Thông tư 02-LĐ/TT năm 1962 hướng dẫn xúc tiến công tác tuyển dụng công nhân, viên chức ở các xí nghiệp theo Chỉ thị 2477/NC và Chỉ thị 161/CP do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 02-LĐ/TT
Ngày ban hành 12/02/1962
Ngày có hiệu lực 27/02/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 1962

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 2-LĐ/TT NGÀY 12 THÁNG 2 NĂM 1962 HƯỚNG DẪN XÚC TIẾN CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC Ở CÁC XÍ NGHIỆP THEO CHỈ THỊ SỐ 2477/NC NGÀY 20-6-1959 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ CHỈ THỊ SỐ 161/CHÍNH PHỦ NGÀY 12-10-1961 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
(Thông tư này bổ sung Thông tư 13-LĐ/TT ngày 8-7-1959 của Bộ Lao động)

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi :

Các bộ,các ngành ở Trung ương
Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
Tổng Công đoàn Việt Nam
Các Sở, ty, Phòng Lao động

Để thoả mãn yêu cầu về nhân công phục vụ sản xuất và kiến thiết, từ hoà bình lập lại đến nay các ngành, các xí nghiệp đã tuyển dụng nhiều công nhân, viên chức vào làm thường xuyên liên tục trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, cải thiện đời sống vật chất và vănhoá cho quần chúng, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức ngày một lớn mạnh. Bên cạnh những thành tích trên, nói chung chúng ta chưa chấp hành đúng tinh thần Chỉ thị số 2477/NC ngày 20-6-1959 của Thủ tướng Chính phủ. Qua hơn 2 năm thi hành chủ trương tuyển dụng công nhân, viên chức đến nay số công nhân, viên chức làm thường xuyên liên tục trong các xí nghiệp chưa được tuyển chính thức còn nhiều (chiếm 46,92% tổng số).Trong đó số công nhân, viên chức làm thường xuyên đã hình thành hai lực lượng gọi là "trong biên chế" và "ngoài biên chế" và gọi không thống nhất như phụ động, tạm tuyển, cố định, thường trực, hợp đồng thường xuyên v.v.. Tình hình này đã dẫn đến tình trạng phân biệt đãi ngộ không hợp lý, hạn chế việc thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, gây thắc mắc trong quần chúng, làm cho nội bộ công nhân, viên chức kém đoàn kết, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất.

Để khắc phục những thiếu sót trên, Chỉ thị số 161-CP ngày 12-10-1961, Hội đồng Chính phủ đã nhắc các ngành, các cấp phải xúc tiến công tác tuyển dụng công nhân, viên chức theo tinh thần Chỉ thị số 2477-NC ngày 20-6-1959 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành chế độ bảo hiểm xã hội cho tất cả công nhân, viên chức làm thường xuyên liên tục trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước. Nhưng trong công nhân, viên chức lại có người được tuyển dụng chính thức, có người chưa được tuyển dụng chính thức. Đó là một bất hợp lý cần phải giải quyết kịp thời.

Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành một chế độ mới về tuyển dụng và cho thôi việc thống nhất cho công nhân, viên chức cả hai khu vực hành chính, sự nghiệp và sản xuất. Sau khi thảo luận với các Bộ, các ngành và thống nhất ý kiến với Tổng công đoàn Việt Nam , Bộ Lao động ra Thông tư này bổ sung Thông tư số 13/LĐ-TT ngày 8-7-1959 hướng dẫn biện pháp giải quyết những tồn tại do thiếu sót về việc tuyển dụng trước đây để lại.

I. NHIỆM VỤ CỤ THỂ ĐỂ XÚC TIẾN CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀO LỰC LƯỢNG THƯỜNG XUYÊN CỦA XÍ NGHIỆP

1. Cần phải thống nhất hình thức sử dụng nhân công để xúc tiến công tác tuyển dụng được đúng hướng.

Nền kinh tế miền Bắc nước ta đã hình thành hai khu vực: sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, thì tổ chức lao động cũng hình thành hai lực lượng lao động cơ bản: công nhân, viên chức Nhà nước và lao động tập thể. Lao động cá thể ngày một ít dần và chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định. Dưới chế độ ta công nhân, viên chức Nhà nước có quyền làm việc và có quyền được bảo hiểm xã hội. Trong nhân dân tuỳ sự phát triển của hợp tác xã, lao động tập thể có quỹ phúc lợi xã hội trong hợp tác xã ,do đó việc thi hành những chính sách phúc lợi xã hội cũng dần dần được thực hiện. Xí nghiệp Nhà nước sử dụng một lực lượng công nhân, viên chức làm thường xuyên liên tục mà không tuyển chính thức là không đảm bảo quyền lợi cho anh chị em, làm cho anh chị em không an tâm sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Vì vậy từ nay trở đi, các ngành, các xí nghiệp nên thống nhất sử dụng nhân công bằng hai hình thức: công nhân, viên chức thường xuyên và nhân công tạm thời.

