CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
24-CP
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1995
|
NGHỊ
ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 24/CP NGÀY 24 THÁNG 03 NĂM1995 VỀ THỦ
TỤC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 38/CP ngày 4 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải cách một
bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
THỦ TỤC XUẤT NHẬP CẢNH
Điều
1.-
1/ Thủ tướng
Chính phủ xét, quyết định xuất cảnh đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Thủ trưởng cấp Bộ và tỉnh);
2/ Thủ trưởng cấp Bộ và tỉnh
xét, quyết định xuất cảnh đối với:
Công chức, viên chức và những
người thuộc biên chế cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cấp thấp hơn quy định tại
khoản 1 Điều này (bao gồm cả những người được cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước được
cử sang làm việc tại các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, xí
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức của nước ngoài tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám
đốc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (bao gồm cả công ty cổ phần, công ty
trách nhiệm hữu hạn có các doanh nghiệp nhà nước góp vốn) do Thủ trưởng cấp Bộ
và tỉnh quyết định hoặc cho phép thành lập.
Thủ trưởng cấp Bộ và tỉnh có thể
phân cấp cho Thủ trưởng các cơ quan sự nghiệp (Tổng cục hoặc Cục quản lý chuyên
ngành thuộc Bộ, Viện nghiên cứu khoa học, Học viện hoặc Trường Đại học có quy
mô quốc gia...), Giám đốc các Sở trực thuộc tỉnh, Tổng giám đốc các doanh nghiệp
Nhà nước có quy mô quốc gia và thường xuyên có các quan hệ quốc tế, được quyền
quyết định và chịu trách nhiệm đối với công chức, viên chức, nhân viên thuộc
quyền quản lý của họ (cả về nhân sự và chuyên môn, nghiệp vụ) đi nước ngoài để
thực hiện các thoả thuận hoặc hợp đồng ký kết với nước ngoài về hợp tác kinh tế,
thương mại, khoa học, công nghệ, đào tạo, lao động, chuyên gia v.v... mà Bộ và
tỉnh đã cho phép ký hoặc đã phê duyệt việc ký kết đó.
Việc phân cấp nói trên, Thủ trưởng
cấp Bộ và tỉnh phải có văn bản giới thiệu chữ ký, con dấu và quy định rõ phạm
vi quyền hạn, trách nhiệm của người được uỷ quyền với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ;
3/ Thẩm quyền
xét, quyết định xuất cảnh đối với công chức, viên chức, nhân viên thuộc phạm vi
quản lý của các cơ quan Đảng, Đoàn thể nhân dân cấp Trung ương (Mặt trận tổ quốc,
Tổng liên đoàn lao động, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội cựu
chiên binh, Hội nông dân) thực hiện theo quy định của Ban bí thư Trung ương Đảng;
4/ Bộ trưởng Bộ
Nội vụ xét, quyết định xuất cảnh đối với công dân Việt Nam không thuộc diện quy
định tại các khoản 1, 2, 3 nói trên như:
Công dân xin đi học, chữa bệnh,
du lịch, lao động, thăm thân nhân ở nước ngoài (trừ những trường hợp vợ/chồng,
con dưới 16 tuổi xin đi thăm thân nhân là công chức, viên chức, nhân viên cơ
quan đại diện nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài) hoặc xin đi
nước ngoài vì các mục đích cá nhân khác;
Hội viên của
các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp (ngoài các đoàn thể nhân dân cấp Trung ương)
được tổ chức mình cử đi công tác nước ngoài;
Thành viên của các tổ chức kinh
tế ngoài quốc doanh: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã,
tập đoàn sản xuất, doanh nghiệp tư nhân... được tổ chức cử đi công tác nước
ngoài;
Công dân Việt Nam làm việc trong
các xí nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài,
chi nhánh công ty nước ngoài và văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài
và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam... xin đi nước ngoài vì mục đích cá nhân hoặc
do các tổ chức này cử đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 2.-
Thủ tục xuất cảnh đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1
như sau:
1/ Xuất cảnh lần
đầu:
a) Cơ quan có thẩm quyền cần gửi
Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ văn bản và danh sách nhân sự đã quyết định cho xuất
cảnh;
b) Đương sự làm đơn khai xin cấp
hộ chiếu và thị thực (theo mẫu do Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ quy định), có dán ảnh,
có chữ ký và đóng dấu xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý
mình. Nếu Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền trực tiếp ký xác nhận vào đơn khai của
đương sự thì không cần văn bản nêu tại điểm a khoản này.
