Thông tư 02/TTLB năm 1993 quy định việc giáo dục truyền thông trong phòng chống nhiễm HIV/SIDA do Bộ văn hoá thông tin- Bộ giáo dục đào tạo- Bộ y tế ban hành

Số hiệu 02/TTLB
Ngày ban hành 17/03/1993
Ngày có hiệu lực 17/03/1993
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Văn hoá-Thông tin,Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trọng Nhân,Trần Hoàn,Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/TTLB

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ Y TẾ SỐ 02/TTLB NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 1993 QUI ĐỊNH VIỆC GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG TRONG PHÒNG CHỐNG NHIỄM HIV/SIDA

Để thực hiện Nghị định số 16/CP ngày 18/2/1992 của Chính phủ qui định một số vấn đề về phòng chống nhiễm HIV và SIDA, sau khi thảo luận và có sự nhất trí của Tổng cục Du lịch và Tổng Cục Thể thao, liên Bộ Y tế - Văn hoá thông tin - Giáo dục và Đào tạo quy định việc giáo dục truyền thống cho mọi đối tượng để nâng cao nhận thức và kỹ năng cần thiết cho nhân dân có khả năng tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng phòng chống SIDA như sau:

1. Ủy ban phòng chống SIDA của Việt Nam có trách nhiệm

1.1 Điều phối các hoạt động, cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện và tuỳ theo khả năng ngân sách, hỗ trợ một phần kinh phí cho các Bộ, ngành, Tổ chức xã hội là thành viên và uỷ ban phòng chống SIDA các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.2 Phối hợp với các cơ quan hữu quan lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động thông tin giáo dục và truyền thông về phòng chống nhiễm HIV/SIDA trong cả nước.

2. Bộ y tế có trách nhiệm.

2.1 Tổ chức giáo dục về phòng chống SIDA và các bệnh lây truyền qua đường sinh dục (viết tắt là SIDA/STDs) trong toàn ngành.

2.2 Đưa chương trình giảng dạy SIDA/STD vào chương trình chính khóa của các trường Đại học, Trung học y và dược.

2.3 Tổ chức giáo dục về SIDA/STD vào tất cả các chương trình tập huấn nâng cao trình độ trong ngành, giúp các cán bộ y tế nắm được những thông tin cơ bản về nhiểm HIV/SIDA/STD và thực hiện các hoạt động phòng chống lan truyền HIV/SIDA trong các đơn vị y tế (Theo thường quy của Bộ Y tế).

2.4 Dành một khoản ngân sách thích hợp hỗ trợ cho các hoạt động kể trên.

2.5 Phối hợp với các tổ chức xã hội như Đoàn TNCS và Hội LHPN. Các Bộ, ngành thành viên của ủy ban Quốc gia có trách nhiệm tổ chức giáo dục về phòng chống nhiễm HIV/SIDA cho các thành viên tổ chức giáo dục đặc biệt cho nhóm thanh niên và các đối tượng có nguy cơ cao như mãi dâm, người nghiện chích ma tuý; có biện pháp giáo dục những người ăn chơi sa đoạ...

3. Bộ lao động - thương binh và xã hội phối hợp với ủy ban quốc gia phòng chống SIDA và Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động ngăn chặn và không chế nạn mãi dâm, nghiện chích ma tuý, tổ chức giáo dục sức khỏe về SIDA/STD trong các trại phục hồi nhân phẩm và cai nghiện ma túy.

4. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với ủy ban quốc gia phòng chống SIDA tổ chức giáo dục cho toàn thể đoàn viên công đoàn, Quản lý sức khỏe và giáo dục sức khỏe về phòng chống SIDA/STD cho cán bộ, nhân viên hệ thống nhà nghỉ và du lịch của Công đoàn. Ban giám đốc các nhà nghỉ và du lịch chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động chống mãi dâm, nghiện chích ma tuý và chịu kỷ luật của ngành nếu để xảy ra các hoạt động mại dâm, tiêm chích ma tuý tại các cơ sở do mình phụ trách.

5. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm huy động hệ thống thông tin đại chúng tham gia các hoạt động giáo dục truyền thông về SIDA. Các Đài phát thanh và truyền hình, báo chí Trung ương và địa phương, các trung tâm văn hoá - triển lãm - thông tin, các đơn vị nghệ thuật, các đội văn hoá thông tin lưu động và các hình thức văn hóa thông tin khác có trách nhiệm giáo dục truyền thông về SIDA theo nội dung của ủy ban phòng chống SIDA các cấp.

5.1. Tổ chức giáo dục về phòng chống nhiễm HIV/SIDA cho cán bộ nhân viên trong toàn ngành.

5.2. Các Đài phát thanh và truyền hình và các báo, tạp chí có nhiệm vụ phối hợp với ủy ban phòng chống SIDA, thường xuyên đưa những thông tin về SIDA và hàng tháng có chuyên mục giáo dục phòng chống SIDA.

5.3. Khuyến khích các đơn vị văn hóa nghệ thuật sáng tác, biểu diễn về các nội dung giáo dục lối sống lành mạnh, tình yêu chung thuỷ, chống nạn mãi dâm và nghiện chích ma tuý, phòng chống SIDA.

5.4. Các Sở Văn hóa thông tin kết hợp với Sở Y tế quản lý sức khỏe và giáo dục sức khỏe cho người làm việc tại các vũ trường do Sở Văn hóa quản lý.

6. Bộ giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức giáo dục về phòng chống SIDA cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong ngành.

6.1 Đưa chương trình giảng dạy về phòng chống SIDA/STD vào chương trình chính khóa ở các cấp, các ngành học với nội dung phù hợp với trình độ, lứa tuổi và phong tục tập quán Việt Nam.

6.2. Các giáo viên giảng dạy về SIDA/STD cần được đào tạo và tập huấn theo qui định của Bộ Giáo dục.

6.3 Tổ chức giáo dục ngoại khóa bắt buộc cho học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề với các nội dung:

- Giáo dục phòng chống SIDA/STD.

- Giáo dục tình dục.

- Giáo dục phòng chống ma túy.

- Giáo dục về tình yêu chung thủy lành mạnh.

- Giáo dục chống phân biệt đối xử, tôn trọng quyền lợi của các cán bộ, giáo viên và học sinh bị nhiễm HIV/SIDA.

[...]