Thông tư 04/2000/TT-BNG hướng dẫn cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước theo Nghị định 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 04/2000/TT-BNG
Ngày ban hành 08/11/2000
Ngày có hiệu lực 08/11/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao
Người ký Nguyễn Văn Ngạnh
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NGOẠI GIAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2000/TT-BNG

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NGOẠI GIAO SỐ 04/2000/TT-BNG NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP, GIA HẠN, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ QUẢN LÝ HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO, HỘ CHIẾU CÔNG VỤ Ở TRONG NƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2000/NĐ-CP NGÀY 3/3/2000 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Ngày 3/3/2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định). Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể về việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định liên quan đến đối tượng được cấp, thời hạn giá trị, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trách nhiệm quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (sau đây gọi chung là hộ chiếu) ở trong nước.

Việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Cục lãnh sự và Sở ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ở trong nước (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp hộ chiếu).

3. Mẫu con dấu cơ quan, chữ ký và chức danh của người có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Nghị định cần được giới thiệu bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu trước khi người có thẩm quyền ký văn bản cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (sau đây gọi chung là cán bộ, viên chức) ra nước ngoài. Đối với người được uỷ quyền cử hoặc cho phép cán bộ, viên chức ra nước ngoài, quy định tại khoản 3 Điều 15 của Nghị định, thì văn bản giới thiệu phải do Thủ trưởng cấp Bộ, tỉnh ký và ghi rõ phạm vi uỷ quyền.

4. Công dân Việt Nam, phù hợp với Điều 7, 8 và Điều 10 của Nghị định, có yêu cầu được cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác nộp hồ sơ theo quy định tại Nghị định và Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của cơ quan cấp hộ chiếu, người nộp hồ sơ cần cung cấp thêm thông tin hoặc xuất trình giấy tờ nhằm làm rõ về đối tượng yêu cầu cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu.

5. Phù hợp với tính chất của mỗi chuyến đi ra nước ngoài, công dân Việt Nam chỉ được sử dụng một hộ chiếu trong chuyến đi đó.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP HỘ CHIẾU (ĐIỀU 7, ĐIỀU 8 CỦA NGHỊ ĐỊNH):

1. Người thuộc diện ra nước ngoài để thực hiện "nhiệm vụ chính thức" quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 7 và Điều 8 là người được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân giao thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị đó.

2. Người thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định là cán bộ từ cấp phòng trở lên và kế toán trưởng của các doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 20/4/1995 (phải do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập).

3. Người thuộc diện "đi theo nhiệm kỳ công tác" quy định tại khoản 6 Điều 7 và khoản 9 Điều 8 của Nghị định là vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, được phép xuất cảnh và sống chung với người đó thành một hộ trong nhiệm kỳ công tác tại cơ quan đại diện.

4. Người thuộc diện "đi theo hành trình công tác" quy định tại khoản 9 Điều 8 của Nghị định là vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều 8 của Nghị định, được phép đi cùng với người đó trong chuyến công tác ra nước ngoài.

III. THỜI HẠN GIÁ TRỊ CỦA HỘ CHIẾU (ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH):

1. Hộ chiếu cấp cho người thuộc diện quy định tại khoản 7 Điều 7 và khoản 11 Điều 8 của Nghị định có thời hạn giá trị như sau:

- 01 năm nếu thời gian công tác ở nước ngoài dưới 06 tháng;

- 02 năm nếu thời gian công tác ở nước ngoài từ 06 tháng đến dưới 18 tháng;

- 05 năm nếu thời gian công tác ở nước ngoài từ 18 tháng trở lên.

Hộ chiếu nói trên có thể được gia hạn một lần với thời hạn phù hợp với thời hạn công tác, nhưng không quá 03 năm.

2. Hộ chiếu cấp cho trẻ em dưới 18 tuổi thuộc diện quy định tại khoản 6 Điều 7 và khoản 9 Điều 8 của Nghị định có thời hạn giá trị tính đến ngày trẻ em đó đủ 18 tuổi, nhưng không quá 05 năm.

IV. THỦ TỤC CẤP HỘ CHIẾU (ĐIỀU 10 CỦA NGHỊ ĐỊNH):

Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cần thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định và đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ảnh trong hồ sơ phải là 03 ảnh giống nhau, cỡ 4 x 6 cm, chụp mắt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, chụp chưa quá 01 năm, trong đó 01 ảnh dán vào Tờ khai đóng dấu giáp lai vào 1/4 ảnh, 02 ảnh đính kèm. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, cán bộ, nhân viên các ngành có sắc phục riêng cần nộp ảnh mặc thường phục.

2. Văn bản cử hoặc cho phép đi nước ngoài cần:

- Ghi rõ họ tên, chức danh của người được cử hoặc cho phép đi nước ngoài, nước đến, thời gian ở nước ngoài, mục đích, nguồn kinh phí cho chuyến đi;

[...]