Thông tư 02/PL-DSKT-1995 hướng dẫn thi hành Nghị định 116/CP-1994 về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 02/PL-DSKT
Ngày ban hành 03/01/1995
Ngày có hiệu lực 18/01/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Trịnh Hồng Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/PL-DSKT

Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 02/PL-DSKT NGÀY 3 THÁNG 1 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 116-CP NGÀY 5-9-1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ

Ngày 5-9-1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116-CP về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế.

Để thực hiện đúng các quy định của Nghị định trên, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

I. VỀ THẨM QUYỀN CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ

1. Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định, Trọng tài kinh tế có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau đây, không phụ thuộc vào quốc tịch của các bên tranh chấp:

a. Tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân và giữa pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân với cá nhân kinh doanh;

b. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty như tranh chấp đòi rút vốn ra khỏi công ty, phân chia lỗ, lãi, nhập, tách, giải thể công ty, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của thành viên công ty;

c. Tranh chấp liên quan đến mua bán cổ phiếu, trái phiếu.

2. Trung tâm trọng tài tự xác định lĩnh vực hoạt động của mình tuỳ thuộc vào khả năng chuyên môn của các Trọng tài viên. Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm. Trong quá trình hoạt động Trung tâm trọng tài có thể mở rộng hoặc thu hẹp lĩnh vực hoạt động, nhưng phải được sự đồng ý của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phải được bổ sung vào Điều lệ của Trung tâm.

II. VỀ TIÊU CHUẨN TRỌNG TÀI VIÊN

Điều kiện công nhận Trọng tài viên đã được quy định tại Điều 8 của Nghị định. Một số tiêu chuẩn được quy định cụ thể như sau:

1. Người được coi là có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và kinh tế nói tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Nghị định là người có trình độ đại học luật hoặc tương đương đại học luật và có ít nhất 8 năm liên tục làm công tác pháp luật và kinh tế.

2. Người mất trí nói tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định là người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình theo xác nhận của cơ quan y tế từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

III. VỀ XÉT CẤP, ĐỔI VÀ THU HỒI THẺ TRỌNG TÀI VIÊN

1. Thành lập Hội đồng xét chọn Trọng tài viên

a. Hội đồng xét chọn Trọng tài viên (sau đây gọi tắt là Hội đồng xét chọn) nói tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định gồm 5 thành viên, gồm các cán bộ trong và ngoài ngành Tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập theo từng đợt xét chọn, có chức năng tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xét chọn Trọng tài viên.

b. Hội đồng xét chọn có quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:

b.1. Xem xét hồ sơ của những người có đơn đề nghị công nhận Trọng tài viên;

b.2. Tổ chức việc kiểm tra chuyên môn người có được đề nghị công nhận Trọng tài viên;

b.3. Lập báo cáo về kết quả xét chọn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, công nhận Trọng tài viên.

c. Giúp việc cho Hội đồng xét chọn có Tổ chuyên viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định. Tổ chuyên viên có quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:

c.1. Tiếp nhận, tập hợp hồ sơ và lập danh sách những người có đơn đề nghị công nhận Trọng tài viên do Sở Tư pháp gửi đến;

c.2. Chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến hoạt động xét chọn Trọng tài viên.

c.3. Thông báo thời gian, địa điểm kiểm tra chuyên môn cho người có đơn đề nghị công nhận Trọng tài viên;

c.4. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho việc kiểm tra chuyên môn và hoạt động xét chọn của Hội đồng;

c.5. Thực hiện các công việc cần thiết để Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp Thẻ Trọng tài viên;

c.6. Lưu giữ, bảo quản các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xét chọn Trọng tài viên và hồ sơ Trọng tài viên.

[...]