VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 78/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 03 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI - TRƯỞNG
BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 28 tháng 02 năm 2015, tại Văn
phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo các công
trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã chủ trì phiên họp của Ban
Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành
Giao thông vận tải. Tham dự cuộc họp có đồng chí Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải, các thành viên Ban Chỉ đạo, một số Ban quản lý các dự án,
các Chủ đầu tư công trình, dự án trọng điểm và một số cơ quan, đơn vị có liên
quan. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình
triển khai các công trình, dự án trọng điểm của ngành, ý kiến của các đại biểu
dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
Ban Chỉ đạo đánh giá cao những cố
gắng, nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Giao thông vận tải đối với các công
trình, dự án trọng điểm trong thời gian qua; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên
của các thành viên Ban Chỉ đạo và giữa các Chủ đầu
tư với các địa phương. Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành, địa phương
đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các nội dung phiên họp trước của Ban Chỉ
đạo tại Thông báo kết luận số 209/TB-VPCP ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Văn
phòng Chính phủ; đã triển khai, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh
tiến độ các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Cụ thể như
sau:
- Các dự án ngành Giao thông vận
tải theo hình thức đầu tư PPP, BOT, BT đã được triển khai mạnh mẽ nhằm giảm áp
lực đầu tư từ ngân sách nhà nước;
- Các địa phương tiếp tục thực
hiện tốt việc phối hợp với Chủ đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các vấn đề liên quan
đến xây dựng các khu tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công;
- Bộ Giao thông vận tải đã tiếp
tục phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện
các công trình, dự án trọng điểm của Ngành, đặc biệt là tăng cường chỉ đạo tập
trung thi công các dự án nâng cấp, mở
rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn
qua Tây Nguyên theo Nghị quyết của Đảng, Quốc
hội và Chính phủ; năm 2014 đã hoàn thành và đưa vào khai thác 7 công trình, dự
án trọng điểm.
B. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Tuy đã đạt được kết quả đáng ghi
nhận nhưng việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm vẫn còn một số tồn
tại, vướng mắc. Để khắc phục các tồn tại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời
gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai một
số nhiệm vụ sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Bộ Giao thông vận tải
- Chỉ đạo Chủ đầu tư, các Ban quản
lý dự án thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương liên quan trong
việc triển khai các công trình, dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng;
- Tăng cường chỉ đạo các Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nâng
cao tinh thần trách nhiệm, nhằm đảm bảo thực hiện các công trình, dự án đúng tiến độ với chất lượng và
hiệu quả cao nhất;
- Tiếp tục kêu gọi, thu hút các
nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tham gia đầu tư các công trình, dự án giao
thông, nhằm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, nhất là khi Nghị định số
15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành;
- Tiếp tục nâng cao năng lực các
Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu, tư vấn; kiên quyết loại trừ những nhà
thầu không đủ năng lực tham gia hoạt động xây dựng công trình của ngành Giao
thông vận tải nói chung và các công trình, dự án trọng điểm nói riêng;
- Chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành
các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa
- Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào cuối năm 2015; khẩn
trương hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ để trình Quốc hội về chủ trương đầu
tư, xây dựng sân bay Long Thành;
- Tổng hợp nhu cầu giải ngân vốn
ODA vượt dự toán được giao và nhu cầu bổ sung vốn đối ứng năm 2015 cho các dự
án ODA, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Xây dựng
- Tiếp tục rà soát các thủ tục đầu
tư xây dựng, có giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu
tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả công trình;
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với
Bộ Giao thông vận tải, sớm hoàn thành việc lập và phê duyệt để đồng bộ trong
công tác quản lý quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh, các
tuyến đường cao tốc.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục chủ trì làm việc với Bộ Giao thông
vận tải để giải quyết các thủ tục có liên
quan nhằm sớm cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP,
đảm bảo đúng quy định hiện hành; chủ trì,
phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao
thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giải ngân
vốn ODA đối với trường hợp vượt dự toán được giao và bổ sung vốn đối ứng ODA
đáp ứng tiến độ triển khai các dự án ODA.
4. Bộ Tài chính: Kịp thời giải
quyết các vướng mắc về giải ngân dự án; về công tác tạm ứng hợp đồng theo quy
định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính
phủ, đặc biệt là đối với các dự án ODA; đảm bảo thủ tục, kiểm soát vốn chặt
chẽ, đúng quy định.