- Công nhân, viên chức thường xuyên làm việc thường xuyên liên tục cho xí nghiệp, do xí nghiệp trực tiếp quản lý sử dụng. Những công nhân, viên chức trước đây tuyển theo các hình thức phụ động, tạm tuyển, cố dịnh, thường trực... mà xí nghiệp đã sử dụng liên tục năm này qua năm khác, hoặc ký kết hợp đồng này tiếp đến hợp đồng khác, cũng như công nhân viên chức đã tuyển dụng chính thức từ trước tới nay và từ nay về sau đều gọi thống nhất là công nhân, viên chức thường xuyên.

- Nhân công tạm thời, làm những công việc có tính chất đột xuất, thời vụ, có thời hạn nhất định thì thi hành theo chế độ hợp đồng lao động quy định trong thông tư số 21/LĐ-TT ngày 8-11-1961 của Bộ Lao động.

Những người làm khoán tự do, khoán tập trung, khoán gia công như xã viên các hợp tác xã, lao động tự do nhận khoán việc của các xí nghiệp để làm không thuộc hai lực lượng nhân công nói trên.

2. Cần xúc tiến tuyển dụng những công nhân,viên chức đã làm thường xuyên trong xí nghiệp đủ điều kiện và đã hết thời hạn thử thách vào lực lượng công nhân, viên chức thường xuyên.

Các xí nghiệp cần căn cứ vào chỉ tiêu lao động đã được duyệt, tính chất sản xuất, công tác và nhu cầu về nhân công mà xác định lực lượng công nhân, viên chức thường xuyên cần có để đảm bảo kế hoạch tuyển dụng những công nhân, viên chức đã làm thường xuyên liên tục từ trước tới nay theo quy định của thông tư số 13/LĐ-TT ngày 8-7-1959 của Bộ Lao động và thông tư bổ sung này.

a. Điều kiện tuyển dụng:

Nay bổ sung vào điểm a mục A phần III, của thông tư số 13/LĐ-TT nói trên như sau:

- Tuổi và sức khoẻ: Nói chung là từ 18 tuổi trở lên nhưng xí nghiệp phải xét thực tế yêu cầu của sản xuất kết hợp với quyền lợi của công nhân, viên chức. Vì tuổi về hưu quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội là 55 tuổi đối với phụ nữ, 60 tuổi đối với nam giới cho nên cần tránh tuyển người quá nhiều tuổi vào xí nghiệp, chỉ làm việc được vài năm chưa thông thạo công việc, chưa tích luỹ được kinh nghiệm đã phải nghỉ việc không lợi cho sản xuất, không ổn định được tổ chức lao động, lại ảnh hưởng đến đời sống quần chúng. Đối với những công nhân, viên chức đã lấy vào làm nhiều năm trong xí nghiệp mà chưa tuyển chính thức nay cần căn cứ vào tuổi lúc lấy vào làm thường xuyên và liên tục cho Nhà nước. Trường hợp cá biệt có người giỏi nghề, cần thiết cho sản xuất, xí nghiệp chưa đào tạo kịp người thay thế thì mặc dầu đã đến tuổi hưu trí, xí nghiệp cũng có thể trình bày với Uỷ ban hành chính địa phương đề nghị lên Bộ hay ngành chủ quản xét duyệt cho tuyển chính thức sau khi đã thống nhất với Bộ Lao động, nhưng sức khoẻ phải bảo đảm tốt.

Về sức khỏe, nói chung phải đảm bảo được công việc hiện làm, không đòi hỏi sức khoẻ để làm công việc nhẹ phải bằng sức khoẻ để làm công việc nặng nhọc. Người có sức khoẻ phải là người không có bệnh kinh niên, mãn tính, không ốm đau, nghỉ việc luôn, bảo đảm được thời gian công tác chung của xí nghiệp, khi kiểm tra sức khoẻ phải dựa vào tình hình thực tế về bệnh tật trong thời gian qua, dựa vào ý kiến công nhân, viên chức kết hợp với nhận xét của cán bộ y tế, không nên bắt buộc ai cũng phải đi khám lấy giấy chứng nhận của cơ quan y tế như dối với người tuyển mới. Những công nhân, viên chức khi lấy vào thì khoẻ mạnh, nay vì sản xuất lâu ngày mà sức khoẻ có giảm sút thì xí nghiệp phải cho điều trị lành mạnh để sử dụng, không xem đó là thiếu điều kiện sức khoẻ để không tuyển chính thức. Đối với chị em phụ nữ, không vì đang có thai hoặc mới sinh đẻ, có con mọn hay đông con, hoặc vì năng suất lao động chưa cao bằng nam giới mà không tuyển. Đối với thương binh, đối với công nhân bị thương tật vì tai nạn lao động chưa đến mức độ nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội cũng cần được bố trí theo khả năng còn lại, không tìm cách đưa ra ngoài xí nghiệp.

