Thông tư 03TM/XNK-1996 hướng dẫn Quyết định 864/TTg năm 1995 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996 do Bộ thương mại ban hành

Số hiệu 03TM/XNK
Ngày ban hành 25/01/1996
Ngày có hiệu lực 25/01/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Tạ Cả
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03TM/XNK

Hà Nội, ngày 25 tháng 1 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 03TM/XNK NGÀY 25 THÁNG 01 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 864/TTg NGÀY 30-12-1995 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH MẶT HÀNG VÀ ĐIỀU HÀNH CÔNG TÁC XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 1996.

Ngày 30-12-1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 864/TTg về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996.
Căn cứ Nghị định số 89/CP ngày 15-12-1995 của Chính phủ và các văn bản pháp quy khác;
Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 864/TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. QUẢN LÝ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU:

Việc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá năm 1996 thực hiện theo quy định được ghi từ Điều 1 đến Điều 10 của Quyết định 864/TTg. Trong đó một số điểm được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Về xuất khẩu gạo: Sau khi bàn thống nhất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Thương mại chỉ định danh sách các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp xuất khẩu gạo năm 1996 theo Phụ lục 1 Thông tư này.

Tổng công ty lương thực miền Bắc tham gia xuất khẩu gạo trả nợ theo cơ chế hiện hành và xuất khẩu gạo bằng phương thức mậu dịch theo kế hoạch được giao.

Công ty nhập khẩu tỉnh Thái Bình được tham gia xuất khẩu gạo trả nợ theo cơ chế hiện hành và xuất khẩu gạo miền Bắc bằng phương thức mậu dịch.

Đối với 2 trường hợp trên Bộ Thương mại có hướng dẫn riêng.

2. Về nhập khẩu hàng tiêu dùng: Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng nói trong Điều 4 Quyết định 864/TTg, được hướng dẫn cụ thể trong Phụ lục 2 của Thông tư này.

3. Việc nhập khẩu ô tô, xe 2 bánh gắn máy và linh kiện xe các loại:

3.1. Ô tô: 20.000 chiếc bao gồm cả linh kiện để lắp ráp; trong đó:

a) Ô tô dưới 12 chỗ ngồi 5.000 chiếc (trong số này có 3.500 bộ linh kiện các loại để lắp ráp và 1.500 xe nguyên chiếc mới hoặc đã qua sử dụng).

b) Các loại ô tô khác: 15.000 chiếc (trong số này có 5.000 bộ linh kiện xe các loại để lắp ráp và 10.000 xe nguyên chiếc).

c) Điều hành nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện để lắp ráp như sau:

c.1) Đối với ô tô nguyên chiếc (mới hoặc đã qua sử dụng):

+ Loại dưới 12 chỗ ngồi: Doanh nghiệp được nhập khẩu theo quy định như đối với hàng tiêu dùng có ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu được những mặt hàng cần khuyến khích. Việc nhập khẩu vẫn được thực hiện qua uỷ thác cho các doanh nghiệp đã được chỉ định.

+ Các loại ô tô khác: Doanh nghiệp được giao kế hoạch nhập khẩu nếu trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu có ghi ngành hàng "phương tiện vận tải".

c.2) Đối với linh kiện để lắp ráp ô tô: chỉ giao kế hoạch nhập khẩu cho các doanh nghiệp hiện cơ sở lắp ráp. Số lượng giao được xem xét trên cơ sở công suất dây chuyền.

Đối với các Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì:

c 2.1) Để xuất khẩu thì không hạn chế số lượng nhập.

c 2.2) Nếu lắp ráp tiêu dùng trong nước thì theo số lượng Chính phủ đã quy định chung.

c 2.3) Nếu số xin vượt số Chính phủ công bố sẽ do Chính phủ xem xét từng trường hợp cụ thể.

3.2. Xe hai bánh gắn máy: 350.000 chiếc, trong đó:

+ Xe nguyên chiếc: 150.000 chiếc (mới hoặc đã qua sử dụng)

+ Linh kiện các loại để lắp ráp: 200.000 bộ.

Điều hành nhập khẩu xe hai bánh gắn máy và linh kiện để lắp ráp như sau:

a) Đối với xe nguyên chiếc (mới hoặc đã qua sử dụng): doanh nghiệp được nhập khẩu theo quy định đối với hàng tiêu dùng có ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu được những mặt hàng cần khuyến khích. Việc nhập khẩu vẫn thực hiện qua uỷ thác cho các doanh nghiệp đã được chỉ định.

[...]