5. Bộ Công Thương: Phối hợp với Bộ
Giao thông vận tải sớm hoàn thành việc lập và phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cửa
hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đến năm 2015, định hướng
đến năm 2020” để đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch, phát huy hiệu quả
tuyến đường.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì phối hợp Bộ Giao thông vận tải
xem xét, rà soát thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu bảo đảm phục vụ các
công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
7. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Xây dựng khẩn trương có ý kiến đối với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải
về bổ sung một số công trình, dự án vào danh mục các công trình, dự án trọng
điểm ngành Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan, đặc biệt là thành phố Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo,
hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án cụ thể đảm bảo đáp ứng tiến
độ xây dựng công trình, dự án trọng điểm; không để xảy ra tình trạng cố tình
không chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ ĐỐI VỚI
TỪNG CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN
1. Dự án đường Hồ Chí Minh: Các
Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát hoàn thiện quy
hoạch liên quan và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020, bảo đảm
phù hợp với Quy hoạch đường Hồ Chí Minh.
2. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ
1 từ Hà Nội - Cần Thơ: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra, xử lý các vướng
mắc theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Định tại văn bản số 603/UBND-TH ngày 09 tháng 02 năm 2015, đặc biệt là
năng lực nhà đầu tư BOT và các nhà thầu thi công, Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm phần mặt bằng thi công
còn vướng mắc trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc
để xảy ra tình trạng chậm trễ trong khâu
giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
3. Dự án đường cao tốc Bến Lức -
Long Thành:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Long An, Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng phối
hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư trong công
tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo tiến độ Dự án.
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì,
phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với JICA, ADB đẩy nhanh các thủ tục
xem xét, chấp thuận kết quả đấu thầu, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng
mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo
Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương xây
dựng tiến độ tổng thể dự án đảm bảo triển khai đồng bộ các gói thầu từ công tác
đấu thầu, triển khai thi công; kiểm soát tiến độ ngay từ giai đoạn đầu dự án.
4. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng -
Quảng Ngãi:
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC tổ chức thi công theo đúng tiến độ
và điều kiện hợp đồng đã ký kết; kiểm soát quá trình lựa chọn nhà thầu phụ đảm
bảo có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công.
- Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan đẩy nhanh công tác triển khai
xây dựng các khu tái định cư, tập trung giải phóng khối lượng mặt bằng còn lại,
tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thực hiện các thủ tục xin cấp mỏ vật liệu
phục vụ thi công.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi giải quyết dứt điểm các
tranh chấp đất loại 5% giữa chính quyền xã và người dân để Nhà thầu có mặt bằng
triển khai thi công.
5. Dự án đường cao tốc Hà Nội -
Hải Phòng:
- Yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Hải
Phòng khẩn trương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng còn lại trên
tuyến, xử lý dứt điểm tình trạng người dân cản trở thi công trước ngày 01 tháng
4 năm 2015;
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng
công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) khẩn trương đôn đốc Nhà
thầu hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ thông xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ: đoạn 25Km qua thành phố Hải Phòng vào cuối tháng 4 năm 2015; đoạn từ nút
giao quốc lộ 39 đến quốc lộ 10 trong tháng 7 năm 2015; thông xe toàn tuyến vào
cuối năm 2015; hoàn thành hầm giao thông phục vụ dân sinh Km 2+780 và Km 4+900
(qua khu vực huyện Gia Lâm) trước ngày 31 tháng 3 năm 2015; thực hiện đầy đủ
các quy định về an toàn lao động và vệ
sinh môi trường trong quá trình thi công Dự án.
6. Dự án đường cao tốc Dầu Giây -
Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo
cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thu xếp nguồn vốn theo chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ tại văn bản số
1419/VPCP-KTN ngày 02 tháng 3 năm 2015.
7. Dự án đường cao tốc Trung Lương
- Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT: Các Bộ chức năng khẩn trương thực hiện
các thủ tục cấp giấy phép đầu tư theo quy định và đàm phán ký kết Hợp đồng BOT
chính thức.
8. Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ
1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng
mắc để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Đồng thời chỉ
đạo các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, khẩn trương
cấp phép cho các mỏ đất trên địa bàn tỉnh để có nguồn vật liệu đất đắp cung cấp
cho dự án kịp thời.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo
Nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để huy động vốn vay
thương mại và hoàn thiện các điều kiện để giải ngân vốn vay cho các Nhà thầu.
9. Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp
Vân - Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT:
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, tạo điều
kiện sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư để triển khai thi công xây dựng trạm
thu phí theo tiến độ yêu cầu.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở
Quy hoạch kiến trúc sớm cấp chỉ giới đường đỏ làm cơ sở thực hiện công tác giải
phóng mặt bằng giai đoạn 2 của Dự án.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo
Nhà đầu tư không để gây ách tắc và khẩn trương thi công bảo đảm tiến độ của Dự
án.
10. Dự án đầu tư xây dựng đường
Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo
hình thức hợp đồng BOT: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Nhà đầu tư tập trung toàn
lực để khẩn trương triển khai thực hiện Dự án theo tiến độ.
11. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường
bộ qua Đèo Cả - quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng
BOT và BT:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng
địa phương sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính sớm có ý kiến với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương
chuyển đổi nguồn vốn BT sang nguồn trái phiếu Chính phủ và đầu tư bổ sung hầm
đèo Cù Mông vào dự án hầm Đèo Cả, gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
12. Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch
Huyện, thành phố Hải Phòng: Giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải xem xét
tổng hợp nhu cầu vốn đối ứng năm 2015 cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Dự án đường sắt đô thị Thành
phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm
vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch
cho Chủ đầu tư trong tháng 3 năm 2015 để nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ;
- Đồng ý về nguyên tắc đối với các
hợp đồng của Dự án đã ký với nhà thầu nước ngoài trước khi Luật Xây dựng có
hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2015 được tiếp tục thực hiện theo đúng quy định
của hợp đồng.
14. Dự án đường sắt đô thị Thành
phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương: Đồng ý về nguyên tắc Ủy ban nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh tiến hành điều chỉnh dự án theo đúng quy định. Trong quá
trình điều chỉnh Dự án, có thể tiếp tục chuẩn bị hồ sơ đền bù giải phóng mặt
bằng và xem xét thực hiện đấu thầu đối với các gói thầu có giá dự toán tăng
thêm không vượt dự phòng trong tổng mức đầu tư
Dự án đã được phê duyệt, lưu ý bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất
thoát.
15. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội
tuyến Cát Linh - Hà Đông:
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt
bằng, đặc biệt là khu vực ga Cát Linh để đáp ứng tiến độ thi công Dự án; đồng
thời sớm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch tiếp nhận, bàn giao
và đưa vào khai thác Dự án này.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo
Chủ đầu tư yêu cầu Tổng thầu EPC khẩn trương hoàn thành thiết kế kỹ thuật, tổng
dự toán, tiến độ tổng thể, tiến độ thi công chi tiết, đẩy nhanh tiến độ thi
công, phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2015.
16. Dự án tuyến Đường sắt đô thị
Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh
việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bố trí vốn cho Dự án theo đúng quy
định;
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm
vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án.
17. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội
tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi): Yêu cầu Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội sớm thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận
tải vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại văn bản số 633/VPCP-KTN ngày 24 tháng 01 năm 2014, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ để xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành
phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở triển
khai Dự án.
18. Dự án Đường sắt Yên Viên - Phả
Lại - Hạ Long - Cái Lân:
- Đồng ý chủ trương tiếp tục thực
hiện, hoàn thành đồng bộ Dự án theo quy mô, mục tiêu đã đề ra;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp Dự án trong Kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận
tải.
19. Dự án đầu tư xây dựng luồng
cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu:
- Ban Quản lý dự án cần quyết liệt
chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, đặc
biệt tiến độ thi công gói thầu số 10A để không ảnh hưởng tiến độ thi công các
gói thầu khác.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương sớm
giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại 04 vị trí đổ bùn sau nạo vét trên địa bàn
huyện Trà Cú.
20. Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa
ngõ Quốc tế Hải Phòng (Dự án Cảng Lạch Huyện):
- Về vốn đối ứng để chi trả cho
công tác giải phóng mặt bằng, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và các chi
phí khác: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Giao Bộ Tài chính chủ trì thực
hiện các công việc liên quan đến sửa đổi Hiệp định vay vốn; báo cáo Thủ tướng
Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
21. Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ
Gạo: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, sớm
triển khai dự án theo kế hoạch.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo;
- Các Bộ: KHĐT, TC, CT, XD, GTVT, TNMT;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng
Yên, Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, TT Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,
Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ,
Hậu Giang, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Các Tổng công ty: Hàng hải VN, Đường
sắt VN, PT hạ tầng và ĐT tài chính VN, Cảng hàng không VN, ĐTPT đường cao tốc
VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH, V.III,
QHQT, TKBT; HC;
- Lưu: VT, KTN (3) pvc
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|