Người có thẩm quyền quyết định
xuất cảnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhân sự và việc tham khảo ý kiến
các cơ quan hữu quan đối với các trường hợp phức tạp (theo quy định tại Điều 3
Quy chế quản lý đoàn ra, đoàn vào kèm theo Nghị định số 12-CP ngày 01 thàng 12
năm 1992 của Chính phủ);
2/ Xuất cảnh từ
lần thứ hai trở đi: nếu thời gian cách lần xuất cảnh trước chưa quá 12 tháng
thì chỉ cần văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định cho xuất cảnh kèm theo
hộ chiếu của đương sự còn thời hạn giá trị. Đương sự vẫn phải làm đơn khai xin
cấp thị thực nhưng không cần chữ ký xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị như
lần đầu;
3/ Bộ Nội vụ
không xét duyệt nhân sự đối với công chức, viên chức, nhân viên và những người
thuộc biên chế các cơ quan tổ chức và doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm cả những
người làm công theo chế độ hợp đồng dài hạn) được cử đi nước ngoài. Nếu phát hiện
nhân sự thuộc đối tượng không được xuất cảnh hoặc chưa được phép xuất cảnh vì
lý do an ninh quốc gia hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đang bị khởi
tố, đang thi hành án... theo quy định của pháp luật) thì Bộ Nội vụ có quyền
đình chỉ xuất cảnh và kịp thời thông báo cho các cơ quan hữu quan biết;
4/ Cấp hộ chiếu và thị thực xuất
cảnh:
a) Bộ Ngoại
giao chịu trách nhiệm cấp hộ chiếu, thị thực cho các đối tượng thuộc diện quy định
tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định số 48/CP ngày 8 tháng 7 năm 1993 của Chính phủ.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm cấp hộ
chiếu, thị thực cho những đối tượng thuộc diện quy định tại khoản 1 và 2 Điều 7
của Nghị định số 48/CP ngày 8 tháng 7 năm 1993 của Chính phủ.
b) Trong 5 ngày, kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ phải hoàn thành việc cấp hộ chiếu và
thị thực cho đương sự.
Thị thực xuất cảnh có thể cấp
cho qua lại một hoặc nhiều lần tại một hoặc nhiều cửa khẩu quốc tế của Việt Nam
tuỳ theo yêu cầu công tác và đề nghị của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết
định cho xuất cảnh.
Điều 3.-
Đối với công dân Việt Nam thuộc diện quy định tại khoản 4 Điều 1, thủ tục giải
quyết xuất cảnh như sau:
1/ Hồ sơ xin cấp hộ chiếu và thị
thực:
a) 01 đơn khai (theo mẫu do Bộ Nội
vụ quy định) có ảnh và xác nhận đồng ý của:
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và
doanh nghiệp Nhà nước đối với nhân sự thuộc biên chế Nhà nước (kể cả những người
thuộc diện biên chế Nhà nước được cử sang làm việc trong các tổ chức xã hội, tổ
chức kinh tế ngoài quốc doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của tổ chức
nước ngoài tại Việt Nam);
Công an phường, xã (nơi cư trú)
đối với nhân sự ngoài biên chế Nhà nước xin xuất cảnh vì mục đích của các tổ chức
xã hội, tổ chức kinh tế quốc doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức
nước ngoài tại Việt Nam và vì mục đích cá nhân khác.
Người ký xác nhận vào đơn của
đương sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhân sự do mình chứng thực
(hiện tại không có vướng mắc về an ninh, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự);
b) Giấy mời hoặc giấy bảo lãnh của
tổ chức hoặc thân nhân ở nước ngoài (không bắt buộc nộp bản chính và không cần
xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào giấy mời).
