Thông tư 02/1999/TT-NHNN14 hướng dẫn bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 02/1999/TT-NHNN14
Ngày ban hành 16/04/1999
Ngày có hiệu lực 01/05/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Giàu
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tiền tệ - Ngân hàng,Thuế - Phí - Lệ Phí

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/1999/TT-NHNN14

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 02/1999/TT-NHNN14 NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC BẢO LÃNH NỘP THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI HÀNG TIÊU DÙNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Để triển khai thực hiện điểm 3đ, Điều 4 của Nghị định 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về việc bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng và góp phần thực hiện các Luật thuế mới của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng như sau:

1. Giải thích từ ngữ:

a. Bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng là sự cam kết của tổ chức tín dụng đối với cơ quan thu thuế (bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thay cho khách hàng là bên nhập khẩu (bên được bảo lãnh) trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu cho cơ quan thu thuế trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chính thức của cơ quan thu thuế về số thuế phải nộp.

b. Bên bảo lãnh là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm:

Các ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng Đầu tư, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách, Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng hợp tác, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác được phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh (sau đây gọi tắt là các tổ chức tín dụng).

Các tổ chức tín dụng được bảo lãnh bằng uy tín và khả năng tài chính của mình.

c. Bên được bảo lãnh là các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, được phép nhập khẩu hàng tiêu dùng và phải nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (gọi tắt là khách hàng).

d. Bên nhận bảo lãnh là cơ quan Hải quan hoặc các cơ quan thu thuế khác theo Luật định, có trách nhiệm thu thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng (sau đây gọi là cơ quan thu thuế).

2. Hàng hoá nhập khẩu được bảo lãnh nộp thuế là các mặt hàng tiêu dùng được phép nhập khẩu theo danh mục hàng tiêu dùng ban hành kèm theo Quyết định số 1655/1998/QĐ-BTM ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Bộ Thương mại.

3. Điều kiện của khách hàng để được các tổ chức tín dụng bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng như sau:

a. Có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi nhân sự, được thành lập và hoạt động theo Luật pháp hiện hành của Việt Nam.

b. Mặt hàng nhập khẩu phải phù hợp với phạm vi kinh doanh đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thuộc danh mục hàng tiêu dùng nêu tại điểm 2 của Thông tư này. Nếu là hàng nhập khẩu có điều kiện thì phải có giấy phép do Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành cấp theo quy định hiện hành về quản lý xuất nhập khẩu.

c. Có đơn đề nghị bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng, trong đó nêu rõ lý do đề nghị bảo lãnh.

d. Có phương án kinh doanh hàng nhập khẩu có lãi.

đ. Kinh doanh có lãi, không có nợ thuế quá hạn với Ngân sách và nợ quá hạn với tổ chức tín dụng.

e. Có tài sản làm đảm bảo cho khoản được bảo lãnh.

g. Có hợp đồng nhập khẩu trực tiếp với nước ngoài và thanh toán ngay (không phải là nhập hàng trả chậm).

4. Việc chấp nhận hay từ chối bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng là do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở tính toán hiệu quả của khoản bảo lãnh, khả năng tài chính và uy tín của bên được bảo lãnh. Không một tổ chức, cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc bảo lãnh nộp thuế của các tổ chức tín dụng.

5. Mức bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng và tổng mức bảo lãnh của một tổ chức tín dụng cho nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng không được vượt quá mức vốn tự có của tổ chức tín dụng. Trong trường hợp vượt mức quy định thì phải có chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

6. Số tiền bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng của tổ chức tín dụng cho khách hàng là toàn bộ hoặc một phần số tiền mà bên được bảo lãnh phải nộp cho cơ quan thuế, theo mức nộp như quy định tại Thông tư số 172/1998/TT/BCT ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành chi tiết Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

7. Phí bảo lãnh: Bên được bảo lãnh phải trả cho bên bảo lãnh một khoản phí bảo lãnh, mức phí bảo lãnh do hai bên thoả thuận nhưng tối đa không vượt quá 2%/năm tính trên số thuế đang được các tổ chức tín dụng bảo lãnh.

8. Bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh phải ký kết hợp đồng bảo lãnh trong đó quy định rõ số tiền được bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, phí bảo lãnh, các hình thức bảo đảm cho khoản bảo lãnh và trách nhiệm của các bên. Việc công chứng Hợp đồng bảo lãnh do các bên thoả thuận.

9. Cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với Bên nhận bảo lãnh phải được lập thành văn bản.

Thẩm quyền ký bảo lãnh nộp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng hướng dẫn trong hệ thống của mình, theo các quy định của pháp luật.

10. Việc bảo đảm cho khoản bảo lãnh của các tổ chức tín dụng được áp dụng theo các quy định hiện hành về bảo đảm tiền vay.

11. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thu thuế, Bên được bảo lãnh phải có trách nhiệm nộp thuế cho cơ quan thuế theo đúng các quy định hiện hành. Trường hợp quá thời hạn nộp, nếu bên được bảo lãnh chưa nộp đầy đủ số tiền thuế thì khi nhận được thông báo yêu cầu trả nợ thay của cơ quan thu thuế, bên bảo lãnh phải trả thay cho bên được bảo lãnh, đồng thời bên được bảo lãnh sẽ đương nhiên nợ bên bảo lãnh về khoản tiền bên bảo lãnh đã trả thay và phải chịu lãi suất nợ quá hạn.

[...]