Thông báo số 85/TB-BGTVT về việc kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Nguyên do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 85/TB-BGTVT
Ngày ban hành 12/03/2008
Ngày có hiệu lực 12/03/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Bùi Nguyên Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số: 85/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH: NGHỆ AN, THANH HÓA, NAM ĐỊNH, HƯNG YÊN, HẢI DƯƠNG VÀ THÁI NGUYÊN

Ngày 29/02/2008, tại Văn phòng Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã làm việc với Lãnh đạo UBND các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Nguyên về tình hình thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo mạng lưới đường bộ, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB4). Tham dự cuộc họp có các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh cùng Lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh. Về phía Bộ GTVT có đại diện các cơ quan, đơn vị: Vụ Kế hoạch và đầu tư, Cục Giám định & QLCL CTGT và Ban QLDA 18 cùng tham dự.

Sau khi nghe Lãnh đạo các tỉnh trao đổi về tình hình thực hiện và kiến nghị liên quan đến tình hình thực hiện Dự án WB4; ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thống nhất với Lãnh đạo các tỉnh kết luận như sau:

Bộ GTVT cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết và phối hợp chặt chẽ trong công tác GPMB của Dự án WB4, đặc biệt là sự cam kết quyết tâm bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2008 của Lãnh đạo UBND các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Nguyên.

Dự án WB bao gồm các Tiểu dự án năm thứ nhất: QL 48-1, 48-2, 48-3 (tỉnh Nghệ An), QL47 (tỉnh Thanh Hóa), QL37 (các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang); Các Tiểu dự án năm thứ 2: QL38B (các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương), QL21-1, QL21-2 (tỉnh Nam Định). Hiện nay yêu cầu tiến độ của Dự án rất gấp, thời hạn kết thúc Dự án vào ngày 31/12/2008.

Theo yêu cầu của WB, đến 30/12/2008 công tác giải ngân của Dự án phải đạt 70% vốn vay, nếu không đạt sẽ ngừng cấp vốn. Tuy nhiên, hiện nay công tác GPMB của Dự án còn rất chậm, tồn tại với khối lượng lớn, gây chậm tiến độ và ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân của Dự án. Đề nghị UBND các tỉnh có Dự án đi qua quan tâm chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn tại, đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng tiến độ của Dự án; Cụ thể:

1. Đối với các Tiểu dự án QL48-2, 48-3 (tỉnh Nghệ An), QL47 (tỉnh Thanh Hóa): Hiện nay các Tiểu dự án đã bị chậm tiến độ (gần 02 năm), đề nghị UBND các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc và bàn giao mặt bằng cho Dự án trong tháng 3/2008 theo đúng cam kết của Lãnh đạo UBND các tỉnh.

2. Các Tiểu dự án QL37 (các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang), QL38B (các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương): Công tác GPMB của các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên và Hải Dương đã cơ bản hoàn thành; đặc biệt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Yêu cầu Ban QLCDA 18 chỉ đạo Nhà thầu tổ chức, bố trí đồng thời nhiều mũi thi công, khẩn trương thi công khi có mặt bằng, cố gắng phấn đấu hoàn thành Dự án sớm hơn tiến độ đã định.

3. Các Tiểu dự án QL21-1, QL21-2 (tỉnh Nam Định)

- QL21 -2: Dự kiến khởi công vào đầu tháng 5/2008. Ban QLCDA 18 khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, chuyển đủ kinh phí bồi thường GPMB cho địa phương; Đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (HĐ GPMB) của địa phương khẩn trương chi trả cho các hộ dân để bàn giao mặt bằng cho Dự án phục vụ thi công theo đúng tiến độ.

- QL21-1: Ban QLCDA18, khẩn trương bàn giao cọc GPMB và mốc lộ giới của Dự án cho HĐ GPMB địa phương để sớm triển khai công tác GPMB.