2/ Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm:
a) Xem xét, không cho phép xuất
cảnh những trường hợp thuộc diện không được xuất cảnh hoặc chưa được xuất cảnh vì
lý do an ninh quốc gia hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đang bị khởi
tố, hoặc đang thi hành án...) theo quy định của pháp luật;
b) Cấp hộ chiếu và thị thực cho
các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 48/CP ngày 8 tháng 7
năm 1993 của Chính phủ;
c) Thời hạn
hoàn thành việc cấp hộ chiếu và thị thực:
07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ hợp lệ đối với các trường hợp xuất cảnh để thăm dò, khảo sát thị trường và
thực hiện các hợp đồng kinh tế, thương mại, dịch vụ, đào tạo, lao động, chuyên
gia...;
10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ hợp lệ đối với các trường hợp xuất cảnh vì mục đích cá nhân khác.
Chương 2:
THỦ TỤC NHẬP CẢNH
Điều 4.-
1/ Thủ tướng
Chính phủ xét, quyết định nhập cảnh đối với các đoàn khách của Nhà nước (cả
thành viên và tuỳ tùng); khách là đại diện của Chính phủ nước ngoài, của Tổ chức
Liên hợp quốc có chức vụ từ cấp Bộ trưởng, Tỉnh trưởng hoặc cấp tương đương trở
lên vào làm việc, thăm viếng, hội họp, tham quan khảo sát, trao đổi kinh nghiệm,
chữa bệnh...theo lời mời của các cấp tương đương của Việt Nam;
2/ Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực
cho các đối tượng sau đây sau khi đã thông báo các yếu tố về nhân sự với Bộ Nội
vụ:
Viên chức, nhân viên các cơ quan
đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài và cơ quan đại diện các tổ
chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ (bao gồm cả những người trong gia đình và
người phục vụ riêng cùng đi, cùng sống với họ);
Những người nước ngoài do Chính
phủ nước họ hoặc tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ cử hoặc giới thiệu
(qua đường ngoại giao) vào làm việc với cơ quan đại diện hoặc vào thăm thân
nhân là viên chức, nhân viên cơ quan đại diện của họ tại Việt Nam;
Những trường hợp khẩn cấp do yêu
cầu đối ngoại và nhân đạo;
3/ Việc mời
khách nước ngoài vào làm việc với các cơ quan của Đảng, đoàn thể nhân dân cấp
Trung ương thực hiện theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng;
4/ Thủ tục giải quyết nhập cảnh
đối với khách thuộc diện quy định tại Điều này như sau:
a) Khi có quyết định của cấp có
thẩm quyền nói tại các khoản 1, 2, 3 trên đây, cơ quan hoặc tổ chức được giao
nhiệm vụ đón và bố trí chương trình hoạt động của khách có trách nhiệm thông
báo danh sách nhân sự cho Bộ Nội vụ để theo dõi;
b) Cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài chịu trách nhiệm làm các thủ tục đối ngoại và cấp thị thực (nếu cần)
khi nhận điện báo của Bộ Ngoại giao;
c) Bộ Nội vụ không làm thủ tục cấp
phép nhập cảnh đối với những khách quy định tại Điều này, nếu phát hiện nhân sự
thuộc đối tượng không được nhập cảnh Việt Nam thì Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Ngoại
giao từ chối việc nhập cảnh.
Điều 5.-
Đối với khách nhập cảnh thuộc đối tượng miễn thị thực theo Hiệp định ký kết giữa
Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, thủ tục giải quyết như sau:
Cơ quan, tổ chức đón tiếp khách
có trách nhiệm thông báo cho Bộ Nội vụ ít nhất là 5 ngày trước ngày khách nhập
cảnh về các yếu tố nhân sự cần thiết, về mục đích, chương trình hoạt động và thời
gian tạm trú của họ tại Việt Nam;
Nếu phát hiện nhân sự thuộc đối
tượng không được nhập cảnh Việt Nam thì Bộ Nội vụ không cho nhập cảnh hoặc buộc
phải xuất cảnh theo quy định của pháp luật;
Trạm Công an cửa khẩu quốc tế có
trách nhiệm cấp chứng nhận tạm trú có thời hạn theo đề nghị của cơ quan, tổ chức
đón tiếp phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước.