- Tiêu chuẩn chính trị: Cần dựa vào thực tế mà vận dụng tốt các quy định trong điều lệ tuyển dụng và sử dụng nhân công nông thôn ban hành theo nghị định số 36/CP ngày 9-9-1960 cúa Hội đồng Chính phủ. Tránh khắt khe, hẹp hòi nhưng cũng đề phòng mất cảnh giác chính trị. Nhận xét tiêu chuẩn chính trị phải hết sức thận trọng và phải bảo đảm nguyên tắc xét duyệt của Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh địa phuơng khi muốn đưa một công nhân, viên chức ra ngoài xí nghiệp.

Nói tóm lại, về điều kiện chính trị phải bảo đảm nguyên tắc là đủ điều kiện thì tuyển dụng, không đủ điều kiện thì thôi, không linh động ra ngoài quy định của Nhà nước, nhưng cũng không tránh nhận xét tràn lan,thu hẹp diện cho công nhân, viên chức ra ngoài xí nghiệp. Trong khi tuyển dụng chính thức phải chú ý bố trí sử dụng đúng khả năng đồng thời căn cứ trình độ giác ngộ, trình độ tư tưởng từng công nhân, viên chức mà sắp xếp, tăng cường chất lượng chính trị cho các bộ phận quan trọng, bộ phận chủ yếu của xí nghiệp.

b. Thời gian làm việc và đối tượng xét tuyển chính thức

Đối tượng được xét tuyển dụng hiện nay là tất cả các công nhân, viên chức đã làm thường xuyên liên tục, đã hết thưòi hạn làm thử: 3 tháng đối với người có nghề chuyên môn kỹ thuật, 6 tháng đối với người làm lao động phổ thông hay các công việc khác. Thời hạn này kể từ ngày công nhân, viên chức bắt đầu làm việc liên tục cho Nhà nước, kể cả khi làm ở các cơ quan hay xí nghiệp khác. Thời hạn 6 tháng hay 1 năm là hạn tối đa quy định cho những trường hợp cá biệt nào vì một lý do gì đó mà xí nghiệp cần phải tìm hiểu thêm về khả năng công tác và tinh thần trách nhiệm.

Xí nghiệp không nên ưu tiên người này trước, người nọ sau như trước đây đã làm. Trường hợp xí nghiệp còn nhiều công nhân, viên chức chưa tuyển không thể chuẩn bị kịp một lúc thì chuẩn bị xong đến đâu tuyển dụng ngay đến đó, nhưng chậm nhất cũng phải hoàn thành vào cuối tháng 5-1962, không để dây dưa kéo dài.

Hiện nay ở xí nghiệp có nhiều công nhân, viên chức đã làm việc thường xuyên liên tục cho Nhà nước, do xí nghiệp trực tiếp quản lý về mọi mặt, nhưng tiền lương trả cho anh chị em không thuộc quỹ lương đã được Nhà nước xét duyệt mà lại lấy trong các quỹ káhc như lưu thông phí, chi phí sản xuất, quỹ xí nghiệp... nên chưa ghi vào chỉ tiêu lao động tiền lương. Những công nhân, viên chức này đều là công nhân viên chức thường xuyên vì không có họ thì kế hoạch sản xuất và mọi công tác khác của xí nghiệp không bảo đảm được.Xí nghiệp phải xin ý kiến của Uỷ ban hành chính địa phương và báo cáo lên Bộ chủ quản xét duyệt trước khi tuyển dụng chính thức để khói trái với chỉ tiêu lao động tiền lương đã được Nhà nước phê chuẩn.

Nếu xí nghiệp thừa người vì không bố trí hết thì điều chỉnh theo Thông tư số 24/LĐ-TT ngày 16-11-1961 của Bộ Lao động, nhưng trước khi chuyển người thừa đi xí nghiệp khác, phải xét tuyển chính thức những người có đủ điều kiện để cơ quan sử dụng mới khỏi phải điều tra nghiên cứu hồ sơ, gây chậm trễ cho việc tuyển dụng.

c. Thủ tục hồ sơ, giấy tờ:

[...]