4. Đối với Ban QLCDA18: Yêu cầu Ban QLCDA 18 bố trí đủ cán bộ có năng lực, thường xuyên bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, HĐ GPMB các địa phương và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong công tác GPMB. Chỉ đạo Tư vấn Giám sát, Tư vấn thiết kế, Nhà thầu thi công và các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Kiểm tra năng lực các Nhà thầu, kịp thời đề xuất báo cáo Bộ đưa khỏi công trường các Nhà thầu không đủ năng lực, bổ sung Nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ của Dự án và xử lý các Nhà thầu vi phạm theo quy định hiện hành.

5. Đối với các Nhà thầu thi công: Yêu cầu các Nhà thầu tập trung vật tư, thiết bị, nhân lực, tài chính, thi công ngay khi có mặt bằng; lập biểu tiến độ thì công chi tiết để đôn đốc, chỉ đạo sát sao, cụ thể; đồng thời gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh và các huyện liên quan để địa phưng tổ chức lực lượng bảo vệ thi công (khi cần thiết). Bộ GTVT sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định đối với các Nhà thầu có biểu hiện trì tuệ, kéo dài thời gian, không khẩn trương thi công khi có mặt bằng làm chậm tiến độ Dự án.

6. Về kiến nghị của UBND các Tỉnh:

- QL47 tỉnh Thanh Hóa:

+ Thay đổi chủng loại dây điện: Theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó bao gồm cả phê duyệt TKKT và dự toán các công trình công cộng thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh có dự án đi qua. Mặt khác, Bộ GTVT đã có Văn bản số 2185/BGTVT-CGĐ ngày 20/4/2006 về việc thực hiện công tác GPMB các dự án xây dựng giao thông, theo đó Bộ GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư (đại diện các Chủ đầu tư) triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án xây dựng công trình giao thông tuân thủ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính.

Vì vậy, việc phê duyệt TKKT (điều chỉnh TKKT, thay đổi chủng loại vật tư…) và dự toán đường điện phục vụ GPMB QL47 – Dự án WB4 trên địa phận tỉnh Thanh Hóa của UBND tỉnh Thanh Hóa (hoặc cấp được ủy quyền) thực hiện. Trên cơ sở các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh (của cấp được ủy quyền), Ban QLCDA 18 có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, chuyển đủ kinh phí để địa phương chỉ trả cho chủ sở hữu công trình.

+ Cọc GPMB chưa chính xác: Đề nghị Ban QLCDA 18 phối hợp với địa phương khẩn trương điều chỉnh theo đúng quy định.

- Giá bồi thường vật kiến trúc: Theo quy định, giá bồi thường, hỗ trợ được căn cứ vào mức giá tại thời điểm UBND tỉnh (hoặc cấp được ủy quyền) phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ & tái định cư, không mang tính hồi tố; Mặt khác Chính phủ đã quy định về việc thực hiện bồi thường chậm tại khoản 2, Điều 9, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004. Đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, HĐ GPMB địa phương căn cứ các quy định hiện hành để triển khai thực hiện. Đồng thời hướng dẫn, giải thích cho các hộ bị ảnh hưởng biết để sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án.

- Bồi thường cho các hộ dân nằm trong hành lang an toàn giao thông (HLATGT): Từ nay đến năm 2010, Chính phủ sẽ đầu tư kinh phí để giải phóng HLATGT trên tất cả các Quốc lộ theo quy mô đến mốc lộ giới. Hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai thực hiện thí điểm trên QL1A và sẽ báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trên toàn hệ thống Quốc lộ, đặc biệt là các Quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn. Việc đề nghị của các hộ dân, nếu các hộ dân có nguyện vọng di chuyển thì trước mắt cho lùi lại phía sau ra khỏi HLATGT (nếu còn đất); Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

Đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý HLATGT và xử lý các trường hợp vi phạm HLATGT theo quy định.

7. Cơ chế phối, kết hợp: Đề nghị UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ GTVT, kịp thời có ý kiến đề xuất, phản ánh các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án WB4 trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của các địa phương.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT xin thông báo để UBND các tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan biết, triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Bộ GTVT(để b/c);
- Chánh Văn phòng (để b/c);
- Các đơn vị tham dự họp;
- Cục Đường bộ Việt Nam;
- Lưu: VT. CGĐ(3)

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG





Bùi Nguyên Long

 

[...]