Điều 6.-
Đối với khách thuộc diện phải xét cấp thị thực theo thời hạn quy định trong Hiệp
định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, thủ tục giải quyết
như sau:
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài khi nhận hồ sơ xin thị thực của khách, có trách nhiệm điện báo kịp thời
các chi tiết cần thiết về Bộ Nội vụ và cơ quan, tổ chức ở trong nước mà khách
có yêu cầu làm việc, và được thu tiền cước phí điện báo (2 chiều) của khách
theo thời giá của nước sở tại;
Sau thời hạn quy định trong Hiệp
định (thời hạn bắt đầu tính từ ngày nhận hồ sơ và điện báo về nước), nếu cơ
quan đại diện không nhận được điện trả lời của trong nước thì:
+ Cơ quan đại diện từ chối cấp
thị thực đối với khách không có cơ quan, tổ chức ở Việt Nam nhận đón tiếp;
+ Cơ quan đại được quyền cấp thị
thực đối với khách có giấy tờ chứng minh đã có cơ quan, tổ chức ở Việt Nam mời
hoặc nhận đón tiếp, đồng thời điện báo (họ tên, số hộ chiếu của khách, số và
ngày cấp thị thực, thời gian nhập cảnh) về Bộ Nội vụ và cơ quan đón tiếp để
theo dõi quản lý;
Nếu phát hiện nhân sự thuộc đối
tượng không được nhập cảnh Việt Nam thì Bộ Bội vụ không cho nhập cảnh hoặc buộc
phải xuất cảnh.
Điều 7.-
Đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi chung là
khách) không thuộc diện quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Nghị định
này, nếu nhập cảnh Việt Nam đều phải qua khâu xem xét nhân sự và cấp phép nhập
cảnh của Bộ Nội vụ trước khi cấp thị thực. Thủ tục giải quyết cụ thể như sau:
1/ Khách do các cơ quan, đoàn thể,
tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam (sau đây gọi
tắt là cơ quan, tổ chức) mời vào làm việc với cơ quan, tổ chức đó thì:
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mời
và đón tiếp khách có văn bản kèm theo danh sách và các yếu tố nhân sự cần thiết
đề nghị Bộ Nội vụ xem xét nhân sự và cấp phép nhập cảnh;
Bộ Nội vụ có trách nhiệm xem
xét, trả lời kết quả (cấp hay không) trong 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp
lệ;
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài cấp thị thực cho khách theo nội dung điện báo của Bộ Nội vụ;
2/ Đối với khách do xí nghiệp
liên doanh với nước ngoài, xí nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh công
ty nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam mời
vào để thực hiện các mục tiêu sản xuất, kinh doanh của họ phù hợp giấy phép
thành lập xí nghiệp hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam, và khách do thân nhân
của họ là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam mời về thăm quê hương, thủ
tục giải quyết như sau:
a) Trường hợp xin nhập cảnh bình
thường:
Người đứng đầu xí nghiệp, chi
nhánh, văn phòng đại diện... hoặc công dân có văn bản hoặc đơn đề nghị Bộ Nội vụ
cấp phép nhập cảnh kèm theo danh sách nhân sự (theo mẫu do Bộ Nội vụ quy định);
K Bộ Nội vụ có trách nhiệm xem
xét, trả lời (cấp hay không) trong 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
Cơ quan đại diện của Việt Nam ở
nước ngoài cấp thị thực cho khách khi nhận được điện báo của Bộ Nội vụ;
b) Trường hợp xin nhập cảnh để
thực hiện dự án đầu tư đã được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư cấp giấy
phép, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được quyền cấp thị thực trong 05
ngày, kể từ ngày khách nộp đủ hồ sơ hợp lệ (thực hiện theo quy định tại Điều 95
Nghị định số 18/CP ngày 16/4/1993 của Chính phủ). Sau khi cấp thị thực, cơ quan
đại diện phải điện báo (họ tên, số hộ chiếu, số và ngày thị thực, mục đích và
thời gian nhập cảnh) về Bộ Nội vụ và cơ quan đón tiếp để theo dõi, quản lý;
3/ Trường hợp chưa có cơ quan, tổ
chức, cá nhân ở Việt Nam mời đón tiếp nhưng khách đã chủ động tới cơ quan đại diện
của Việt Nam ở nước ngoài xin thị thực vào Việt Nam để thăm dò khả năng buôn
bán, đầu tư, tham quan, du lịch..., thủ tục giải quyết như sau:
a) Cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài có trách nhiệm điện báo kịp thời về nước cho một trong các tổ chức
kinh doanh, dịch vụ quy định dưới đây và được thu cước phí điện báo (hai chiều)
theo thời giá của nước sở tại:
Công ty Dịch vụ và Thương mại
(TSC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
Các công ty dịch vụ tư vấn đầu
tư do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư giới thiệu hoặc chỉ định (mỗi miền Bắc,
Trung, Nam chỉ định một công ty);
Các Công ty Du lịch quốc tế của
Việt Nam do Tổng cục Du lịch chỉ định (mỗi miền một công ty);
b) Khi nhận được điện báo của cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức kinh doanh dịch vụ nói trên có
trách nhiệm làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh tại Bộ Nội vụ và thu phí dịch vụ
(ngoài lệ phí visa) theo biểu phí do liên Bộ Tài chính - Ngoại giao - Nội vụ
quy định;
c) Bộ Nội vụ có trách nhiệm trả
lời việc xét cấp phép nhập cảnh trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và điện báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước
ngoài cấp thị thực theo yêu cầu của các tổ chức dịch vụ;
d) Cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài cấp thị thực cho khách theo nội dung điện báo của Bộ Nội vụ.
