Thông báo 362/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các biện pháp chống quá tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 362/TB-VPCP
Ngày ban hành 25/12/2009
Ngày có hiệu lực 25/12/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Hữu Vũ
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 362/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG QUÁ TẢI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM, CHỮA BỆNH TẠI CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN TRUNG ƯƠNG VÀ TUYẾN CUỐI

Ngày 23 tháng 11 năm 2009, tại Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về các biện pháp chống quá tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành y tế đã có những cố gắng rất lớn, hoàn thành 4/4 chỉ tiêu Quốc hội giao và 15/15 chỉ tiêu của ngành. Công tác chống quá tải, nằm ghép trong bệnh viện bước đầu có kết quả tích cực, số giường năm ghép giảm gần 15%. Đây là kết quả rất đáng trân trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế ở tất cả các mặt công tác.

Dựa trên hai cơ sở quan trọng là nhu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ của khoảng 86 triệu người dân nước ta ngày càng tăng và đội ngũ thầy thuốc có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, ngành y tế cần tổng kết, đánh giá toàn diện các mặt công tác năm 2009, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện trong năm 2010 và trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, từ đó xác định những giải pháp đồng bộ, thiết thực để tạo được bước tiến mạnh mẽ trong công tác khám, chữa bệnh và chống quá tải tại bệnh viện trong thời gian tới.

2. Trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án chống quá tải bệnh viện, cần lưu ý một số nội dung sau đây:

a) Bộ Y tế:

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo, kiên trì và đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp chống quá tải thời gian qua đã triển khai có hiệu quả như: tiết kiệm diện tích khu vực hành chính để kê thêm giường bệnh, giảm hợp lý số ngày điều trị nội trú, thực hiện Đề án 1816,...;

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Dự án đầu tư nâng cấp, xây mới các bệnh viện bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước. Đối với các Dự án giải ngân đạt kế hoạch năm 2009, cho phép ưu tiên ứng trước vốn kế hoạch năm 2010 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, sớm đưa vào sử dụng;

- Phối hợp với Ngân hàng phát triển Việt Nam rà soát cụ thể các dự án vay vốn đầu tư, nâng cấp, xây dựng bệnh viện trong danh mục đã được phê duyệt. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này, cho phép tăng hạn mức vốn vay xây dựng cơ bản lên tối đa 85%, vay mua sắm thiết bị y tế tối đa 100%;

- Khảo sát lựa chọn để lập dự án đầu tư một số Trung tâm phẫu thuật tim mạch cho trẻ em với quy mô tổng cộng khoảng 10.000 cháu/năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước mắt, tích cực chuẩn bị để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm Tim mạch trẻ em bệnh viện Bạch Mai.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế thống nhất bảo đảm ngân sách đầu tư cho ngành y tế tăng dần hợp lý hàng năm để tăng số giường bệnh, nâng cao chất lượng điều trị, phấn đấu đạt tỷ lệ 25 giường bệnh/10.000 dân (không kể giường lưu trú tại trạm y tế xã) trong kế hoạch 5 năm tới.

c) Tại hai thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh: lãnh đạo Uỷ ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nâng cấp các bệnh viện theo đúng quy hoạch, góp phần giảm quá tải tại chỗ.

3. Tập trung đầu tư phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu:

a) Bộ Y tế tổng kết, đánh giá Chương trình đầu tư các Trung tâm y tế chuyên sâu giai đoạn 1997 - 2005. Xây dựng kế hoạch tiếp tục đầu tư các Trung tâm y tế chuyên sâu theo quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo xây dựng danh mục dự án đầu tư cho một số bệnh viện đa khoa tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trọng điểm để trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao cho cả khu vực.

b) Trước mắt, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, địa phương liên quan, thống nhất lựa chọn, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện việc chữa bệnh theo nhu cầu bằng kỹ thuật tiên tiến ở một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010. Mục tiêu chủ yếu nhằm huy động các nguồn lực để tăng cường trang thiết bị tiên tiến phục vụ người bệnh, với mức thu phí hợp lý, thu đúng thu đủ, có sự giám sát của cơ quan hữu quan, bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà đầu tư, của thầy thuốc, đồng thời người nghèo cũng được thụ hưởng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

4. Về một số đề nghị cụ thể của Bộ Y tế:

a) Đồng ý cho phép Bộ Y tế vận dụng các quy định hiện hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm tim mạch bệnh viện E (giai đoạn I), kịp đưa vào vận hành nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 02 năm 2010.

b) Đồng ý về nguyên tắc việc tạm ứng vốn năm 2010 để đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang thực hiện như bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện K (cơ sở Tân Triều),.... Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Y tế bố trí nguồn vốn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Đồng ý về nguyên tắc việc bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp ba bệnh viện bảo vệ sức khoẻ cán bộ (Hữu nghị, Thống nhất, bệnh viện C Đà Nẵng). Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể, trong đó có tính đến việc mở rộng đối tượng khám, chữa bệnh.

d) Về nhu cầu xây dựng ký túc xá cho sinh viên các trường Y - Dược bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Y tế làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng để Bộ Xây dựng tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

đ) Đồng ý việc xây dựng cơ chế đặc thù mua sắm một số loại trang thiết bị y tế, bảo đảm việc cung ứng kịp thời với giá cả hợp lý, hạn chế tiêu cực. Bộ Y tế chủ động phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công thương để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

e) Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi, thống nhất với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập Ban Quản lý các công trình xây dựng trọng điểm của Bộ Y tế, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cơ bản của ngành, đẩy nhanh việc triển khai các Dự án đúng quy định pháp luật, bảo đảm yêu cầu chuyên môn, bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Y tế và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
  PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

[...]