Thông báo 338/TB-BGDĐT năm 2016 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố
Số hiệu | 338/TB-BGDĐT |
Ngày ban hành | 27/05/2016 |
Ngày có hiệu lực | 27/05/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Ngọc Phương |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 338/TB-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2016 |
Ngày 20 tháng 5 năm 2016, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố. Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị, các dự án thuộc Bộ và một số Hiệu trưởng trường đại học sư phạm.
Sau khi nghe báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, ý kiến phát biểu, thảo luận của Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tại Hội trường, báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của 04 trưởng nhóm thảo luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận:
1. Thời gian qua, giáo dục và đào tạo của các địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục được mở rộng; hệ thống các cấp học được tổ chức lại một bước; chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị được cải thiện và từng bước hiện đại; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; đầu tư cho giáo dục được quan tâm hơn; công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.... Có được những thành tựu đó là nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước; sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục và học sinh, sinh viên trong cả nước.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quản lý giáo dục có nhiều mặt còn hạn chế. Hiện tượng “dạy thêm, học thêm”, “chạy trường, chạy lớp”, thu chi không đúng quy định... vẫn chưa được khắc phục triệt để. Giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được coi trọng đúng mức. Việc thực hiện một số mô hình đổi mới trong giáo dục còn một số bất cập; việc thi cử, kiểm tra, đánh giá học sinh còn nặng nề, gây áp lực cho giáo viên và học sinh. Một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được trước yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học nhiều nơi vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu; đầu tư cho giáo dục chưa đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong giáo dục chưa được quan tâm, chú trọng....
2. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, sáng tạo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nhằm đưa giáo dục nước ta phát triển nhanh hơn, hội nhập hơn với khu vực và quốc tế. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, ngành Giáo dục thống nhất tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ ưu tiên, đó là: Rà soát quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh phân luồng trong giáo dục; tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường giảng dạy tiếng Anh ở tất cả các cấp học, bậc học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ được xã hội hết sức quan tâm như: đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thi cử, kiểm tra, đánh giá; giáo dục đạo đức, lối sống....
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của ngành, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
a) Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 44/NQ-CP về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết trên và Kế hoạch hành động của ngành tới từng trường, từng cán bộ, giáo viên của địa phương. Kế hoạch tuyên truyền gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6/2016.
b) Rà soát, tổng hợp những vấn đề bất cập trong quá trình triển khai nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo tại địa phương; chỉ rõ trách nhiệm giải quyết những bất cập này để có kế hoạch khắc phục. Báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/7/2016.
c) Rà soát và cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương, đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của địa phương. Báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/8/2016.
d) Xây dựng báo cáo tổng kết năm học 2015-2016, trong đó cần chỉ rõ những kết quả nổi bật; những hạn chế, yếu kém; nguyên nhân và biện pháp khắc phục, gắn với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Công tác khen thưởng phải làm thực chất. Ngoài việc khen thưởng thường xuyên, cần phát hiện những tấm gương tốt, những điển hình tiên tiến xuất sắc đã có những đổi mới, sáng kiến hoặc thành tích giảng dạy, học tập để tuyên truyền và tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Mỗi địa phương chọn ra 02 giáo viên và 02 học sinh tiêu biểu nhất đề nghị Bộ trưởng khen thưởng và gặp mặt trực tiếp.
Báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/8/2016.
đ) Chỉ đạo đánh giá tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp khắc phục trong việc thực hiện các chủ trương đổi mới của ngành trong thời gian qua như: việc triển khai Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học, triển khai mô hình trường học mới, phương pháp “Bàn tay nặn bột”.... Báo cáo đánh giá, kiến nghị gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6/2016 để xem xét, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tế của từng địa phương.
e) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp đúng quy chế, khắc phục hiện tượng “chạy trường, chạy lớp”; quán triệt các văn bản chỉ đạo và phối hợp tốt với các trường đại học, cao đẳng và các ban, ngành của địa phương thực hiện nghiêm túc, an toàn, khách quan và đúng quy chế kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 14/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
g) Tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện để “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống tình trạng “bạo lực học đường”; tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp có sự việc tiêu cực xảy ra tại địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo giải quyết và công khai trước công luận.
h) Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí 01 cán bộ chuyên trách hoặc 01 bộ phận chuyên trách (đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) về công tác truyền thông của Sở, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông về các hoạt động giáo dục và đào tạo tại địa phương, đồng thời tăng cường kết nối với bộ phận truyền thông của Bộ. Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách cán bộ phụ trách truyền thông của Sở trước ngày 15/6/2016.
i) Đẩy mạnh hơn nữa sự tương tác trực tiếp giữa Bộ với Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua các cuộc làm việc định kỳ hoặc hội nghị chuyên đề giữa Bộ với các Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo địa phương. Giao Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch để Bộ trưởng làm việc với các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo định kỳ ít nhất 1 lần/năm và làm việc theo chuyên đề nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành.
Bộ trưởng ghi nhận, tiếp thu và giao các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cần nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục tại địa phương trong việc tham mưu, phối hợp và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo địa phương; chủ động nắm bắt, phối hợp giải quyết và chịu trách nhiệm trước những vấn đề nóng, những tồn tại, vướng mắc về giáo dục và đào tạo của địa phương.
Bộ khuyến khích các Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất các sáng kiến, chuyên đề nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời Bộ sẽ tăng cường lắng nghe ý kiến từ các địa phương trước khi đưa ra những chủ trương, quyết sách cho toàn ngành.
Trân trọng thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan biết, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL.
BỘ TRƯỞNG |