Điều 8.-
Đối với khách do các cơ quan của Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh trở lên và của các
đoàn thể nhân dân cấp Trung ương mời vào làm việc từ lần thứ hai trở đi mà thời
gian cách lần nhập cảnh trước không quá 12 tháng, thì cơ quan đại diện Việt Nam
ở nước ngoài cấp thị thực cho khách theo điện mời hoặc giấy mời của các cơ quan
ở trong nước (do khách xuất trình), sau đó điện báo (họ tên, số hộ chiếu, số và
ngày thị thực, thời gian nhập cảnh) về Bộ Nội vụ và các cơ quan đón tiếp để
theo dõi, quản lý.
Điều 9.-
1/ Thị thực nhập
cảnh Việt Nam phải ghi trực tiếp vào hộ chiếu của khách, không cấp thị thực tờ
rời, trừ một số trường hợp đặc biệt do Ban Bí thư Trung ương Đảng hoặc Thủ tướng
Chính phủ quyết định;
2/ Lệ phí thị thực (visa) phải
thu theo đúng biểu phí do liên Bộ Tài chính - Ngoại giao - Nội vụ quy định và
thông báo công khai; không một cơ quan, tổ chức và cá nhân nào được thu ngoài
quy định đó. Phí dịch vụ và cước phí điện báo quy định tại Điều 6, Điều 7 của
Nghị định này phải thu riêng, không được thu gộp với lệ phí visa.
Chương 3:
ĐIỀU KHỎAN THI HÀNH
Điều 10.-
1/ Quản
lý xuất nhập cảnh phải theo một đầu mối thống nhất. Các Bộ Ngoại giao, Nội vụ
và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải phối hợp chặt chẽ và thông
tin thông suốt. Bộ Tài chính tạo nguồn kinh phí cho Bộ Ngoại giao, Nội vụ hiện
đại hoá mạng lưới thông tin phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh, bảo đảm an
toàn và nhanh chóng từ trong nước tới ngoài nước, từ cơ quan quản lý xuất nhập
cảnh Trung ương tới các địa phương và các cửa khẩu quốc tế;
2/ Bộ Nội vụ nhanh chóng củng cố,
sắp xếp lại bộ máy quản lý, kiểm soát và làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các cửa
khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không) thành một đầu mối
thống nhất. Việc sắp xếp này phải hoàn thành trong 90 ngày kể từ ngày Nghị định
này có hiệu lực thi hành.
Điều 11.-
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 1995; thay thế các
Quyết định số 193/CT ngày 10/5/1987 và số 48/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
(nay là Thủ tướng Chính phủ); những quy định tại các Nghị định số 12/CP ngày
01/12/1992, số 04/CP ngày 18/01/1993 và số 48/CP ngày 08/07/1993 của Chính phủ
và những quy định trước đây của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Nghị
định này đều bãi bỏ.
Điều 12.-
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chức
năng, nhiệm vụ được giao chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu
lực phải có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định của Nghị định
này.
Điều 13.-
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành.