Thông tư 04/2007/TT-BKH hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 04/2007/TT-BKH
Ngày ban hành 30/07/2007
Ngày có hiệu lực 03/09/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

*******

Số: 04/2007/TT-BKH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC

(Ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ)

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là Quy chế) như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. Phạm vi điều chỉnh quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 1 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Yếu tố không hoàn lại: Phương pháp tính yếu tố không hoàn lại được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

2. Các khoản vốn vay của các nhà tài trợ có các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ không bảo đảm được “Yếu tố không hoàn lại” quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 1 của Quy chế sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này nếu:

a) Những khoản vay nằm trong khuôn khổ hỗ trợ phát triển chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ (chương trình quốc gia, hạn mức tín dụng và các khoản tài trợ khác).

b) Việc sử dụng những khoản vay này tuân thủ các yêu cầu về quy trình, thủ tục của nhà tài trợ và của Việt Nam tương tự như đối với các khoản vay ưu đãi quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 1 của Quy chế.

Đối với các trường hợp khác, nếu khoản vay của nhà tài trợ không đáp ứng được các điều kiện nêu tại điểm a, b nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham vấn ý kiến của Tổ chức OECD-DAC để xem xét việc áp dụng Quy chế đối với khoản vay này.

II. Giải thích từ ngữ quy định tại các khoản 4, 6, 9, 10, 11, 15 và 16 Điều 4 của Quy chế này được làm rõ như sau:

1. Chương trình, dự án bao gồm:

a) Chương trình, dự án có một hoặc một số cấu phần thuộc một hoặc nhiều lĩnh vực, song chỉ có một cơ quan chủ quản chương trình, dự án.

b) Chương trình, dự án bao gồm nhiều dự án thành phần với sự tham gia của nhiều cơ quan chủ quản, trong đó có một cơ quan chủ quản giữ vai trò điều phối và các cơ quan chủ quản dự án thành phần. Trong trường hợp này, chương trình, dự án được gọi là chương trình, dự án ô. Cơ quan chủ quản giữ vai trò điều phối được gọi là cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô.

2. Chương trình, dự án khu vực là chương trình, dự án tài trợ cho một nhóm nước thuộc một khu vực địa lý để hợp tác thực hiện các hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu xác định vì lợi ích chung.

3. Một chương trình, dự án có thể bao gồm cả nội dung hỗ trợ kỹ thuật và nội dung đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp nội dung hỗ trợ kỹ thuật chiếm 50% giá trị vốn ODA trở lên, chương trình, dự án đó được coi là chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật. Trường hợp nội dung đầu tư xây dựng chiếm 50% giá trị vốn ODA trở lên, chương trình, dự án đó được coi là chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình.

4. “Tiếp cận theo chương trình hoặc ngành”: Nhà tài trợ dựa vào chương trình hoặc quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt để hỗ trợ nguồn lực bổ sung nhằm bảo đảm cho chương trình được thực hiện một cách đồng bộ, bền vững và hiệu quả.

Trong một số trường hợp, tiếp cận theo chương trình hoặc ngành có thể kèm theo một số điều kiện được thỏa thuận giữa nhà tài trợ với Việt Nam để khuyến khích việc thực hiện một số chính sách phát triển.

Trường hợp các điều kiện chính sách do nhà tài trợ đặt ra vượt thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Tiếp cận theo chương trình hoặc ngành có thể thông qua các hình thức cung cấp viện trợ sau:

a) “Hỗ trợ ngân sách”: Nhà tài trợ bổ sung vốn ODA trực tiếp cho ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương hoặc ngân sách của tỉnh, thành phố, huyện để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong kỳ kế hoạch, tuân thủ Luật Ngân sách và những quy định của Việt Nam về lập kế hoạch ngân sách; thực hiện ngân sách; tổ chức giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện ngân sách.

Hỗ trợ ngân sách bao gồm:

- Hỗ trợ ngân sách chung (General Budget Support - GBS): Một hoặc một nhóm nhà tài trợ cung cấp vốn ODA cho ngân sách nhà nước Trung ương, ngân sách địa phương hoặc ngân sách của một ngành.

- Hỗ trợ ngân sách có mục tiêu (Target Budget Support - TBS): Một hoặc một nhóm nhà tài trợ cung cấp vốn ODA cho ngân sách của một chương trình mục tiêu cụ thể.

b) Rổ tài trợ (Pooling Fund): Một hoặc một nhóm nhà tài trợ nhất trí góp vốn ODA vào một quỹ chung để tài trợ cho việc thực hiện một chương trình hoặc một lĩnh vực cụ thể.

c) Hạn mức tín dụng (Credit Line): Nhà tài trợ cung cấp một hạn mức tín dụng cho một tổ chức tài chính hoặc ngân hàng của Việt Nam để tài trợ cho các hoạt động theo sự thỏa thuận với người vay đại diện cho Chính phủ Việt Nam.

[...]