Thông tư 02/2002/TT-BTS hướng dẫn Nghị định 86/2001/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản do Bộ Thủy sản ban hành

Số hiệu 02/2002/TT-BTS
Ngày ban hành 06/12/2002
Ngày có hiệu lực 06/12/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Tạ Quang Ngọc
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2002/TT-BTS

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 02/2002/TT-BTS NGÀY 6 THÁNG 12 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 86/2001/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2001 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CÁC NGÀNH NGHỀ THUỶ SẢN

Thi hành Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định như sau:

I. VỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 86/2001/NĐ-CP (nêu tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định) khi có đủ các điều kiện sau đây:

a. Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức kết hợp (như kết hợp với cấy lúa, trồng rừng ngập mặn,... ; tận dụng thức ăn tự nhiên, thức ăn tự chế);

b. Diện tích mặt nước sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản có quy mô nhỏ như quy định sau đây:

- Nuôi lồng, bè trên sông, biển, hồ chứa, đầm phá, eo vịnh có diện tích không quá 100m2.

- Ao nước tĩnh có diện tích không quá 500m2, ao nước chảy có diện tích không quá 200m2.

- Bể nuôi có diện tích không quá 100m2.

- Vùng mặt nước lớn (đầm, hồ, eo vịnh biển) chắn đăng đắp đập nuôi trồng thuỷ sản có diện tích không quá 1000m2.

- Ruộng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản có diện tích không quá 2000m2 với miền Bắc và miền Trung, không quá 4000m2 với đồng bằng sông Cửu Long.

c. Nuôi trồng thuỷ sản tại vùng nước ngoài vùng quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

2. Hộ gia đình, cá nhân chế biến thuỷ sản không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 86/2001/NĐ-CP (nêu tai khoản 2 Điều 2 của Nghị định) khi có đủ các điều kiện sau:

a. Chế biến thuỷ sản bằng phương pháp thủ công;

b. Sản phẩm chế biến không dùng để bán buôn, chỉ để bán lẻ trực tiếp cho người sử dụng.

II. VỀ ĐIỀU KIỆN KHAI THÁC THUỶ SẢN (CHƯƠNG II CỦA NGHỊ ĐỊNH)

1. Khai thác thuỷ sản trên các vùng biển Việt Nam (nêu tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Nghị định) được hiểu là bao gồm các hoạt động khai thác thuỷ sản trên các đầm phá, eo vịnh, cửa sông, cửa lạch, vùng triều, bãi ngang tính từ bờ biển hoặc chân đảo (ngấn nước khi thuỷ triều thấp nhất) đến hết vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

2. Giấy phép khai thác thuỷ sản:

a. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản trên các vùng biển Việt Nam (trừ các nghề khai thác thuỷ sản được quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 86/2001/NĐ-CP) phải có giấy phép khai thác thuỷ sản.

Bãi bỏ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư số 01/2000/TT-BTS nagỳ 28/4/2000 của Bộ Thuỷ sản về danh mục các hoạt động khai thác thuỷ sản không phải đăng ký hành nghề.

b. Thời hạn của giấy phép được quy định cụ thể như sau:

- 12 tháng đối với khai thác thuỷ sản trong tuyến bờ;

- 24 tháng đối với khai thác thuỷ sản trong tuyến lộng;

- 36 tháng đối với khai thác thuỷ sản ở tuyến khơi (tuyến xa bờ).

Đối với các tàu cá có tổng công suất máy chính từ 20 CV trở lên hoặc có chiều dài toàn bộ từ 15m trở lên, Giấy phép khai thác thuỷ sản chỉ có giá trị sử dụng theo thời hạn nêu trên khi Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tầu cá còn thời hạn sử dụng.

c. Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về việc cấp giấy phép khai thác thuỷ sản trong phạm vi cả nước để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

d. Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chịu trách nhiệm in và phát hành mẫu giấy phép khai thác thuỷ sản sử dụng thống nhất trong cả nước. Nội dung giấy phép khai thác thuỷ sản theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 86/2001/NĐ-CP.

[...]