Thông báo 80/TB-TTKQH về ý kiến kết luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 80/TB-TTKQH
Ngày ban hành 22/08/2016
Ngày có hiệu lực 22/08/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI KHÓA XIV
TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/TB-TTKQH

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2016

 

THÔNG BÁO Ý KIẾN KẾT LUẬN

TẠI HỘI NGHỊ CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2016 VỀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2016 VÀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2017

Ngày 12/8/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Chủ trì Hội nghị có đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật. Hội nghị có sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cùng một số cơ quan, tổ chức hữu quan khác.

Hội nghị đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật báo cáo về dự kiến phân công và tiến độ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016, năm 2017 và một số nội dung về tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; nghe đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về các biện pháp triển khai thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại các cơ quan của Chính phủ; nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo, thẩm tra các dự án báo cáo về tiến độ và tình hình chuẩn bị các dự án. Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về dự kiến phân công cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự kiến tiến độ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình cũng như các biện pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương tinh thần làm việc nhiệt tình với trách nhiệm cao của các vị đại biểu và đưa ra một số yêu cầu để việc triển khai thực hiện chương trình thật sự hiệu quả.

Tổng thư ký Quốc hội trân trọng thông báo Kết luận của đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị như sau:

Thứ nhất, giao Ủy ban pháp luật phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến tại Hội nghị sớm hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, gửi các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện.

Thứ hai, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trước mắt, cần khẩn trương phân công cơ quan chủ trì soạn thảo (đối với các dự án chưa có phân công); chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình xây dựng các văn bản pháp luật trong lĩnh vực được giao phụ trách; xác định rõ thời hạn hoàn thành của từng bước, từng giai đoạn trong quá trình xây dựng văn bản, từ khâu thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng đề cương, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gửi thẩm định, thẩm tra, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội... Kế hoạch này cần được gửi đến Bộ Tư pháp và Ủy ban pháp luật của Quốc hội để phối hợp theo dõi, đôn đốc, bảo đảm tiến độ. Các Ủy ban khác của Quốc hội được giao nhiệm vụ thẩm tra cũng theo sát lộ trình này để bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị của dự án.

Ủy ban pháp luật chịu trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc, hằng tháng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Chương trình. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, theo dõi, đôn đốc, định kỳ báo cáo Chính phủ và thông tin kịp thời cho Ủy ban pháp luật về tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ.

Thứ ba, do năm 2016 là năm chuyển tiếp giữa việc thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nên đối với các dự án được đưa vào Chương trình mà chưa thực hiện đầy đủ các công việc trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật năm 2015 thì đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp có hướng dẫn để các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án bổ sung thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến việc tổng kết, xây dựng chính sách, đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện cho các cơ quan thực hiện việc thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến và thông qua. Hồ sơ, tài liệu về dự án luật, pháp lệnh được gửi đến Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra thì đồng thời cũng phải được gửi đến Ủy ban pháp luật của Quốc hội để thẩm tra về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án với hệ thống pháp luật; dự án có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới phải được gửi đến Ủy ban về các vấn đề xã hội để thẩm tra về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; gửi đến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội để tham gia thẩm tra theo như phân công trong Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thứ tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án nêu cao trách nhiệm trong suốt quá trình từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đến khi trình xem xét, thông qua và rà soát về kỹ thuật văn bản sau khi văn bản đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án, nếu có ý kiến khác với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của cơ quan chủ trì thẩm tra thì cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định.

Thứ năm, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra để nắm thông tin giúp nâng cao hiệu quả của công tác thẩm tra, phát huy trách nhiệm của tập thể Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban, cũng như của toàn thể Hội đồng, Ủy ban trong việc thẩm tra và tham gia phối hợp thẩm tra. Xem xét củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban pháp luật, để bảo đảm tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đối với các cơ quan nói trên.

Thứ sáu, cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách được sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ bảy, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật trước khi trình Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội công bố công khai danh sách cơ quan trình, cơ quan soạn thảo dự án không bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thứ tám, Chính phủ xem xét tăng kinh phí xây dựng luật, pháp lệnh, không để vì lý do thiếu kinh phí làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ soạn thảo văn bản. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ quan được giao soạn thảo dự án tiến hành lập dự toán kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật trong nguồn ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Đối với dự án mới được bổ sung vào Chương trình năm 2016 và năm 2017, sớm thực hiện việc phân bổ kinh phí hỗ trợ; khi chưa được phân bố thì các cơ quan ứng kinh phí thường xuyên để phục vụ việc xây dựng pháp luật bảo đảm tiến độ đề ra.

Trên đây là Thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 12 tháng 8 năm 2016 về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Xin trân trọng thông báo đến các cơ quan, tổ chức hữu quan để làm cơ sở cho việc thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ; TANDTC, VKSNDTC, KTNN, UBTƯMTTQVN;
- TT. HĐDT, các UB của Quốc hội;
- Tổng thư ký Quốc hội;
- VPTƯĐ, VPCP, VPCTN, VPQH;
- Bộ, cơ quan ngang bộ;
- Các Đoàn ĐBQH;
- Lưu HC, PL.
e-PAS:57702.

TỔNG THƯ KÝ




Nguyễn Hạnh Phúc