Thông báo 98/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 98/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/03/2013
Ngày có hiệu lực 08/03/2013
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quang Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KON TUM

Ngày 26 tháng 02 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an, Uỷ ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2012; nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong những năm qua. Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển: Tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 13,77%; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,43%, dịch vụ tăng 31,51%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tỷ trọng công nghiệp tăng từ 23,52% năm 2011 lên 25,16%, dịch vụ tăng từ 33,38% năm 2011 lên 34,76%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng; thu ngân sách tăng 14% so với năm 2011.

Tỉnh khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng gắn với công nghiệp chế biến; trong đó diện tích cây cao su (gần 66.000 ha), cà phê (10.000 ha), sâm Ngọc Linh (6.000 ha), mía đường (1.823 ha), sắn (38.000 ha), rau và hoa quả xứ lạnh (1.000 ha), vùng nguyên liệu giấy (75.000 ha).

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đạt kết quả khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,15%, trong đó có trên 7.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo; chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; chăm lo cho nhân dân đón Tết Quý Tỵ vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm; công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cơ bản đã phá vỡ về mặt tổ chức và giải quyết được yếu tố chính trị, phản động của tà đạo Hà Mòn trên địa bàn.

Tuy nhiên, Kon Tum vẫn còn là tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; với điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, hoạt động tôn giáo trái phép và tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 mà Tỉnh đã đề ra, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tồn tại, chủ động, sáng tạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; trong đó lưu ý một số việc:

1. Tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013, số 17/NQ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là đất đai, tài nguyên rừng, khí hậu để phát triển kinh tế; khai thác tốt Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch sinh thái Măng Đen để phát triển công nghiệp và dịch vụ; có giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

3. Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 5 huyện nghèo, cận nghèo (Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy). Phát triển kinh tế hộ, ưu tiên hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; có chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở công nghiệp chế biến tại khu vực nông thôn gắn với phát triển vùng nguyên liệu cà phê, cao su, mía đường, nguyên liệu giấy, sắn,…

4. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là đồng bào dân tộc, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý...; chú ý không để lợi dụng việc tham gia ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để chống phá Đảng và Nhà nước, nhất là những quan điểm lệch lạc, sai trái về sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn kết dân tộc...

5. Quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, không để tội phạm gia tăng; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng chống cháy nổ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; thực hiện tốt các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông.

6. Tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; chăm lo đời sống người dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, không để thiếu đói xảy ra; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác đối ngoại và đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trao đổi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với các tỉnh phía Nam Lào và Đông Bắc Cămpuchia; tiếp tục phối hợp thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Cămpuchia.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về việc tăng mức kinh phí hỗ trợ hàng năm để đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2074/TTg-KTTH ngày 07 tháng 12 năm 2012.

Về bổ sung vốn xây dựng Quốc môn tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Ngoại giao tổng hợp, xem xét cụ thể để bố trí trong kế hoạch trung hạn (2014 - 2015) cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về việc chấm dứt hoạt động trạm thu phí giao thông (BOT) trên quốc lộ 40 (đoạn Ngọc Hồi - Dốc Muối): Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách cần phải làm trước; chủ động hoãn, giãn tiến độ khởi công các dự án, công trình mới cho phù hợp với khả năng cân đối vốn, có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về hỗ trợ vốn cho một số công trình, dự án: Kè chống sạt lở bờ sông Đắk Bla; dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Kon Tum; đầu tư, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất nguồn vốn và mức hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh sớm hoàn thành các công trình, dự án trên.

5. Về việc nâng cấp cửa khẩu Đăk Blô: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án, gửi Bộ Ngoại giao thẩm định. Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Cămpuchia về việc mở cửa khẩu tại khu vực cột mốc quốc giới Việt Nam - Lào - Cămpuchia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Về hỗ trợ vốn ODA của Việt Nam để nâng cấp, mở rộng một số đoạn trên tuyến giao thông từ tỉnh lỵ Attapư (Lào) đến cửa khẩu quốc tế Phu Cưa - Bờ Y: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Đồng ý kéo dài thời gian thanh toán vốn Chương trình 135, giai đoạn II của năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2013; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể.

8. Về việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên chưa giải ngân hết của năm 2012 sang năm 2013: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Về xử lý kinh phí cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập năm 2011 trên địa bàn tỉnh Kon Tum: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý.

10. Về việc bổ sung vốn Chương trình SP-RCC kế hoạch năm 2013 cho Dự án đầu tư công trình Kè chống lũ lụt, sạt lở dọc sông Đăk Bla (từ làng Plei Groi đến làng Kon Lor 2 và từ làng Kon Hra Chót đến làng Kon Tum Kơ Pơng): Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một số công trình, hạng mục quan trọng, cấp bách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn cho Tỉnh thực hiện.

[...]