Nhân viên thú y (đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản);

c) Nhân viên thuỷ lợi;

d) Nhân viên khuyến nông, khuyến ngư;

đ) Công chức kiểm lâm địa bàn xã làm nhiệm vụ lâm nghiệp ở những xã có rừng.

2. Mạng lưới cộng tác viên

Mạng lưới cộng tác viên làm nhiệm vụ phối hợp thực hiện dịch vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc các tổ chức dân lập tự nguyện, tự quản của cộng đồng, gồm thành viên đại diện của các tổ chức: Hợp tác xã; Đội; Tổ (bảo vệ rừng, tưới, tiêu, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…); Câu lạc bộ; Chi hội; Khuyến nông viên; Cá nhân hành nghề về dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật,… tại thôn, bản, ấp.

[...]