Thông tư 04/2005/TT-BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập mới, tổ chức lại, đăng ký kinh doanh và giải thể công ty nhà nước do Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành

Số hiệu 04/2005/TT-BKH
Ngày ban hành 17/08/2005
Ngày có hiệu lực 14/09/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:04/2005/TT-BKH 

Hà Nội; ngày 17 tháng 08 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 04/2005/TT-BKH NGÀY 17 THÁNG 8 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP MỚI, TỔ CHỨC LẠI, ĐĂNG KÝ KINH DOANH VÀ GIẢI THỂ CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 180/2004/NĐ-CP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập mới, đăng ký kinh doanh, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước như sau:

I. THÀNH LẬP MỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC

1. Điều kiện xem xét thành lập mới công ty nhà nước

a. Việc thành lập mới công ty nhà nước được xem xét khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định như sau:

- Thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn thành lập mới công ty nhà nước quy định tại Điều 3 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP;

- Có mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP.

- Đề án thành lập mới công ty nhà nước có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Luật Doanh nghiệp nhà nước và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Dự thảo Điều lệ công ty nhà nước phải có các nội dung tối thiểu quy định tại Khoản 5, Điều 7 Luật Doanh nghiệp nhà nước, không trái với các quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định khác của pháp luật.

- Có hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm 5, Mục i Thông tư này.

b. Đối với Tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư và thành lập, ngoài các quy định tại điểm a trên đây, việc thành lập mới phải đáp ứng thêm các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, và 5 Điều 48 Luật doanh nghiệp nhà nước.

c. Đối với Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập, ngoài các quy định tại điểm a trên đây việc thành lập mới phải đáp ứng thêm điều kiện về cơ cấu thành viên quy định tại Điều 19 Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức, quản lý Tổng công ty nhà nước và chuyển đổi Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

2. Đề nghị thành lập mới công ty nhà nước

a. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) là người đề nghị thành lập mới công ty nhà nước.

b. Căn cứ theo các điều kiện quy định tại điểm 1 mục này, người đề nghị thành lập mới công ty nhà nước lập đề án thành lập mới công ty nhà nước, có các nội dung theo quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

c. Khi lựa chọn tên công ty nhà nước, người được giao nhiệm vụ lập đề án phối hợp với Phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cấp tỉnh nơi công ty nhà nước dự định đặt trụ sở chính để đăng ký tên công ty nhà nước. Việc đặt tên công ty nhà nước thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về ĐKKD.

d. Đề án thành lập mới công ty nhà nước được thành lập 10 bộ và gửi tới Thường trực Hội đồng thẩm định đề án thành lập mới công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Hội đồng thẩm định) theo quy định tại khoản 4, Điều 6 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP và điểm 3 mục này.

3. Hội đồng thẩm định đề án thành lập mới công ty nhà nước

a. Người quyết định thành lập mới công ty nhà nước phải lập Hội đồng thẩm định để thẩm định đề án thành lập mới công ty nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định thành lập mới hoặc không thành lập công ty nhà nước. Hội đồng thẩm định có chức năng tư vấn cho người quyết định thành lập mới công ty nhà nước, có quyền yêu cầu người đề nghị thành lập mới công ty nhà nước điều chỉnh, bổ sung hoặc giải trình những vấn đề liên quan đến đề án để đảm bảo việc thẩm định đúng theo quy định.

b. Đối với công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực Hội đồng thẩm định.

- Hội đồng thẩm định gồm đại diện có thẩm quyền của Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý ngành, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty nhà nước dự định đặt trụ sở chính. Tùy từng trường hợp cụ thể, Thường trực Hội đồng thẩm định có thể mời thêm đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác.

c. Đối với công ty nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập:

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định thành lập mới công ty nhà nước lập Hội đồng thẩm định, quyết định số lượng và thành viên của Hội đồng thẩm định, Thường trực của Hội đồng thẩm định.

- Hội đồng thẩm định gồm đại diện có thẩm quyền của các đơn vị trong Bộ; đại diện của Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty nhà nước dự định đặt trụ sở chính. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mở rộng thêm thành viên của Hội đồng là đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác.

d. Đối với công ty nhà nước do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực Hội đồng thẩm định.

[...]