Thông báo 99/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 99/TB-VPCP
Ngày ban hành 26/03/2015
Ngày có hiệu lực 26/03/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 99/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIẢM QUÁ TẢI BỆNH VIỆN GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Ngày 04 tháng 3 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 -2015. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo kết quả hai năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2015, ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ý kiến của đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành dự họp; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

I. Thời gian qua với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của đội ngũ giáo sư, bác sĩ, cán bộ nhân viên ngành y tế, hệ thống y tế của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, được quốc tế ghi nhận; thành tựu về y tế của Việt Nam (thể hiện qua các chỉ số cơ bản về y tế) cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hai năm qua đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện, cụ thể như: tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân; từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các tuyến (như ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn điều trị, cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh); tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thí điểm thực hiện đề án bác sĩ gia đình; tăng cường y tế dự phòng kiểm soát và khống chế không để dịch bệnh lớn xảy ra; chú trọng phát triển y tế cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất (tăng thêm hàng chục nghìn giường bệnh ở cả 03 tuyến trung ương, tỉnh, huyện);....

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức: chất lượng chuyên môn của y tế tuyến dưới còn nhiều hạn chế; còn tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội; một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện chuyên khoa vẫn còn quá tải; khả năng tự chủ không đồng đều giữa các bệnh viện, các địa phương; giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị của dịch vụ y tế; cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện chưa theo kịp với sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; sự tham gia của khối y tế tư nhân còn hạn chế.

II. Về một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Để giảm quá tải bệnh viện phải thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn liền với nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, kể cả kỹ thuật cao; vì vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện, cụ thể như sau:

1. Trước mắt Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp, giải pháp:

a) Chỉ đạo rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp nhằm đẩy mạnh các hình thức khám, chữa bệnh nhất là việc phát triển của hệ thống y tế tư nhân (các bệnh viện, phòng khám, thí điểm mô hình bác sĩ gia đình, ... ): tháo gỡ triệt để các rào cản hạn chế sự phát triển của các bệnh viện, phòng khám tư nhân; tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác công tư theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách để phát triển y tế và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

b) Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh: tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao nhất là ở các khâu khám bệnh; quản lý bệnh viện; sử dụng bệnh án điện tử; quản lý chất lượng bệnh viện, chất lượng xét nghiệm (bao gồm cả việc công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phân biệt nhà nước và tư nhân); thanh toán bảo hiểm y tế.

c) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất và tự chủ hoàn toàn. Đồng ý thực hiện giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước đăng ký tự chủ hoàn toàn.

2. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở tất cả các tuyến:

a) Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho tuyến dưới là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, cụ thể:

Kiên quyết đẩy mạnh việc thực hiện bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cao (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân); coi đây là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này, bảo đảm đến tháng 6 năm 2015 tất cả các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước có bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh của các Bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối.

Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

b) Đẩy mạnh triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân) theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, tiến tới phân loại chất lượng bệnh viện và công bố công khai cho toàn dân được biết; gắn việc phân loại, xếp hạng bệnh viện với giá dịch vụ y tế; trước mắt công bố công khai chất lượng bệnh viện của các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối, các bệnh viện hạng I và tương đương (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân) trong quý I năm 2016.

c) Giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Công nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế; Nâng cao toàn diện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho các tuyến.

d) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở. Rà soát công suất sử dụng bệnh viện tuyến huyện và việc đầu tư, xây dựng các trạm y tế xã, phường trên cả nước đảm bảo phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2015.

3. Về đầu tư cơ sở vật chất: đồng ý tiếp tục tăng thêm số giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối và các bệnh viện chuyên khoa vừa để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân vừa là nơi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương xác định nhu cầu và đề xuất nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 05 năm 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2015.

b) Về các Đề án, Dự án cụ thể:

- Đề án “Đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh”: Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của toàn Đề án nói chung và 02 Dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ nói riêng. Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các Dự án thuộc phạm vi quản lý của mình.

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở II Bệnh viện Chợ Ray (Bệnh viện hữu nghị Việt - Nhật) sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản: đồng ý trường hợp cần thiết, cho phép thực hiện trước phần giải phóng mặt bằng và chuẩn bị hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

- Dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ: đây là Bệnh viện chuyên khoa của thành phố Cần Thơ, làm nhiệm vụ tuyến cuối cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương đàm phán với phía Hung-ga-ri để xác định nguồn vốn đầu tư xây dựng bệnh viện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2015.

4. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giảm quá tải bệnh viện.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