Thông báo 719/TB-BGDĐT kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo các trường đại học, cao đẳng công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 719/TB-BGDĐT |
Ngày ban hành | 19/11/2010 |
Ngày có hiệu lực | 19/11/2010 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 719/TB-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2010 |
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2010, ngày 25 tháng 10 năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tổ chức “Hội nghị đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo các trường đại học, cao đẳng công lập”. Tham dự Hội nghị có 680 đại biểu đại diện của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công thương, Giao thông vận tải; Văn phòng Trung ương Đảng; 263 đại học, học viện, viện, trường đại học, cao đẳng công lập; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị đã nghe Báo cáo của Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo các trường đại học, cao đẳng công lập; Ý kiến thảo luận của đại diện các trường đại học, cao đẳng công lập; Ý kiến của đại diện Bộ Tài chính.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có phát biểu ý kiến chỉ đạo. Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã kết luận:
Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng từ NSNN, cùng với nỗ lực của một số trường trong việc huy động các nguồn vốn tự cân đối và tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, Nhà hảo tâm…, CSVC và TBĐT các trường đại học, cao đẳng trong cả người đã được tăng cường, cải thiện rõ rệt: Một số trường có CSVC khang trang, đẹp; nhiều trường có hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện hiện đại; các trường đã được trang bị máy tính có kết nối Internet phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý,… Những kết quả đạt được bước đầu là rất đáng ghi nhận và có giá trị khuyến khích mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
3. Các công việc cần triển khai thực hiện sau Hội nghị:
3.1. Đối với các trường đại học, cao đẳng:
- Khẩn trương xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư, xây dựng CSVC và TBĐT theo đúng các quy định tại Điều lệ trường đại học, Điều lệ trường cao đẳng và tham chiếu kinh nghiệm thế giới. Tránh các biểu hiện cực đoan như: Tiết kiệm quá mức, chỉ xây dựng thấp tầng nên hiệu quả sử dụng không cao, hay phải phá đi xây lại, hoặc mua sắm trang thiết bị rẻ tiền, mau hỏng; và ngược lại, xây dựng hoành tráng, mua trang thiết bị hiện đại nhưng lại không bám sát nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường, gây lãng phí;
- Đối với các trường đã có diện tích đủ lớn và không thuộc diện phải di dời, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường, cần làm dứt điểm từng hạng mục, đầu tư có trọng điểm, có tầm nhìn hiện đại, bám sát nhiệm vụ đào tạo và quan tâm giữ cảnh quan, môi trường sư phạm cho nhà trường;
- Đối với các trường có khuôn viên chật hẹp, đặc biệt là các trường trong nội thành Hà Nội và TP HCM, cần nghiên cứu, chuẩn bị phương án di dời ra khỏi khu nội thị theo quy hoạch sắp được phê duyệt; cân nhắc kỹ việc đầu tư xây dựng cơ bản lớn, kiên cố trong khuôn viên hiện có;
- Trên cơ sở thế mạnh của nhà trường, cần lựa chọn để tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn, chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới;
- Tổ chức rà soát năng lực hiện có về CSVC và TBĐT để có căn cứ tính toán chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo; đổi mới phương thức quản lý CSVC và TBĐT để khai thác tối đa nguồn lực hiện có, tăng cường khai thác nguồn lực CSVC và TBĐT có thể dùng chung giữa các đơn vị trong nhà trường và giữa nhà trường với các trường khác;
- Xây dựng lộ trình thu học phí giai đoạn 2011 – 2015, từ đó xác định lộ trình trích kinh phí từ học phí và các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường để tăng cường đầu tư CSVC và TBĐT;
- Chủ động tham gia hợp tác quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm; Bên cạnh nguồn vốn NSNN, mỗi trường cần có bộ phận chuyên trách để tạo đột phá trong quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên và xã hội nhằm tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư phát triển CSVC và TBĐT;
- Kiện toàn, tổ chức lại, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý CSVC và TBĐT, cán bộ phụ trách thí nghiệm, xưởng thực hành, thực nghiệm theo hướng chuẩn hóa, chuyên trách ở từng vị trí.
3.2. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các công việc sau:
- Chuẩn bị nội dung làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về nguyên tắc, tiêu chí đầu tư NSNN và các nội dung liên quan đến việc đầu tư CSVC và TBĐT cho các trường đại học, cao đẳng công lập trong những năm tiếp theo;
- Rà soát lại quy hoạch của các trường theo hướng di dời ra khỏi nội thành. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tham mưu với Chính phủ về cơ chế, chính sách xây dựng, đầu tư, di dời các trường ra khỏi nội thành Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
- Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng CSVC và TBĐT các trường đại học, cao đẳng công lập, cần xử lý thông tin, kết quả đầu ra theo nhóm ngành, theo khu vực địa lý để đưa ra các kiến nghị sâu hơn liên quan đến công tác đầu tư CSVC và TBĐT. Đồng thời, cần khảo sát, đánh giá thực trạng CSVC và TBĐT khối các trường ngoài công lập (hoàn thành đầu quý II năm 2010);
- Làm việc với các trường thuộc các nhóm ngành cơ bản để có giải pháp chia sẻ nguồn lực CSVC và TBĐT hiện có, từng bước thống nhất xây dựng tiêu chí về CSVC và TBĐT cho các nhóm ngành cơ bản. Trong thời gian trước mắt, cần đầu tư xây dựng ngay một số thư viện điện tử cho một số trường để các trường có cơ hội cùng chia sẻ, dùng chung nguồn tư liệu số;
- Tiếp tục hoàn thiện phần mềm xử lý kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng CSVC và TBĐT các trường đại học, cao đẳng công lập để có bộ công cụ cập nhật, duy trì thường xuyên thông tin về CSVC và TBĐT của các trường đại học, cao đẳng, phục vụ công tác quản lý nhà nước về CSVC và TBĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng mới phần mềm quản lý CSVC và TBĐT phục vụ công tác quản lý CSVC và TBĐT tại các trường (hoàn thành trong quý II năm 2011). Đồng thời, lập cửa sổ thông tin điện tử giúp các trường có điều kiện trao đổi về các nội dung liên quan đến công tác đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và bảo quản CSVC và TBĐT;
- Chỉ đạo, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong việc kiện toàn, tổ chức lại, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý CSVC và TBĐT, cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực nghiệm theo hướng chuẩn hóa, chuyên trách ở từng vị trí;
- Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá thực trạng CSVC và TBĐT các trường đại học, cao đẳng công lập, tiến hành rà soát, đánh giá sâu hơn để xác định đúng danh mục các trường cần đầu tư hoặc hạn chế việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh;
- Xác định hướng ưu tiên đầu tư cho một số trường/ngành (trường trọng điểm, sư phạm, khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ hoặc những ngành nhà nước đang cần) để tập trung đầu tư phát triển thành ngành mũi nhọn, đạt chuẩn khu vực và thế giới.