Thông tư 04/2001/TT-TCHQ hướng dẫn thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập - tái xuất do Tổng cụa Hải quan ban hành

Số hiệu 04/2001/TT-TCHQ
Ngày ban hành 21/06/2001
Ngày có hiệu lực 06/07/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Đặng Văn Tạo
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 04/2001/TT-TCHQ NGÀY 21 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU NHẬP KHẨU VÀ TẠM NHẬP - TÁI XUẤT

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK đã được quy định tại Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư 01/1999/TT-TCHQ ngày 10/5/1999 của Tổng cục Hải quan. Do đặc thù của mặt hàng xăng dầu, Tổng cục hải quan hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung sau:

I. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA THÔNG TƯ NÀY LÀ:

Xăng, dầu hoả, dầu diesel (DO), ma dút (FO), nhiên liệu bay (ZA1, TC1), xăng dung môi, condensate, dầu gốc, nhựa đường dạng xá nhập khẩu và tạm nhập tái xuất (dưới đây gọi chung là xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập tái xuất)

II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU NHẬP KHẨU (BAO GỒM CẢ TẠM NHẬP):

1. Hồ sơ nhập khẩu:

1.1. Bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp Hải quan gồm:

- Tờ khai hải quan: 03 bản chính.

- Hợp đồng mua bán ngoại thương: 01 bản sao.

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại (nếu là loại xăng dầu phải có văn bản này): 01 bản sao.

- Nếu doanh nghiệp phân chia khối lượng cho các đơn vị trực thuộc (theo quy định TTLB số 77/TM-TCHQ ngày 13/4/1996 của Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan) thì đơn vị phải nộp thêm văn bản phân chia khối lượng này: 01 bản chính.

- Vận tải đơn: 01 bản copy, 2 bản sao.

- Hoá đơn thương mại: 01 bản chính và 02 bản sao.

- Chứng thư giám định khối lượng: 01 bản chính

- Giấy xác nhận chất lượng (đối với loại xăng dầu thuộc Danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng): 01 bản chính.

Bản sao các giấy tờ nói trên do Giám đốc hoặc người được Giám đốc uỷ quyền ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

1.2. Giấy tờ doanh nghiệp xuất trình Hải quan:

- Hợp đồng mua bán ngoại thương: Bản chính.

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại đối với trường hợp doanh nghiệp không phân chia khối lượng cho các đơn vị trực thuộc: Bản chính (để đối chiếu bản sao).

1.3. Thời hạn doanh nghiệp nộp Hải quan các chứng từ trên:

Các chứng từ nêu trên phải nộp khi đến làm thủ tục đăng ký tờ khai, trừ các trường hợp sau:

- Chứng thư giám định khối lượng: Phải nộp trong thời gian 8 giờ làm việc kể từ khi bơm xong xăng dầu từ phương tiện vận tải lên bồn, bể chứa.

- Giấy xác nhận chất lượng: Phải nộp trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai.

- Hoá đơn thương mại: Phải nộp trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai. Trong thời hạn này nếu doanh nghiệp chưa có bản chính thì được nộp bản fax (của bản chính). Giám đốc (hoặc Phó giám đốc) doanh nghiệp ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của bản fax này. Trường hợp nộp bản fax thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, doanh nghiệp phải nộp hoá đơn thương mại bản chính. Trường hợp có lý do chính đáng thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét quyết định gia hạn.

Trong thời hạn chưa có hoá đơn thương mại (bản chính hoặc bản fax của bản chính) nêu trên thì khi nộp tờ khai hàng nhập khẩu cho cơ quan Hải quan, doanh nghiệp chưa phải khai giá tính thuế và số tiền thuế phải nộp tại phần khai báo trong tờ khai. Khi có hoá đơn thương mại trong thời hạn quy định trên, doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc tự tính thuế trên tờ khai hải quan theo đúng quy định của Pháp luật.

2. Thời điểm đăng ký tờ khai: Là ngày bắt đầu bơm xăng dầu nhập khẩu từ phương tiện vận tải lên bồn, bể chứa.

3. Xác định khối lượng: Căn cứ vào chứng thư giám định khối lượng tại tàu của tổ chức có chức năng giám định xăng dầu.

[...]