Thông báo 99/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 99/TB-VPCP
Ngày ban hành 13/03/2018
Ngày có hiệu lực 13/03/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẠC LIÊU

Ngày 29 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; đại diện Bộ Ngoại giao. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực cố gắng, đoàn kết, khắc phục khó khăn và đạt kết quả khá toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Bạc Liêu đã phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, có nhiều mô hình và cách làm mới, kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 31,15 lên 37,5 triệu đồng; doanh thu du lịch tăng 14,2%.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công và dân tộc thiểu số được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,51%.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Công tác thanh tra, tiếp công dân, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng thiếu và yếu, quy mô kinh tế còn nhỏ. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; số doanh nghiệp ít, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, lao động trong nông nghiệp còn khá lớn. Một số chỉ số về hành chính xếp thứ hạng thấp so với cả nước.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Nhất trí với báo cáo của Tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới cần chú trọng làm tốt những nội dung chủ yếu sau:

1. Triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018, tạo đà cho những năm tiếp theo; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, giải pháp xã hội hóa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tiềm năng, lợi thế và có giải pháp đột phá hơn nữa, phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trung bình khá của cả nước vào cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021.

2. Về định hướng phát triển:

Phát triển theo hướng xanh với 4 trụ cột: nông nghiệp, trọng tâm là Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tôm, lúa gạo; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); du lịch; thương mại, dịch vụ. Xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển phía Nam của đất nước, trong đó:

- Phấn đấu trở thành một trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, cả về sản xuất giống, chế phẩm, chế biến thức ăn cho tôm với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng tôm gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch theo hướng bền vững.

- Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn.

- Tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo, phát triển điện gió, điện mặt trời.

- Quản lý chặt chẽ, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn nước; làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là trong chế biến thủy hải sản; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường.

- Phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, chú trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế.

3. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh cả về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạn chế tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả.

4. Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng cơ chế thông thoáng, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đầu tư, kinh doanh. Thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

5. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Làm tốt công tác tôn giáo, dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giúp đỡ; hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá trên biển, giữ vững chủ quyền biển đảo. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, cháy nổ, buôn lậu trên biển.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội:

a) Đối với việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2020: Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6543/VPCP-KTTH ngày 09 tháng 8 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ.

b) Đối với Quy hoạch Tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch; trong đó lưu ý nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phục vụ định hướng phát triển của địa phương trong mối liên kết vùng và cả nước.

2. Về hỗ trợ vốn xử lý chống sạt lở kè Nhà Mát, kè Gành Hào và khu vực cầu Chiến Túp 1: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất mức và nguồn vốn hỗ trợ, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

3. Về vốn đầu tư xây dựng bờ kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu): Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I phương án vốn đầu tư xây dựng kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bạc Liêu.

4. Về hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng nghĩa trang liệt sĩ: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất việc hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